Thanh Hóa: Hàng trăm hộ dân khốn khổ vì dự án điện năng lượng mặt trời (bài 2)
Phóng sự 10/08/2020 10:05
Nhà, đất bỏ hoang vì Dự án điện triển khai trên ... giấy |
Doanh nghiệp bán điện cho ai?
Tìm hiểu về nguyên nhân chậm triển khai dự án này, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn cho biết: Cái quan trọng nhất là do Chính phủ chưa ban hành giá điện mới và cũng không cho ký hợp đồng mua bán điện, trong khi mục đích Công ty Hoàng Sơn đầu tư DA là để sản xuất điện bán lại choTập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ông Hoàng phân trần: “Hơn thế, trong khi EVN đang độc quyền, chỉ có mình EVN là đơn vị mua lại điện từ DA của Công ty Hoàng Sơn. Nhưng Chính phủ không ban hành giá, dẫn đến việc EVN không ký hợp đồng mua bán điện. Công ty Hoàng Sơn không ký được hợp đồng mua bán điện thì xây dựng DA xong sẽ bán điện cho ai?”.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg đã ra đời, thay thế cho Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo dự kiến dự án sẽ vận hành vào cuối năm 2019, nhưng tại thời điểm này, dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Chủ đầu tư cho rằng, Công ty Hoàng Sơn đã kí hợp đồng với chuyên gia Nhật Bản để họ tư vấn về kỹ thuật nhưng vì thời gian qua dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên họ chưa sang Việt Nam được. Thiết bị, Công ty Hoàng Sơn cũng đã đặt mua ở nước ngoài rồi, nhưng hàng đang bị ách lại vì lý do khách quan.
|
Trao đổi với PV, ông Hoàng khẳng định: “Tôi đã làm công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho Công ty Hoàng Sơn kí hợp đồng mua bán điện để tiếp tục triển khai dự án và gửi công văn ra Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản xin cho 7 chuyên gia nước này sang Việt Nam để triển khai DA. Hiện tôi cũng đang như ngồi trên đống lửa, tiền bỏ ra cả vài chục tỷ đồng lo thủ tục pháp lý, giấy tờ; đặt tiền cọc mua các thiết bị bên nước ngoài...”.
Ngoài lý do trên, Ông Hoàng còn cho rằng, chính quyền địa phương thực hiện chưa đúng trong việc kiểm kê để chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng. Ông Hoàng nói: “Ban giải phóng mặt bằng huyện Ngọc Lặc kiểm đếm chưa chính xác. Khi Công ty Hoàng Sơn lên kiểm đếm lại thì chênh lệch 10 tỷ đồng, tôi đã có ý kiến với huyện và Ban giải phóng mặt bằng, số tiền chênh lệch lên đến cả chục tỷ đồng thì nặng quá. Có những chỗ không có cây nhưng kiểm đếm lại có; cây nhỏ thì nói là cây to, cây giá trị thấp thì kê giá trị cao nên tôi đề nghị, trước khi doanh nghiệp thực hiện DA, phải kiểm đếm lại thì chúng tôi mới rải tiền được”.
Chính quyền khẳng định “Chủ đầu tư nói lung tung”
Trước những vấn đề lãnh đạo Công ty Hoàng Sơn nêu ra, ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc khẳng định: Huyện Ngọc Lặc chỉ có nhiệm vụ được giao giải phóng mặt bằng và đã tiến hành kiểm kê xong hết rồi nhưng họ (Công ty Hoàng Sơn - PV) chưa chuyển đồng nào để thực hiện chi trả đền bù cho dân. Ông Tuấn tỏ ra bức xúc: “Việc kiểm đếm không phải mình huyện Ngọc Lặc, chúng tôi hỗ trợ cho công ty Hoàng Sơn trong quá trình kiểm kê. Họ không có tiền nên nói lung tung. Trong đoàn kiểm đếm cũng có người của Công ty Hoàng Sơn. Người của họ, họ không tin thì còn rà soát gì nữa. Sau khi kiểm đếm xong công ty không chịu ký biên bản mà “hoãn binh” bằng cách điều chỉnh quy mô dự án, đoàn phải vất vả kiểm đếm lại theo điều chỉnh. Sau khi có kết quả, chúng tôi đưa hồ sơ họ cầm và ngâm từ lúc đó đến giờ vẫn không có ý kiến gì.”
|
“Ngọc Lặc là huyện miền núi, Chúng tôi rất muốn thu hút đầu tư để phát triển địa phương. Đây cũng là huyện đầu tiên của cả nước tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với mong muốn doanh nghiệp về mảnh đất này. Vì vậy khi có dự án điện mặt trời này, chúng tôi rất phấn khởi, kì vọng và đôn đốc anh em làm rất nhiệt tình, đúng nghĩa trải thảm nhưng thực tế họ không làm gì cả.”- ông Tuấn chia sẻ thêm.
Ông Phạm Trung Dũng, Trưởng phòng TN&MT huyện Ngọc Lặc cho biết: Huyện đã ra nhiều văn bản gửi chủ đầu tư nhằm đốc thúc họ kí biên bản kiểm kê để giải phóng mặt bằng cũng như thực hiện dự án như đã cam kết, nhưng công ty không lên ký, Giám đốc công ty này hơn nửa năm nay không lên làm việc với huyện. Kết quả kiểm đếm này quá 6 tháng cũng không còn giá trị. Nếu thời gian tới dự án thực hiện thì vẫn phải tiến hành kiểm kê lại.
Được biết tháng 1/2019, Công ty CP Đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn lại xin được giảm quy mô dự án và diện tích sử dụng đất từ 150 ha xuống 79,4ha. Tuy nhiên sự điều chỉnh này cũng chỉ mới dừng lại trên giấy.
Liên quan đến DA Kiên Thọ chậm tiến độ, đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Theo báo cáo của chủ đầu tư, do diện tích đất thực hiện dự án rộng, địa hình là đồi núi, liên quan đến 4 thôn với 364 hộ gia đình (trong đó, có nhiều hộ gia đình đi làm ăn xa) nên việc kiểm đếm, áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng bị kéo dài, dẫn đến tiến độ thực hiện DA chậm. Đến hết ngày 30/6/2019, DAvẫn chưa hoàn thành, đi vào hoạt động. Về vấn đề thu hồi dự án, sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan khác.
Trước tình trạng dự án không được triển khai theo đúng kế hoạch, UBND huyện Ngọc Lặc đã nhiều lần có văn bản gửi các cơ quan chức năng của tỉnh đề nghị có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư triển khai các bước dự án theo cam kết. Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì phải có biện pháp xử lý, để UBND huyện Ngọc Lặc có cơ sở thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng biết và chủ động hơn trong sinh hoạt và sản xuất.