Người cao tuổi quê hương Quan họ thi đua làm giàu
Tuổi cao gương sáng 27/07/2023 09:49
Hiện toàn tỉnh có trên 62.100 NCT đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chiếm 30,29% số NCT; trong đó có 2.208 NCT làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, có 1.570 NCT được tôn vinh làm kinh tế giỏi, tổng doanh thu đạt trên 1.642,15 tỉ đồng, tạo việc làm cho 12.700 lao động địa phương. NCT làm kinh tế giỏi đóng góp trên 617,4 tỉ đồng ủng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo do địa phương phát động và ủng hộ người nghèo, khó khăn tại cộng đồng.
Mô hình trông bưởi thu nhập cao của ông Nguyễn Đăng Khuê, hội viên NCT huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh |
Có thể nói, NCT đã tham gia ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đến hoạt động dịch vụ. Với đủ các mô hình như kinh tế hộ, kinh tế HTX, kinh tế trang trại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ hợp sản xuất, cửa hàng kinh doanh; sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng tốt, có uy tín với người tiêu dùng. Thông qua các hoạt động kinh tế, nhiều NCT từ nghèo đói, khó khăn đã vươn lên trở thành giàu có, khá giả; nhiều NCT ngoài 70, 80 tuổi vẫn đứng đầu các doanh nghiệp, trang trại, HTX…
Ông Nguyễn Văn Lắm, 71 tuổi, phường Suối Hoa (TP Bắc Ninh) thành lập doanh nghiệp kinh doanh xây dựng, thủy lợi, doanh thu hằng năm trên 50 tỉ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động, thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng; tích cực làm tốt công tác từ thiện với số tiền trên 300 triệu đồng. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Hùng, 61 tuổi, phường Khúc Xuyên sinh ra, lớn lên và gắn bó với nghề thủ công mĩ nghệ; thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tranh ghép gỗ, tạo việc làm cho 20 lao động, mức lương bình quân từ 5 - 8 triệu đồng; doanh thu hằng năm trên 5 tỉ đồng; tham gia đóng góp từ thiện gần 50 triệu đồng; ông còn miệt mài truyền nghề cho con trai và con dâu…
Nghệ nhân cao tuổi Nguyễn Đăng Chế hoàn thiện tác phẩm tranh dân gian Đông Hồ |
Huyện Lương Tài vốn là quê chiêm trũng xưa, thuộc “vùng sâu vùng xa” của tỉnh, song NCT đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, vượt khó vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, đóng góp xây dựng quê hương đổi mới. Ông Nguyễn Đăng Khuê, 69 tuổi, xã Lâm Thao áp dụng mô hình VAC với trên 7.200m2 trồng cây ăn quả, rau sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá; trừ chi phí mỗi năm thu trên 1 tỉ đồng, tích cực ủng hộ quỹ từ thiện mỗi năm hàng chục triệu đồng. Ông Trịnh Văn Đại, 69 tuổi, xã Quảng Phú có 7.000m2 ao cá và kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng; tạo việc làm cho 25 lao động với mức lương ổn định từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/người/tháng; tích cực tham gia công tác từ thiện mỗi năm hàng chục triệu đồng. Ông Trần Trọng Hiền, 65 tuổi, xã Trừng Xá chuyên kinh doanh thức ăn gia súc, doanh thu mỗi năm trên 1 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Hành, 62 tuổi, Giám đốc Công ty Tân Châu chuyên xây dựng các công trình dân dụng, trạm bơm, đường giao thông, trường học…, doanh thu hằng năm đạt 36 tỉ đồng, tạo việc làm cho trên 40 lao động, mức lương trung bình từ 8 triệu đến 12 triệu đồng.
Xưởng tranh ghép gỗ của Nghệ nhân Nguyễn Văn Hùng |
Ở huyện Gia Bình, bà Nguyễn Thị Nụ, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Đại Thành, xã Đại Bái đã lãnh đạo doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 35 công nhân; lương bình quân từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng, doanh thu trên 6 tỉ đồng/năm; tích cực ủng hộ các loại quỹ từ thiện ở địa phương. Ông Trần Văn Hơn, 71 tuổi, xã Song Giang là chủ xưởng mộc, tạo công ăn việc làm cho hơn chục lao động, lương bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng; doanh thu hằng năm từ 4 - 5 tỉ đồng. Ông Trần Văn Chuyển, xã Giang Sơn phát triển kinh tế trang trại VAC, tạo việc làm cho nhiều lao động, doanh thu hằng năm trên 1 tỉ đồng…
Nhiều người dân huyện Yên Phong biết đến ông Tô Như Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ Đức Lân, xã Yên Phụ với diện tích lớn trồng lúa nếp cái hoa vàng đạt danh hiệu OCOP 4 sao, thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/ha; được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Các ông, bà Lưu Thị Tuyết, Lê Văn Bưng, Diên Lộc mở rộng chuồng trại, tập trung chăn nuôi gà, lợn, chim bồ câu… thu lãi hằng năm từ 200 triệu đến 600 triệu đồng.
Ông Tô Như Khoa, hội viên NCT làm kinh tế giỏi huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh dẫn khách thăm mô hình trồng lúa nếp OCOP 4 sao |
Ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du có ông Nguyễn Nhân Phượng, 71 tuổi, Giám đốc Công ty Giấy Phú Giang tích cực chỉ đạo Công ty phát triển, tạo việc làm cho hàng trăm công nhân; lợi nhuận hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Bà Vũ Thị Hiền, 64 tuổi, xã Việt Đoàn kinh doanh mua bán ô tô, lợi nhuận hằng năm trên 1 tỉ đồng, tạo việc làm cho 40 - 50 lao động. Ông Đặng Đình Sinh, 68 tuổi, Giám đốc Công ty Khởi Nguyên hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ gỗ, xây dựng công trình kĩ thuật dân dụng, công ích, cầu đường... và kinh doanh bất động sản; doanh thu bình quân 70 tỉ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Ông Nguyễn Xuân Sâm, 61 tuổi, xã Lạc Vệ làm nghề mây tre đan; ông Nguyễn Đình Chiến, 66 tuổi, thị trấn Lim sản xuất đồ gỗ đều thu lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Thị xã Quế Võ có ông Trần Văn Thư, 70 tuổi, ở xã Phù Lãng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đại Tân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Bắc Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Hội NCT Việt Nam. Ông đã lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh thu hằng năm trên 120 tỉ đồng, lợi nhuận trên 4 tỉ đồng/năm; tạo việc làm cho 400 công nhân, lương bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng; 5 năm qua, ủng hộ từ thiện trên 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Kiền, 61 tuổi, xã Mộ Đạo, Giám đốc Công ty Giấy Nam Long, tạo việc làm cho 60 công nhân; doanh thu hằng năm trên 100 tỉ đồng, đóng góp gần 3 tỉ đồng làm từ thiện.
Mô hình làm kinh tế giỏi của bà Nguyễn Thị Nụ, hội viên NCT tại làng nghề đúc đồng xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh |
Thị xã Thuận Thành có nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, 84 tuổi ở phường Song Hồ không chỉ tích cực duy trì, phát triển nghề truyền thống tranh Đông Hồ mà còn truyền nghề cho con cháu, góp phần giữ gìn nghề truyền thống quý giá và tăng thu nhập cho gia đình, người lao động ở địa phương. Ông Nguyễn Huy Bình, bà Ngô Thị Nhẽ ở phường Trí Quả; ông Nguyễn Đức Vương ở phường Gia Đông mạnh dạn đầu tư vốn kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho hàng chục lao động, đóng góp tích cực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…
Ngoài ra, còn rất nhiều NCT ở thành phố Từ Sơn với đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh, NCT không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, đóng góp cho xã hội mà còn nêu tấm gương sáng về tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng” cho con cháu và thế hệ trẻ, khẳng định vị thế, vai trò của NCT và Hội NCT trong cộng đồng dân cư, được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Theo ông Vũ Bá Rồng, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh, với thành tích xuất sắc trong phong trào NCT làm kinh tế giỏi, đã có 1 tập thể và 438 cá nhân được Trung ương Hội, UBND tỉnh và các cấp các ngành khen thưởng. Kết quả phong trào NCT thi đua làm kinh tế giỏi trong 5 năm qua đã tạo niềm tin tưởng, phấn khởi, trân trọng, tự hào; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò to lớn của lớp NCT trên mọi lĩnh vực, xứng đáng với lời khen ngợi, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với NCT: “Tuổi già nhưng chí không già/ Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”.