Nỗi niềm của cô gái ‘không bao giờ cười’ và nghị lực vươn lên
Nhịp sống 09/03/2022 13:42
Tayla Clement (24 tuổi, New Zealand) mắc hội chứng Moebius (dạng rối loạn thần kinh) từ khi sinh ra. Căn bệnh này khiến Tayla không thể thể đảo mắt trái qua phải, nhướng mày hay mấp máy đôi môi.
Điều này khiến cấu tạo môi của Tayla trễ xuống và không thể cười như người bình thường. Không chỉ vậy, cô bị chẩn đoán mắc tiểu đường từ năm ba tiểu.
Tayla cho biết, trong nhiều năm liền, cô cảm thấy chán ghét vẻ ngoài của mình: "Mọi chuyện thật không dễ dàng. Tôi ước có một nụ cười bình thường, rồi ước mình chưa từng sinh ra. Nhưng bằng cách nào đó, tôi vẫn ở đây”.
Tayla Clement mắc hội chứng Moebius (dạng rối loạn thần kinh) khiến cô không thể cười |
Hội chứng Moebius chưa có cách chữa trị dứt điểm song có thể cải thiện các triệu chứng. Ở tuổi 12, Tayla trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, cấy mô từ đùi lên mặt để cố khôi phục nụ cười. Tuy nhiên, ca phẫu thuật không thành công, thậm chí còn để lại trên gương mặt cô những vết bầm sưng tấy.
Với gương mặt khác lạ, Tayla gặp phải không ít khó khăn tại trường học. Cô gái ‘không thể cười’ trở thành đối tượng bắt nạt của bạn bè. Tayla bị hét vào mặt, ném đồ bẩn vào người, sau đó bỏ chạy và cười nhạo.
Thậm chí, Tayla cho biết giáo viên cũng phân biệt đối xử với mình. “Tôi là người duy nhất trong lớp giơ tay xin phát biểu nhưng vị giáo viên ngó lơ”, cô kể.
Thế nhưng, vì không muốn gây phiền phức cho gia đình nên Tayla đã im lặng và chịu đựng mọi chuyện một mình. Tayla tâm sự, cảm giác bị cô lập và tự ti ngoại hình từng khiến cô rơi vào trầm cảm nặng. Tính đến khi tốt nghiệp cấp trung học, cô từng có ý định tự tử 6 lần.
Sau đó, Tayla tìm đến bơi lội để cảm thấy mình là một người bình thường. Được biết, mẹ của Tayla từng một vận động viên từng đại diện cho New Zealand tham gia môn bơi lội tại đại hội thể thao Thái Bình Dương.
Song, môn thể thao này không giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của Tayla. Sau khi bỏ lỡ vòng loại Paralympic Rio 2016, Tayla đã rời khỏi đường đua xanh vì thấy kiệt sức.
Bước ngoặt xảy ra khi Tayla chuyển sang tập gym và đi bộ hàng ngày. Điều này giúp cô gái 24 tuổi kiểm soát tâm lý tốt hơn. Không lâu sau, Tayla đăng ký tham gia giải điền kinh dành cho vận động viên khuyết tật ở New Zealand.
Năm 2018, Tayla giành ngôi đầu một cuộc thi đẩy tạ trong giải vô địch bang Victoria, ở Melbourne. Năm 2019, cô tham dự giải vô địch đẩy tạ quốc gia New Zealand, giành thành tích 8,28 m, qua đó đổ xô kỷ lục thế giới ở hạng F43.
Với những thành tích này, nữ vận động viên khuyết tật dần được truyền thông chú ý. Tayla sau đó đã có các buổi nói chuyện trước công chúng, truyền cảm hứng cho những ai đang bị dị tật trên khuôn mặt bằng chính cuộc đời của mình.
Cô cũng thường chia sẻ những điều này trên trang cá nhân. Instagram của Tayla hiện thu hút hơn 22.000 lượt theo dõi. Vận động viên 24 tuổi ngày càng nhận được nhiều lời động viên và khích lệ đến từ người hâm mộ New Zealand và quốc tế. Điều này khiến cô cảm thấy tự tin hơn vào bản thân.
Tayla cho biết, những thất bại đã qua chính là điều giúp cô buộc phải đứng dậy, cố gắng và thành công. “Tôi nghĩ rằng, ca phẫu thuật không thành công có lẽ là một may mắn, bởi không thể mỉm cười là món quà lớn nhất của mình. Điều đó từng đưa tôi xuống tận đáy vực sâu, nhưng mở ra cơ hội giúp tôi vươn lên và thành công. Trở thành nguồn cảm hứng và hy vọng cho người khác thật tuyệt vời", Tayla cho hay.