Người giám hộ bỏ mặc quyền lợi của người được giám hộ, hệ lụy từ một bản án
Tin pháp luật 18/11/2020 07:58
Ngụy tạo giấy đăng kí kết hôn – Tình tiết mới quan trọng
Theo nhận định nêu tại Quyết định tái thẩm số 52/2020/DS-GĐT thì ngày 25/6/2007, ông Lê Văn Chảng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn yêu cầu độc lập, yêu cầu Tòa án chia tài sản chung là 1.680m2 đất tại số 1, Tổ 37, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Tại “Biên bản giám định khả năng lao động” số 84/GĐYK-KNLĐ ngày 18/12/2007, Hội đồng giám định y khoa Trung ương – Bộ Y tế xác định ông Chảng: “Không tự đi lại được. Tiếp xúc khó, thất vận ngôn nặng, liệt hoàn toàn ½ người phải. Rối loạn cơ tròn kiểu trung ương, tai biến mạch máu não lần 2. Tâm thần:Sa sút trí tuệ. Hiện tại không đủ năng lực hành vi lập di chúc. Được xác định tỉ lệ mất khả năng lao động do bệnh tật là: 91%...”.
Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào “Biên bản giám định khả năng lao động” nêu trên và “Giấy chứng nhận kết hôn – Đăng kí lại” ngày 15/10/2001, do bà Bích (người sống không hợp pháp với ông Chảng) xuất trình để xác định, bà Bích là vợ ông Chảng, đồng thời là người giám hộ là không đúng với quy định tại Khoản 1, Điều 22, Điều 58, Điều 62 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Sau khi xét xử phúc thẩm, UBND phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội có Công văn số 31/UBND-TP ngày 8/3/2019 xác nhận: "Qua kiểm tra xác minh sổ đăng kí kết hôn năm 2001 của phường cho thấy không có trường hợp đăng kí kết hôn nào có tên ông Lê Văn Chảng và bà Nguyễn Thị Bích". Mặt khác, tại Công văn số 62 ngày 21/1/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội xác định hành vi không xác minh tình trạng hôn nhân, không lập hồ sơ theo quy định về đăng kí hộ tịch, nhưng vẫn kí xác nhận giấy đăng kí kết hôn và trình lãnh đạo UBND phường Yên Nghĩa, của ông Bùi Viết Tánh (cán bộ tư pháp UBND phường Yên Nghĩa) có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đơn giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm của Cơ quan công an quận Hà Đông |
Căn cứ các tài liệu này, thể hiện “Giấy đăng kí kết hôn- Đăng kí lại” này 15/10/2001 giữa bà Bích và ông Chảng, do bà Bích xuất trình là không đúng thực tế và không có việc đăng kí kết hôn giữa bà Bích và ông Chảng. Như vậy, tại thời điểm Tòa án giải quyết vụ án bà Bích không phải là vợ hợp pháp của ông Chảng. Do đó, bà Bích không đủ điều kiện được cử làm người giám hộ cho ông Chảng, theo quy định tại Khoản 1, Điều 62 Bộ luật Dân sự năm 2005. Đây là tình tiết mới, quan trọng của vụ án có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của Bản án mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án, theo quy định tại Điều 351, Khoản 1 Điều 352 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Ngoài ra, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện bà Chung chung sống với ông Chảng từ năm 1975, có tổ chức đám cưới và có con chung. Do đó, có căn cứ xác định bà Chung và ông Chảng chung sống với nhau như vợ chồng từ trước ngày 3/1/1987. Trường hợp này, bà Chung và ông Chảng được công nhận là vợ chồng hợp pháp theo quy định tại điểm a, Mục 3, Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định bà Bích là vợ hợp pháp của ông Chảng.
Người tự xưng là giám hộ lại phớt lờ thiệt hại do bản án gây ra cho người được giám hộ
Khi phân chia tài sản chung là diện tích 1.075,1m2 đất tại số 1,Tổ 37, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, Tòa án cấp sơ thẩm đã tính công sức trong việc quản lí, tôn tạo tài sản cho ông Chỉnh là 3.583.666.666 đồng, nhưng khi chia di sản thừa kế của vợ chồng ông Miện, bà Hoài (bố mẹ đẻ của ông Chỉnh và ông Chảng – PV) trong tổng diện tích 1.075,1m2 nêu trên. Tòa án cấp sơ thẩm lại tiếp tục tính công sức cho ông Chỉnh một lần nữa nên phần di sản của ông Miện, bà Hoài lẽ ra chia đều cho 2 người con là ông Chỉnh và ông Chảng thì lại chia thành 3 phần. Ông Chỉnh hưởng 2 phần, ông Chảng hưởng 1 phần là trái quy định của pháp luật.
Mặc dù việc phân chia tài sản gây thiệt hại cho ông Chảng nhưng bà Bích (người tự xưng là giám hộ của ông Chảng và được Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đồng ý) không kháng cáo yêu cầu chia lại, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Chảng không được pháp luật bảo vệ.
Bà Lê Thị Bích Thủy mang Quyết định tái thẩm số 52/2020/DS-GĐT ra mộ cha, mẹ để thắp hương báo tin cho người đã khuất |
Còn bà Chung, mặc dù là vợ hợp pháp của ông Chảng nhưng không được Tòa xác định là người đại diện hợp pháp của ông Chảng, nên bà Chung không thực hiện được quyền kháng cáo để bảo vệ quyền lợi của ông Chảng. Từ việc xác định không đúng người đại diện hợp pháp của ông Chảng, đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông Chảng, trong vụ án chia tài sản chung và chia thừa kế. Mặt khác, bà Chung là vợ hợp pháp của ông Chảng, chung sống với gia đình ông Chảng tại nhà đất tranh chấp từ năm 1975 đến năm 1994, thì chuyển về sống tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội lại không nhận quyền là vợ hợp pháp của ông Chảng, nên không xem xét công sức đóng góp của bà Chung trong việc trông nom, bảo quản nhà đất là không đảm bảo quyền lợi của bà Chung… Ông Chỉnh là anh trai ông Chảng cũng xác nhận bà Chung và ông Chảng có chung sống với nhau, bà Chung thực hiện tốt bổn phận làm dâu, làm vợ.
Từ hai nhận định trên của Hội đồng thẩm phán và từ thực tế bà Bích đã để mặc quyền lợi của ông Chảng bị xâm phạm mà không thực hiện bảo vệ quyền lợi đó. Đặc biệt, với danh chỉ là giám hộ (hiện nay đã bị tòa phát hiện tư cách này cũng không đúng, do có gian lận trong giấy đăng kí kết hôn lại) nhưng đã phối hợp với một số cá nhân trong vụ án chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của ông Chảng. Từ các hành vi "khuất tất" này, kéo theo một loạt các hệ lụy khác trên mảnh đất tranh chấp.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về các nội dung nêu trên trong những bài viết tiếp theo.