Nước sông Hồng trong xanh - Mừng ít, lo nhiều
Trong mắt người già 10/05/2022 10:00
Nếu trước đây vài chục năm, hiện tượng nước sông Hồng trong xanh chỉ xuất hiện ít ngày vào mùa Đông, thì bây giờ màu nước này gần như thường trực. Vào mùa mưa lũ, nước sông chủ yếu là màu gạch cua, nên có dạo dư luận chợt xôn xao khi thấy nước sông Hồng trở lại màu đỏ như vốn có.
Sông Hồng có tổng chiều dài 1.149km, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đoạn chảy vào Việt Nam dài 510km, bắt đầu từ thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Cái tên sông Hồng (Rivière Rouge) do người Pháp đặt dựa vào màu đỏ hồng đặc trưng do phù sa mà nó mang theo. Các nhà khoa học tính toán, lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn/năm.
Hình ảnh nước sông Hồng trong xanh chụp chiều ngày 29/1. |
Điều này góp phần bồi đắp phù sa màu mỡ cho vùng đồng bằng ven sông, mở rộng thêm diện tích đất nơi cửa biển.
Sở dĩ sông Hồng trở nên trong xanh, theo các chuyên gia có nhiều nguyên nhân như thủy điện, kè sông, phát triển đô thị, giao thông, khai thác cát sỏi, lượng mưa thấp, độ màu mỡ của đất đai giảm...
Về thủy điện, phía thượng nguồn sông Hồng ở Trung Quốc có tới 25 nhà máy thủy điện các loại chặn phụ lưu và dòng chính. Các dòng sông, suối khác hợp lưu với sông Hồng như sông Đà, sông Lô, sông Chảy… ở Việt Nam cũng có không ít đập thủy điện lớn nhỏ chặn dòng, tích nước nên hầu như toàn bộ phù sa lắng đọng hết xuống đáy hồ. Khi hồ xả nước để phát điện, chỉ có nước trong chảy về hạ du, nhất là về cuối Đông, đầu Xuân, không có mưa thượng nguồn. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi màu nước của sông Hồng.
Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, lượng mưa ít, mực nước sông thấp, kèm theo nạn khai thác cát sỏi bừa bãi gây sạt lở bờ sông, nhiều nơi tổ chức kè bờ chống lở. Rồi việc phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, diện tích đất ven sông, suối bị bê tông hóa ngày càng cao, nạn phá rừng đầu nguồn làm cho lớp đất màu mỡ bị rửa trôi nhanh còn trơ lại sỏi đá… cũng khiến cho sông Hồng không còn màu đỏ. Nhìn chung, mọi nguyên nhân đều đến từ con người. Sự khai thác tài nguyên quá mức, không tính đến sự tác động lâu dài của môi trường đã làm cho sông Hồng không còn “đỏ nặng phù sa”,
Nước sông Hồng xanh trong cũng đừng kì vọng đó là nước sạch, bởi ngày ngày làm sao thống kê được có bao nhiêu nước thải, rác thải từ các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư xả bừa bãi xuống sông? Sông Hồng hết phù sa và ô nhiễm, lượng phù du, tôm cá ít đi và nỗi lo xâm nhập mặn sâu vùng cửa sông cũng hiện hữu. Vì thế mừng ít, lo nhiều.
Có lẽ, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm đến vấn đề này. Có những việc liên quan đến quốc tế, ở tầm quốc gia nhưng cũng có việc nằm ở địa phương, cơ sở và trong từng hành động của mỗi người dân. Xin đừng để cái tên sông Hồng trở thành kí ức.