Nhiều mô hình sinh kế giúp người dân xóa đói giảm nghèo
Xã hội 06/11/2024 08:53
Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt
Linh hoạt, đa dạng hóa mô hình sinh kế và xác định hỗ trợ giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai hiệu quả các nội dung trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt là giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo thông qua dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Tính đến giữa năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Hà Tĩnh còn 3,01%, hộ cận nghèo 3,37% (năm 2019 là 4,53% và 5,06%).
Bài toán thoát nghèo, giảm nghèo luôn là yếu tố cốt lõi để thực hiện an sinh xã hội bền vững. Thời gian qua, huyện Hương Khê đã và đang có nhiều cách làm hay, hiệu quả trong hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Ngô Văn Ánh bên cạnh con bò giống của mình. |
Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (xã Hương Đô, huyện Hương Khê) thuộc diện hộ nghèo, cuối năm 2022, được sự quan tâm của chính quyền, gia đình chị được hỗ trợ 7,5 triệu đồng để mua bê giống. Vợ chồng chị đã vay thêm 8 triệu đồng để mua một con bò đang mang thai, nên chỉ sau 1 tháng, bò đã sinh một con bê, bán được 7 triệu đồng. “Khi bán bê, chúng tôi trả số tiền mượn thêm để mua bò trước đó. Bây giờ trung bình mỗi năm bò mẹ sẽ sinh sản 1 lứa, từ một con bò ban đầu, giờ gia đình tôi đã có thêm 2 con bê. Năm 2023, được Bộ Công an làm cho căn nhà, cuộc sống gia đình từ đó cũng dần ổn định”, chi Nhung chia sẻ.
Còn anh Ngô Văn Ánh, vợ mất vì bạo bệnh, một mình nuôi 3 con, cuộc sống khó khăn. Cuối năm 2022, gia đình anh được hỗ trợ 7,5 triệu đồng để mua bê giống. Anh vay thêm 2,5 triệu đồng mua một con bò sinh sản giá 10 triệu đồng. Kết quả, chỉ sau 1 năm con bò giống đã sinh sản được 1 bê con. “Được hỗ trợ để mua bò, tôi mừng lắm, ngày nào cũng ra đồng cắt cỏ về cho bò ăn nên bò sinh trưởng tốt. Trung bình mỗi năm bò sẽ sinh được 1 con bê. Cứ thế tôi gây đàn từ từ đến nay đàn bò của tôi đã có 3 con. Ngoài việc gây dựng được đàn bò, cây gió trầm cũng đến thời kì thu hoạch nên cuộc sống của bố con tôi dần ổn định hơn. Có điều kiện để cho các con đi học”, anh Ánh cho biết.
Ông Nguyễn Trí Đồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê cho biết: “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giúp người nghèo được tiếp cận với các chính sách giảm nghèo, có cơ hội để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Để thực hiện tốt nguồn vốn hỗ trợ, huyện chỉ đạo các xã rà soát chặt chẽ từng đối tượng, để có phương án hỗ trợ phù hợp. Các mô hình đã và đang thực hiện gồm nuôi gà, bò sinh sản,... Đối với bò sinh sản, địa phương sẽ hỗ trợ tiền mặt, người dân tự mua giống, sau đó chính quyền huyện, xã sẽ xuống nghiệm thu đồng thời gắn chip để quản lí”.
Được hỗ trợ tiền mua bò giống, gia đình chị Nguyễn Thị Nhung đã gây đàn thành công, cuộc sống dần ổn định. |
Để giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, mỗi địa phương ở Hà Tĩnh đều có những cách làm khác nhau, linh hoạt phù hợp với thực tiễn. Đối với huyện Hương Sơn, phát huy lợi thế diện tích đất trồng cỏ rộng lớn, người dân có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi đại gia súc nên sau khi tiếp nhận nguồn phân bổ từ tỉnh, Hương Sơn đã xây dựng kế hoạch, chuyển nguồn hỗ trợ cho các xã, đồng thời định hướng chọn hỗ trợ bò giống, dê giống thay vì hỗ trợ gà giống. Đặc biệt, để phát huy tối đa hiệu quả “cần câu” ngoài thiết lập xây dựng các dự án, mô hình hỗ trợ sinh kế, huyện đã trích ngân sách để đào tạo nghề cho người lao động ở các vùng khó khăn; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho người nghèo, cận nghèo...
Đa dạng hóa và phát huy hiệu quả các mô hình sinh kế
Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, chương trình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện Cẩm Xuyên đang từng bước mang lại hiệu quả tích cực. Năm nay, huyện Cẩm Xuyên tiếp tục thực hiện 41 mô hình giảm nghèo tại 23 xã, thị trấn, với 404 hộ tham gia.
Tại xã Cẩm Hà, thực hiện dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2024, chính quyền xã đã trao mô hình sinh kế nuôi gà, bò cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo sinh kế cho 5 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Mỗi hộ cận nghèo được hỗ trợ 100 con gà giống cùng 3 tạ thức ăn hỗn hợp; hộ nghèo được hỗ trợ 1 con bò giống trị giá 12 - 16 triệu đồng. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã cũng được tập huấn về kĩ thuật chăn nuôi gà, hỗ trợ thức ăn, thuốc thú y trong thời gian 3 tháng.
Tại xã Cẩm Bình, bên cạnh con giống được hỗ trợ qua các mô hình sinh kế chăn nuôi bò, gà, ngan, các hộ nghèo và cận nghèo ở xã còn được hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn để sản xuất.
Từ thực tế công tác giảm nghèo cho thấy, việc trao “cần câu” đã tạo nguồn sinh kế hiệu quả để người dân có điểm tựa vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Tại Hà Tĩnh, việc trao mô hình sinh kế nhằm hướng tới nâng cao nhận thức cho người dân trong quá trình đẩy mạnh chăn nuôi, góp phần nâng cao kiến thức khoa học kĩ thuật trong sản xuất. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.