Thế giới đang dần phân chia bởi 5G
Quốc tế 12/06/2019 15:05
Dưới con mắt của nhiều người Mỹ, Trung Quốc và Nga bị coi là tụt hậu về mặt công nghệ, không thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon. Thế nhưng, mọi thứ dường như đã thay đổi khi Trung Quốc xuất hiện những gã khổng lồ công nghệ như Huawei, ZTE. Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà lãnh đạo không thể tranh cãi trong mạng 5G.
Và chính Huawei đang là trọng tâm phân chia thế giới thành hai nửa, khi giúp Trung Quốc và Nga cũng như nhiều quốc gia khác tiến lên với thế hệ công nghệ Internet tiếp theo. Mỹ đã cấm Huawei tham gia vào các mạng 5G của nước này và đe dọa sẽ ngăn chặn hãng công nghệ này tiếp cận phần mềm, linh kiện cần thiết cho các mảng kinh doanh điện thoại thông minh và thiết bị mạng. Đồng thời kêu gọi các đồng minh hạn chế hoặc cấm sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G đi kèm cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng cơ sở hạ tầng dữ liệu nhạy cảm cho hoạt động gián điệp.
Huawei “tìm lại chính mình” ở nước Nga
Ngày 5/6, bên lề cuộc gặp thượng đỉnh tại Moskva giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, tập đoàn công nghệ Huawei đã kí một thỏa thuận với công ty viễn thông MTS của Nga về phát triển mạng 5G tại Nga trong năm 2020.
Bây giờ ngay cả Nga, thường không được coi là một cường quốc công nghệ di động, đã sẵn sàng để tiến lên. Mặc dù có lịch sử cảnh giác về gián điệp nước ngoài với nhiều luật bảo vệ dữ liệu, song Điện Kremlin đã chấp nhận thỏa thuận giữa Huawei và MTS - một trong ba nhà khai thác mạng di động hàng đầu ở Nga.
“Cái bắt tay” Nga - Trung với “gạch nối” là Huawei trong phát triển mạng 5G được giới phân tích nhận định là một bước ngoặt, đánh dấu việc thiết lập một “bức tường thép” trong một “cuộc chiến tranh lạnh” về công nghệ giữa một bên là Mỹ cùng một số nước đồng minh với một bên là liên minh Trung - Nga. Trong tình thế hiện nay, Huawei đã tìm thấy chính mình trên chiến tuyến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các “chiến lược gia” của Huawei dường như nhận thức được rằng khi các quốc gia tiếp tục tiến lên với việc phát triển mạng 5G - sẽ cung cấp tốc độ nhanh hơn, kết nối nhanh hơn và truy cập nhanh hơn vào điện toán đám mây, trao quyền cho các công nghệ như xe tự hành và thành phố thông minh - thì sự phân chia hai phe Mỹ - Trung ngày càng tăng.
Một bên, có những đồng minh của Trung Quốc không có vấn đề gì với Huawei và Nga là ví dụ mới nhất. Ở nửa bên kia là Mỹ và một số đồng minh thân cận nhất của họ, những nước đã cam kết sẽ đóng cửa với công ty Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở giữa, vẫn có một loạt các quốc gia như Đức, Anh, hầu hết trong số đó có truyền thống gần gũi với Mỹ hơn Trung Quốc nhưng không sẵn sàng chịu sự chậm trễ và việc có cấm Huawei hay không vẫn còn ở trên bàn nghị sự.
Phân chia thế giới Internet
Thực tế là Mỹ đã tụt lại phía sau Trung Quốc khi nói đến 5G và việc áp đặt các biện pháp bao vây cấm vận sẽ không có quá nhiều tác động để thu hẹp khoảng cách. Mỹ có thể bắt kịp - và thậm chí vượt Trung Quốc - nhưng đó sẽ là một cuộc đấu tranh khốc liệt.
Trường hợp xấu nhất, sự phân chia này sẽ buộc các chính phủ phải chọn phe và thiết lập sự phân chia Internet thế hệ tiếp theo giữa Trung Quốc và Mỹ, một điều có thể tạo ra sự phân nhánh lớn trong các công ty viễn thông cung cấp thiết bị mạng.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế tại St Petersburg, ngày 7/6, Tổng thống Nga Putin đã lên án các âm mưu đang diễn ra nhằm loại Huawei khỏi thị trường quốc tế, coi đây là sự khởi đầu của một cuộc chiến công nghệ mới và là khởi nguồn chính cho sự bất ổn toàn cầu.
Theo nhà phân tích James Griffiths của kênh CNN (Mỹ), có nên chọn Huawei hay không đang trở thành một thử nghiệm chính trị, một mối đe dọa làm trầm trọng thêm sự phân chia của Internet toàn cầu thành các lĩnh vực riêng biệt và đẩy nhanh sự sụp đổ của web mở trên toàn thế giới