Paris lại một đêm không ngủ, 412 người bị bắt, quân đội chuẩn bị triển khai
Quốc tế 03/12/2018 08:25
Người biểu tình phóng hỏa đốt cháy hàng loạt ô tô ở ngay trung tâm Paris. Ảnh: EPA |
133 người đã bị thương và 412 người bị bắt giữ trong chiến dịch giữ gìn trật tự của hàng ngàn cảnh sát Pháp được huy động đêm 1/12.
Những hình ảnh do phóng viên AFP ghi được cho thấy bên trong Khải Hoàn Môn cũng bị các phần tử quá khích cướp phá, bức tượng Marianne - một biểu tượng của Pháp - bị đập vỡ, các hình vẽ graffiti phun nhằng nhịt bên ngoài...
Ngày chủ nhật 2/12, các lực lượng chức năng đã mở chiến dịch dọn dẹp thành Paris đang trong cảnh tàn phá không thể tin nổi giữa làn sóng bạo loạn đô thị tồi tệ nhất ở Pháp hơn một thập kỷ qua.
Xe cảnh sát cũng bị phóng hỏa, các cửa kính bị người biểu tình dùng rìu đập vỡ. . |
Trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đi thẳng từ sân bay tới Đại lộ Champ Elysee và Khải Hoàn Môn, nơi còn ngổn ngang tàn tích những chiếc xe ô tô bị đốt cháy rụi. Ông Macron lên án cuộc náo loạn, đốt phá ở Paris và cam kết sẽ trừng trị những kẻ gây rối.
Trưa 2/12, Tổng thống Emmanuel Macron có cuộc họp khẩn cấp với Thủ tướng Edouart Philippe và Bộ trưởng Nội vụ Christopher Castener để thảo luận về cách thức tiến hành đối thoại với phong trào “áo vàng”.
Quang cảnh khó tin nổi trong mắt người dân và du khách tới Paris. Ảnh: AFP |
Theo AFP, Chính phủ đang cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm mở rộng quyền hạn cho các lực lượng thực thi pháp luật, từ quyền chặn người và khám xét, cho tới tổ chức các cuộc đột kích vào các khu nhà tình nghi có các phần tử nổi loạn. Chính phủ cũng cân nhắc kêu gọi quân đội tham gia hỗ trợ cảnh sát chống bạo động.
Lần gần đây nhất Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp là vào năm 2015, sau loạt vụ tấn công khủng bố do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành. Lệnh này kéo dài đến tận tháng 11/2017.
Tổng thống Pháp Macron tới hiện trường bạo loạn Paris. Ảnh: AFP |
Ông trò chuyện, khích lệ các sĩ quan an ninh làm nhiệm vụ. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Pháp, Benjamin Griveaux một lần nữa khẳng định chính phủ sẽ không thay đổi chính sách và đề nghị người dân thể hiện tình đoàn kết dân tộc, sau khi bạo lực bùng phát ngày 1/12 tại trung tâm thủ đô Paris.
Trả lời phỏng vấn báo Le Journal du Dimanche, ông Griveaux nhấn mạnh chính phủ "có một phương pháp đối thoại cởi mở hơn" và sẵn sàng thảo luận với đại diện của phong trào “áo vàng” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Chính phủ đang xem xét tất cả các giải pháp, bao gồm cả việc thiết lập lại “tình trạng khẩn cấp”, để ngăn ngừa bạo loạn, không chỉ ở thủ đô Paris mà còn có xu hướng lan tới các địa phương khác.
Phe áo vàng giận dữ vì giá nhiên liệu tăng cao. |
Trong hơn hai tuần qua, các cuộc biểu tình của phong trào "áo vàng" đã gây ra tình trạng tắc nghẽn tại nhiều tuyến đường trên toàn quốc và đây được coi là một trong những thách thức lớn và khó tháo gỡ nhất mà Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt trong 18 tháng cầm quyền.
Phong trào trên lấy tên theo những chiếc áo phản quang mà tất cả người lái xe mô tô tại Pháp phải mặc khi lái xe.
Quyết định tăng thuế nhiên liệu có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cùng lúc giá dầu thế giới tăng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân, đặc biệt là nông dân. Dù chính phủ cho rằng tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng hàng nghìn người vẫn đổ xuống các đường phố chính ở các thành phố trên cả nước để phản đối.
Có tới 412 phần tử quá khích đã bị cảnh sát bắt giữ chỉ trong ngày 1/12. |
Trong bài phát biểu tại Buenos Aires khi đến Argentina tham dự hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Pháp cho biết ông thấu hiểu sự giận dữ của một bộ phận người dân mong muốn một cuộc sống tốt hơn, song khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi công cuộc cải cách, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Trước đó, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố rằng việc đánh thuế nhiên liệu sẽ được tính toán lại phù hợp với biến động giá cả trên thị trường dầu mỏ thế giới, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với những người chủ yếu sử dụng xe ôtô cá nhân làm phương tiện di chuyển, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi.
Kể từ khi lên nắm quyền từ cách đây hơn 1 năm, Tổng thống Macron đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm định hình lại nền kinh tế và cải cách các cơ quan công quyền. Những biện pháp cải cách gây tranh cãi, đặc biệt là quyết định cho phép nới lỏng các luật về thuê và sa thải người lao động, đã khiến chỉ số tín nhiệm dành cho ông chủ Điện Elysée giảm xuống mức thấp. Quyết định tăng thuế cũng ảnh hưởng tới chỉ số tín nhiệm này. Dự kiến, tháng 1/2019 tới sẽ có thêm một đợt tăng giá dầu diesel, vốn được sử dụng rất phổ biến tại Pháp.
Nhãn |
Tổng thống Pháp Macron (phải) trong cuộc họp nội ngày 2/12. Ảnh: Reuters |
Báo Tin tức