Quê hương Quỳnh Đôi của Bà chúa thơ Nôm
Phóng sự 03/08/2020 16:49
Người ta sinh ra phải có quê quán, mẹ cha. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là có thật, quê bà ở Quỳnh Đôi -làng Khoa bảng nổi tiếng ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Cổng làng khoa bảng.
Từ xa xưa trong dân gian đã truyền tụng: “Bắc Hà: Hành Thiện, Hoan Diễn: Quỳnh Đôi” nghĩa là tỉnh Nam Định có làng Hành Thiện, tỉnh Nghệ An có làng Quỳnh Đôi, là hai làng có truyền thống hiếu học, nhiều người đậu đạt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình”.
Trong Diễn ca tóm tắt sự tích họ Hồ có câu “ Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm/ Nước trong tốt bởi mạch nguồn/ Tổ tiên đại trí, cháu con đại tài”.
Nghiên cứu về thân thế sự nghiệp của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, từ xưa tới nay, các họ giả, nhà nghiên cứu đều đồng thuận, nữ sĩ họ Hồ quê ở Quỳnh Đôi.
Tục ngữ xưa có câu “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm”. Theo ý người xưa và cũng là nhân duyên, tháng 7/2020, nhóm nghiên cứu về thân thế sự nghiệp của Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương chúng tôi đã về xã Quỳnh Đôi, quê hương nữ sĩ, để được nghe, được thấy và được làm những gì mình mong muốn.
Đại diện gia tộc họ Hồ ở Quỳnh Đôi tiếp chúng tôi thân thiết như con cháu trong dòng họ đi xa về.
Bước tới cổng làng Quỳnh Đôi -một cổng làng mới được xây dựng cao to bề thế, tôi chưa gặp ở bất kỳ làng quê nào trên đất nước Việt Nam mà tôi đã từng đến.
Cổng Làng Quỳnh Đôi xây dựng năm 2014, hướng từ trong làng đi ra Ảnh : Nghiêm Thị Hằng |
Cổng làng được xây dựng và khánh thành vào năm 2014 từ nguồn kinh phí của con em trong làng sinh sống xa quê hương quyên góp, ủng hộ, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng tới 3 tỷ đồng. Khi đã có kinh phí, ý tưởng xây dựng cổng làng của xã đã được các bô lão và cán bộ nhân dân toàn xã đồng thuận việc xây dựng. Theo thiết kế, khuôn viên công trình là 3.000 m2, điểm cao nhất của cổng là 14 m, rộng 22 m. Cổng có một cửa chính và 2 cửa phụ, vòm cửa chính cao 6,9 m, rộng 7 m, cột cổng rộng 4 m... Hướng vào cổng có chữ Làng Quỳnh Đôi; hướng từ trong nhìn ra có chữ Khai Cơ 1378 (tức làng Quỳnh Đôi được lập năm 1378). Mặc dù đã được công nhận là xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới từ năm 2014, nhưng cổng làng Quỳnh Đôi là công trình đồ sộ nhất làm cho xã nông thôn mới Quỳnh Đôi đã nổi tiếng, càng thêm nổi tiếng.
Ông Hồ Sĩ Bình, Trưởng Ban cán sự họ Hồ đại tộc ở Quỳnh Đôi, nói với chúng tôi với niềm tự hào về công trình cổng làng bề thế của quê hương. Ông cho biết, đây là cổng làng và cũng là cổng xã, bởi từ xưa đến nay vùng quê này chỉ gồm một làng, một xã, thế nên Quỳnh Đôi là vùng quê nhất làng, nhất xã là như thế.
Dấu tích làng khoa bảng
Dấu tích xưa của vùng đất Quỳnh Đôi được ghi rõ trên cổng làng khai cơ năm 1378, với 3 ông Tổ khai đất lập trang Thổ Đôi, là các cụ: Hồ Hồng, Nguyễn Thạc và Hoàng Khánh cùng nhau đến đây khai cơ, lập ấp đặt tên là “Thổ Đôi Trang ”. Đến năm 1528, cụ Hồ Nhân Hy (Đời Mạc) đổi tên Thổ Đôi thành xã Quỳnh Đôi ngày nay.
Thủy Tổ họ Hồ nhánh Quỳnh Đôi là cụ Hồ Hồng (con của cụ Hồ Kha -Thái Thủy tổ). Cụ Hồ Kha là đời thứ 13, con là Hồ Hồng đời thứ 14 của Nguyên tổ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.
Trong cuốn tìm hiểu lịch sử họ Hồ Việt Nam, do ông Hồ Khuê cháu đời thứ 30 của Nguyên tổ Hồ Hưng Dật, biên soạn năm 2010, có nói về hậu duệ ở Quỳnh Đôi những người nổi tiếng, trong đó có cụ Hồ Sĩ Anh (hoặc Thế Anh) thuộc Trung chi 2 đời thứ 22 của Nguyên tổ (1618-1684) chính là cụ tổ 5 đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở làng Quỳnh Đôi. Ảnh : Nghiêm Thị Hằng |
Như vậy là chúng tôi đã đến đất Quỳnh Đôi -làng khoa bảng, quê hương, đất tổ của nữ sĩ, đã đọc Hồ Tông thế phả là quyển gia phả cổ nhất trong dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi, do Tiến sĩ Đông các Đại học sĩ Tham tụng (Tể tướng) Quận công Hồ Sĩ Dương (1621-1681), đời thứ 22 của Nguyên tổ biên soạn. Hồ Tông thế phả ghi rõ gia phả 5 đời của Hồ Xuân Hương - Bà chúa thơ Nôm. Chúng tôi cũng đã nghe hậu duệ con cháu trong dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi với tâm nguyện được làm sáng tỏ những uẩn khúc trong cuộc đời, sự nghiệp văn thơ của nữ sĩ, để có căn cứ cùng tỉnh Nghệ An và Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO phong tặng danh hiệu Danh nhân Văn hóa Thế giới cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Bà chúa thơ Nôm của Việt Nam, con cháu họ Hồ ở Quỳnh Đôi.