Tằm tang trở lại
Đời sống 29/04/2020 09:08
Thời hưng thịnh
Cây dâu, con tằm có mặt trên đất Lâm Đồng rất sớm, từ những năm 60 thế kỉ XX do các chuyên gia Nhật trồng thực địa và nuôi khảo nghiệm. Trên cơ sở đó, người Nhật đã thành lập Trung tâm Tằm tang Bảo Lộc vào năm 1968, đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng Bảo Lộc trở thành Thủ phủ tơ tằm Việt Nam. “Thời hưng thịnh, Bảo Lộc có khoảng 2.000 ha dâu tằm. Bảo Lộc còn là nơi đứng chân của Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, Trại giống tằm Trung ương, cùng nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tơ tằm”, ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, cho biết.
Các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc |
Theo ông Nguyễn Văn Triệu, sự phát triển của ngành dâu tằm tơ là một động lực quan trọng giúp huyện Bảo Lộc tích lũy điều kiện cần thiết để đến năm 1994 trở mình thành thị xã Bảo Lộc và năm 2005 trở thành TP Bảo Lộc. “Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1965 người Nhật đã chọn Bảo Lộc để xây dựng thành Thủ phủ tơ tằm Việt Nam và duy trì thị trường này cho đến tận bây giờ. Nó cho thấy địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc trồng dâu ươm tơ. Sợi tơ ở đây có chất lượng thượng hạng. Mà sợi tơ thượng hạng là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất các sản phẩm lụa tơ tằm cao cấp”, ông Nguyễn Quốc Bắc, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Bảo Lộc, chia sẻ.
Tìm lại vị thế thủ phủ tơ tằm Việt Nam
Theo Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Nguyễn Văn Triệu, sau thời kì hưng thịnh, ngành dâu tằm tơ Bảo Lộc dần rơi vào suy thoái. Nguyên nhân là do cơ chế bao cấp tạo nên những lỗ hổng trong quản lí, sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2010, ngành dâu tằm tơ Bảo Lộc bắt đầu bước qua thời kì suy thoái và phục hồi. Diện tích trồng dâu tằm tại Bảo Lộc hiện đã tăng lên 658 ha. Trong đó, 525 ha dâu đang cho thu hoạch, với sản lượng khoảng 7.925 tấn. Cùng với đó, Bảo Lộc có 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tơ lụa.
Ông Nguyễn Đức Nhẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, một trong những địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh của tỉnh Lâm Đồng, cho hay: Công nghệ nuôi tằm giờ đây đã có rất nhiều cải tiến, nên một lứa tằm chỉ nuôi trong vòng 17 ngày là thu hoạch. Hiện, giá kén ở mức 140 nghìn đồng/kg. Một hộp tằm sẽ cho từ 50 - 55 kg kén, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hộp tằm mang lại cho người nuôi 3 triệu đồng tiền lãi. Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch UBND xã Đam B’ri, địa phương trọng điểm về vùng nguyên liệu dâu tằm của TP Bảo Lộc, trao đổi: “Ngoài nguyên nhân giá kén tằm cao, lí do khiến ngành dâu tằm tơ phục hồi phải kể đến những thành tựu của khoa học công nghệ trong việc tạo ra nhiều giống dâu và giống tằm mới, việc áp dụng các tiến bộ kĩ thuật từ trồng, thâm canh giống dâu đến kĩ thuật nuôi tằm đã làm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng kén, tạo ra nguồn thu ổn định cho nhiều nông dân.
Bà Bùi Thị Thanh Huyền, người đang sở hữu 4 sào dâu ở xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm |
Cùng với việc mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân, việc xuất khẩu tơ lụa còn mang về cho Bảo Lộc từ 15 - 16 triệu USD. Trong 3 năm qua, Bảo Lộc duy trì sản lượng xuất khẩu 860 - 1.000 tấn tơ và 2,5 - 3 triệu mét lụa, chiếm trên 80% sản lượng tơ lụa xuất khẩu của cả nước.
Khó khăn vẫn còn
Bằng chất lượng sản phẩm, tơ lụa Bảo Lộc đang có những bước trở mình mạnh mẽ, vươn ra chinh phục những thị trường mới. Từ năm 2017, tơ lụa Bảo Lộc tiếp cận và tạo được chỗ đứng tại một số thị trường kĩ tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Pháp, Italia... Thị trường bán lẻ các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc cũng liên tục tăng cao. Chưa kể, tơ lụa Bảo Lộc còn tạo ra nhiều sản phẩm sử dụng trong y học, mĩ phẩm, trang trí nội thất, xây dựng cơ bản, đồ dùng công nghệ, nhất là các sản phẩm thời trang làm bằng tơ lụa, tơ lụa Bảo Lộc gần như thay thế hoàn toàn lụa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Tơ lụa Viet Silk, lại nhìn nhận về vấn đề này khá dè dặt khi cho rằng, cần nâng tầm tơ lụa Bảo Lộc cao hơn nữa thì mới đáp ứng những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng tại các thị trường kĩ tính nhưng đầy tiềm năng Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Pháp, Italia, Nga...
Theo ông Dũng, muốn có sản phẩm xuất khẩu chất lượng tơ phải đạt 4 - 6A, trong khi chất lượng tơ ở Thủ phủ tơ tằm Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức A - 3A. Một khó khăn nữa mà người trồng dâu nuôi tằm đang phải đối mặt đó là Việt Nam hiện vẫn chưa chủ động được nguồn tằm giống. Ông Nguyễn Mậu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông - Lâm nghiệp Lâm Đồng, thẳng thắn: “Riêng giống tằm hiện nay vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung tâm cũng đã chú trọng nghiên cứu, lai tạo các giống tằm lưỡng hệ, để phá vỡ sự phụ thuộc vào giống tằm nhập khẩu, tuy vậy mọi thứ vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa thể chuyển giao cho người dân”.