Thế khó của phương Tây trong chiến lược đối phó với cuộc xung đột Nga - Ukraine
Quốc tế 04/11/2024 10:20
Theo đánh giá mới đây của Nhóm công tác đàm phán (NTF), một nhóm cố vấn và R&D chuyên về chiến lược đàm phán trong môi trường khủng hoảng, được thành lập thông qua Sáng kiến Học giả - Doanh nhân tại Trung tâm Davis về Nghiên cứu Nga và Âu - Á thuộc Đại học Harvard, cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine đang đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia phương Tây trong việc xác định chiến lược phù hợp.
Mặc dù đã có những nỗ lực mạnh mẽ từ phương Tây như áp dụng các lệnh trừng phạt và hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng những biện pháp này vẫn chưa đủ để buộc Nga rút quân khỏi Ukraine. Điều này dẫn đến thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng với các phương Tây.
Thứ nhất: Thế tiến thoái lưỡng nan về trừng phạt và leo thang. Một trong những thách thức lớn nhất mà phương Tây phải đối mặt là làm sao để buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột ở Nga mà không làm leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo chung ở Washington, D.C. |
Các nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng, việc không phản ứng quyết liệt có thể khuyến khích Nga tiếp tục các hành động quân sự của mình. Nhưng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn có thể dẫn đến phản ứng từ phía Nga, làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Điều này đã hạn chế quy mô trừng phạt mà phương Tây sẵn sàng áp dụng.
Hơn nữa, mặc dù hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine được duy trì, vẫn có sự miễn cưỡng trong việc đáp ứng tất cả các yêu cầu của Kiev do lo ngại về khả năng leo thang xung đột thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Thứ hai: Thế tiến thoái lưỡng nan giữa răn đe hạt nhân và ngăn chặn. Răn đe hạt nhân từ phía Nga cũng tạo ra một thế tiến thoái lưỡng nan khác cho phương Tây. Với khoảng 5.500 đầu đạn hạt nhân, Nga có thể sử dụng sức mạnh này như một công cụ tâm lí để thúc đẩy các mục tiêu chính trị của mình, như đã nhấn mạnh gần đây bằng các cuộc tập trận hạt nhân liên tục và việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus.
Các nhà lãnh đạo phương Tây có thể không sợ hãi trước thách thức này, nhưng đồng thời cũng nhận thấy rằng việc đàm phán từ vị thế lo ngại sẽ bị coi là yếu kém. Do đó, nhiều chuyên gia an ninh nhấn mạnh rằng, phương Tây cần phải có một chiến lược kép: Duy trì lập trường cứng rắn trước thách thức hạt nhân trong khi vẫn mở ra các con đường ngoại giao để chấm dứt xung đột. Việc thừa nhận thực tế này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách phương Tây linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm giải pháp.
Thứ ba: Thế tiến thoái lưỡng nan về quy mô liên minh. Phương Tây đang tìm cách xây dựng một liên minh rộng lớn ủng hộ Ukraine trong khi đồng thời theo đuổi một chương trình nghị sự mở rộng hơn, vượt ra ngoài mục tiêu chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã chứng minh là không hiệu quả. Một số quốc gia ở Nam toàn cầu (các nước đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây) và nhóm BICS (gồm các thành viên chính như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) tỏ ra nghi ngờ về động cơ của phương Tây liên quan đến cuộc chiến này.
Rõ ràng, sự hỗ trợ từ Nam toàn cầu là rất quan trọng, vì các quốc gia này cùng nhau nắm giữ ảnh hưởng kinh tế và nhân khẩu học đáng kể, có khả năng tăng cường tính hợp pháp và hiệu quả quốc tế của các chiến lược chấm dứt giao tranh.
Thế tiến thoái lưỡng nan trong chiến lược hiện tại của phương Tây đối với Ukraine đặt ra nhiều câu hỏi khó khăn về cách thức xử lí cuộc xung đột này. Trong khi phương Tây muốn duy trì áp lực lên Nga để bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Mỹ lãnh đạo", họ cũng phải cân nhắc kĩ lưỡng để không làm leo thang hình thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Trong khi đó, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ các quốc gia ở Nam toàn cầu, là rất quan trọng để tạo ra một giải pháp hòa bình bền vững cho cuộc xung đột này…