Nhật Bản - Hàn Quốc đang dấn vào “cuộc chiến” cùng thua
Quốc tế 07/08/2019 09:38
Từ chỗ tấp nập, nhiều cửa hàng Nhật Bản tại Hàn Quốc bắt đầu vắng khách bởi hậu quả của chiến dịch “Tẩy chay Nhật Bản” đang lan rộng khắp xứ kim chi. Chiến dịch có gốc rễ từ vấn đề lao động cưỡng bức trong Thế chiến thứ II, vốn còn nặng nề trong tâm lí người Hàn Quốc.
Phong trào trên đã được khởi động rất nhanh sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố đầu tháng 7 siết chặt kiểm soát xuất khẩu ba loại nguyên liệu hóa học quan trọng mà các nhà sản xuất TV và smartphone Hàn Quốc sử dụng để chế tạo thiết bị bán dẫn và màn hình phẳng.
Các doanh nghiệp lao đao
Bằng cách chặn nguồn cung cấp những hóa chất - mà Nhật Bản chiếm thị phần tới trên 90% - chính quyền Thủ tướng Abe muốn nhằm vào “động cơ” tạo sức mạnh cho nền kinh tế công nghệ cao của Hàn Quốc.
Động thái trên của Tokyo đã kích hoạt một cuộc tranh cãi thương mại gay gắt giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á và đang gây nhiều lo ngại đối với chính nền kinh tế nội địa của họ. Các nhà phân tích tài chính cảnh báo rằng chuỗi cung cấp toàn cầu thiết bị công nghệ cũng có thể bị gián đoạn.
Samsung Electronics, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, cũng như các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn khác như SK Hynix, hiện đã cảm nhận được sức nóng từ căng thẳng với Nhật Bản. “Đây là một trong những tình huống tồi tệ nhất mà chúng tôi từng trải qua”, một quan chức cao cấp Samsung giấu tên cho biết.
Chính quyền Thủ tướng Abe dự kiến "đổ thêm dầu vào ngọn lửa căng thẳng" với nước láng giềng khi chính thức loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” (một quy chế ưu tiên xuất khẩu dành cho những quốc gia tin cậy) kể từ ngày 2/8.
Về phần mình, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản như Sony, Canon, Toyota, Uniqlo... cũng đang thấm tổn thất từ tình trạng gần như đình trệ hoạt động kinh doanh tại thị trường Hàn Quốc.
Cuộc chiến cùng thua
Các chính sách cương quyết của Tokyo được cho là xuất phát từ mối lo ngại của họ đối với một phán quyết của Tòa án Tối cao tại Hàn Quốc vào ngày 30/10/2018, tuyên công ty Thép Nippon của Nhật phải bồi thường 100 triệu won (khoảng 85.000 USD) cho bốn nguyên đơn là người lao động bị cưỡng bức trong Thế chiến thứ II.
Nhật Bản cho rằng mọi vấn đề khiếu nại liên quan đến nạn lao động cưỡng bức đã được giải quyết hoàn toàn và xong xuôi theo một thỏa thuận vào năm 1965, qua đó thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, đi kèm với những khoản cho vay và đầu tư khổng lồ của Nhật Bản vào nền kinh tế Hàn Quốc.
Nhật Bản lo ngại phán quyết nói trên có thể mở đường cho nhiều nạn nhân lao động cưỡng bức và người thân của họ tiến hành các vụ kiện chống lại khoảng 300 công ty Nhật với các khoản bồi thường có thể lên tới 20 tỉ USD.
Nghiêm trọng hơn, hồi tháng 1 năm nay, một tòa án tại Hàn Quốc đã quyết định tịch thu một số tài sản của công ty Thép Nippon tại PNR, một liên doanh tái chế với nhà sản xuất thép Hàn Quốc Posco, để lấy quỹ bồi thường cho các nguyên đơn.
Vũ khí hóa thương mại
Hàn Quốc đã đưa tranh chấp trên ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khiếu nại rằng việc hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản là một hình thức đáp trả không tương xứng với phán quyết của Seoul và vi phạm nguyên tắc thương mại tự do, công bằng.
Đáp lại, Nhật Bản tuyên bố động thái của họ không liên quan đến vấn đề lao động thời chiến, mà dựa trên lo ngại an ninh quốc gia, dù Tokyo không đưa ra được nhiều thông tin cụ thể làm cơ sở cho lập luận này.
Căng thẳng thương mại xảy ra trong bối cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang chứng kiến nền kinh tế phát triển chậm lại. Không bên nào mong muốn một làn gió ngược khi chứng kiến những “bầm dập” mà thương chiến Mỹ - Trung gây ra, nhưng dường như họ vẫn muốn dạy cho nhau một bài học để rồi… cùng thua!