Những “địa chỉ đỏ” ở tỉnh Long An
Đời sống 08/09/2023 15:03
Ít ai biết, căn nhà 1 trệt, 1 lầu cũ kĩ, nhuốm màu thời gian tọa lạc số 17, đường Nguyễn Duy, phường 1, TP Tân An hơn 85 năm trước là địa điểm tin cậy của cách mạng, cơ sở bí mật, nơi làm việc của Tỉnh ủy Tân An xưa. Đó là Nhà thuốc Minh Xuân Đường - địa điểm hoạt động bí mật của Đảng bộ Tân An trong gần 10 năm (giai đoạn 1936 - 1945).
Đây là nơi hội tụ những hạt nhân nòng cốt của Tỉnh ủy Tân An đã lãnh đạo phong trào cách mạng Tân An, hòa với phong trào cách mạng của cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và ghi dấu mốc đặc biệt: Tân An là tỉnh đi đầu trong khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ.
Tại đây, vào ngày 21/8/1945, hai đồng chí Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân họp nhanh, ra quyết định đầy quyết đoán, táo bạo, mang tính lịch sử: Tiến hành khởi nghĩa trước khi quyết định Tân An khởi nghĩa thí điểm của Xứ ủy về tới. Cuộc khởi nghĩa thành công nhanh chóng, trở thành tiếng vang, làm nức lòng phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.
Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận - trụ sở công khai của Tỉnh ủy Tân An sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nơi giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên. |
Nằm ngay “trước mũi” quân thù, nhưng từ khoảng năm 1936, nhà thuốc Minh Xuân Đường đã trở thành nơi liên lạc của các cơ sở cách mạng miền Đông và miền Tây, là cơ sở bí mật quan trọng của ta. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, các cơ sở cách mạng ở Tân An gần như tan rã hoàn toàn, năm 1943, mới nhen nhóm lại. Với vỏ bọc là thầy thuốc kê đơn và người phụ việc tại nhà thuốc Minh Xuân Đường, các đồng chí xây dựng, củng cố phong trào, phát triển lực lượng, chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ngay trước mắt địch. Đây còn là cơ sở tạo lập kinh phí cho hoạt động của Tỉnh ủy qua việc bắt mạch, kê đơn, bán thuốc,…
Suốt thời gian gần 10 năm, nhà thuốc Minh Xuân Đường là cơ sở bí mật quan trọng thuộc dạng “đầu não” của tỉnh vẫn không hề bị địch phát hiện. Sau khi khởi nghĩa thành công, Tỉnh ủy dời về nhà Tổng Thận. Hiện nay, căn nhà số 17 và nhà Tổng Thận vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu và được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Di tích Nhà Tổng Thận - nơi ghi dấu mốc son Cách mạng Tháng Tám
Giữa lòng TP ân An, có một “địa chỉ đỏ” gắn liền với sự kiện lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Nam Bộ là Khu Di tích lịch sử Nhà Tổng Thận, nằm ven bờ sông Bảo Định, trên đường Ngô Quyền, phường 1. Đây là 1 trong những công trình kiến trúc cổ độc đáo, mang phong cách Pháp từ cuối thế kỉ XIX, tồn tại đến nay tại Long An.
Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là ông Trần Khắc Thận. Cuối thế kỉ XIX, ông được Pháp bổ nhiệm về tỉnh Tân An làm Cai Tổng, Tổng Thạnh Hội Thượng, quận Châu Thành, làng Bình Lập. Năm 1892 - 1893, ông xây ngôi nhà này theo kiểu kiến trúc biệt thự Pháp. Kể từ đó, người dân Tân An thường gọi là nhà Tổng Thận. Sau này, khi gia đình ông sa sút, ngôi nhà được chuyển giao cho chính quyền thuộc Pháp tại Tân An quản lí.
Nhà thuốc Minh Xuân Đường là địa điểm hoạt động bí mật của Đảng bộ Tân An trong gần 10 năm (1936-1945). )í |
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Tỉnh ủy Tân An trưng dụng nhà Tổng Thận làm Tổng Hành dinh. Đây là trụ sở công khai của Tỉnh ủy Tân An trong những ngày đầu xây dựng chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tại đây, Tỉnh ủy Tân An tổ chức 3 hội nghị quan trọng để bàn bạc, quyết định những vấn đề về xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng vừa giành được.
Tháng 7/1941, quân Nhật tràn vào miền Nam Đông Dương, Hiệp ước Pháp - Nhật được kí kết, Đông Dương đặt dưới quyền đô hộ của Nhật. Đến Tân An, Nhật chiếm Trường Nam - Nữ tiểu học Tỉnh lị (nay là Trường THCS Nhựt Tảo và Tiểu học Võ Thị Sáu), bộ chỉ huy của chúng đóng ở Trại Cưa, Bến Tàu và nhà Tổng Thận. Tại đây, chúng xây thêm phía trái ngôi nhà lớn 1 dãy gồm 3 căn làm nơi giam giữ những người yêu nước hoạt động cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và thắng lợi liên tiếp dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Tân An mà trực tiếp là các đồng chí: Nguyễn Văn Hoằng, Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân,… Đêm 20 và sáng 21/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ họp Hội nghị mở rộng lần thứ 2 và 3 tại Chợ Đệm, quyết định cho Tân An khởi nghĩa thí điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Hoằng nhận mệnh lệnh của Xứ ủy về chỉ đạo khởi nghĩa tại Tân An, tuy nhiên, chưa đến nơi, bỗng nghe tin đàng thổ dậy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy phán đoán chớp thời cơ hành động. 15 giờ ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,... về tay cách mạng. Chính quyền lâm thời trưng dụng nhà Tổng Thận và hoạt động công khai. Phiên họp đầu tiên vào chiều tối ngày 22/8/1945 đã diễn ra tại đây.
Tại hội nghị này, Tỉnh ủy lâm thời biểu quyết bổ sung, phân nhiệm về nhân sự Đảng và chính quyền. Sau đó, Ban Chấp hành Đảng bộ bắt tay làm việc ngay ngày 2/9/1945. Nửa đầu tháng 9/1945, Hội nghị lần 2 diễn ra tại đây nhằm hợp nhất các quận ủy, trả tự do cho phần lớn công chức chế độ cũ. Cuối tháng 9/1945, Hội nghị lần 3 được tổ chức để chuyển hướng nhiệm vụ chiến lược từ xây dựng sang củng cố, bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chống Pháp.
Nhà Tổng Thận được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1998. Nơi đây được trùng tu, tôn tạo với nhiều tư liệu, mô hình phục dựng cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy Tân An; các hình ảnh, hiện vật về lối sống, sinh hoạt của người dân Tân An xưa;... Hiện nay, di tích lịch sử Nhà Tổng Thận trở thành “địa chỉ đỏ” được số hóa, tích hợp nhiều thông tin như địa điểm, các bài báo, hình ảnh, lịch sử về di tích để đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh tham quan, tìm hiểu.
Với giá trị lịch sử đặc biệt và kiến trúc đặc trưng, nhà thuốc Minh Xuân Đường và nhà Tổng Thận được giữ gìn không chỉ thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần tô điểm, làm sáng ngời truyền thống yêu nước của người dân Long An. Tham quan, tìm hiểu và cảm nhận giá trị của các di tích lịch sử để thêm tự hào về truyền thống đấu tranh hào hùng của thế hệ cha anh.