Người cao tuổi phản ánh dấu hiệu xét xử chưa khách quan và thi hành án trái luật!
Pháp luật - Bạn đọc 27/11/2023 17:05
Nội dung vụ án
Bản án số: 05/2020/KDTM-PT ngày 18/9/2020 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa của TAND tỉnh Sóc Trăng. Do Bản án sơ thẩm số: 01/2020/KDTM-ST ngày 5/3/2020 của TAND huyện Châu Thành bị kháng cáo.
Tại các phiên tòa, nguyên đơn: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (sau đây gọi là Công ty), trình bày: Ngày 23/10/2015, Công ty Lộc Trời - Chi nhánh bảo vệ thực vật An Giang tại Cần Thơ kí Hợp đồng mua bán hàng hóa số: 69/HĐMB.TĐLT với ông Lâm Thái Huynh (Chủ hộ kinh doanh Lâm Thái Huynh) để mua bán các sản phẩm, hàng hóa là các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm dinh dưỡng cây trồng.
Quá trình thực hiện, Công ty thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng. Tuy nhiên, ông Huynh đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng. Theo giấy xác nhận công nợ và báo cáo chi tiết nợ quá hạn đến ngày 24/3/2018, ông Huynh còn nợ Công ty số tiền gốc và lãi là 278.778.186 đồng.
Giấy xác nhận nhận được đơn xin xem xét thủ tục tái thẩm bản án của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. |
Công ty yêu cầu ông Huynh thanh toán một lần cho Công ty tổng cộng nợ gốc và lãi phạt chậm thanh toán là 278.778.186 đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền hoa hồng là 66.296.331 đồng (tiền hoa hồng thuốc là 64.496.331 đồng, lúa 1.800.000 đồng), còn lại ông Huynh phải thanh toán cho nguyên đơn 212.481.855 đồng.
Theo đơn phản tố đề ngày 16/01/2019 của ông Huynh và trong quá trình tham gia tố tụng, người đại diện hợp pháp của ông Huynh trình bày: Ngày 4-5/8/2017, cửa hàng ông Huynh mua của Công ty tổng cộng 10 tấn lúa giống OM 5451 để bán và canh tác tại ấp Trà Quýt A và ấp Trà Quýt B, giống lúa có mã số lô là: 76.01.L.XN1.HT17.51.72.16.41.4 có ngày sản xuất là 23/7/2017 và 29/7/2017. Ông Huynh bán cho 11 hộ dân nhưng do lúa kém chất lượng Công ty đã đổi ngang cho 11 hộ dân trên. Phần lúa còn lại ông bán cho bà Phan Thị Là 280kg sạ 12 công; bà Kim Thị Trang 250kg sạ 10 công và ông Huynh Sạ 1.140kg cho 38 công ruộng nhà. Tổng cộng là 1.670kg lúa giống. Nhưng khi lúa trổ thì ruộng của ông, bà Là, bà Trang đều xuất hiện lúa đuôi (lúa cỏ) và kết quả chỉ thu hoạch mỗi công được 635kg, tổng thiệt hại 3 hộ là 38.100kg x 5.500 đồng (giá lúa hiện nay) = 209.550.000 đồng. Ngoài ra, tiền hoa hồng ông Huynh được hưởng đối với thuốc là 64.496.331 đồng và 1.800.000 đồng đối với lúa, số tiền này Công ty chưa thanh toán cho ông. Tổng cộng Công ty còn thiếu ông số tiền 209.550.000 đồng (tiền lúa giống bị thiệt hại) + 66.296.331 đồng (tiền hoa hồng đối với thuốc và lúa). Ông Huynh đồng ý trả cho Công ty số tiền 203.071.000 đồng số tiền nợ thuốc (đã khấu trừ vào số tiền hoa hồng) và khấu trừ vào số tiền công ty phải bồi thường thiệt hại cho ông, nên phía Công ty phải thanh toán cho ông Huynh số tiền còn lại là 72.775.331 đồng.
Nay bị đơn phản tố yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty bồi thường thiệt hại do lúa giống OM 5451 kém chất lượng đối với ruộng lúa của bị đơn số tiền: 38 công x 635kg/công = 24.130kg lúa, hộ bà Là 12 công x635kg/công = 17.620kg lúa, hộ bà Trang 10 công x 635kg/công = 6.350kg lúa. Tổng cộng thiệt hại là 38.100kg lúa x 5.500 đồng/kg x 38.100kg lúa = 209.550.000 đồng, thanh toán cho bị đơn tiền hoa hồng đối với thuốc là 64.496.331 đồng và lúa 1.800.000 đồng. Tổng cộng nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn 275.846.331 đồng, nhưng khấu trừ số tiền ông phải thanh toán cho Công ty. Buộc Công ty thanh toán cho ông số tiền 72.775.331 đồng.
Bản án sơ thẩm số: 01/2020/KDTM-ST ngày 5/3/2020 của TAND huyện Châu Thành tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty. Buộc ông Huynh trả cho Công ty 269.367.331 đồng, nhưng được khấu trừ tiền hoa hồng đối với thuốc và lúa cho bị đơn ông Huynh số tiền là 66.296.331 đồng. Buộc ông Huynh phải trả cho Công ty 203.071.000 đồng.
Đình chỉ một phần đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải thanh toán tiền lãi phạt chậm thanh toán số tiền 9.410.855 đồng.
Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Huynh yêu cầu buộc Công ty bồi thường thiệt hại lúa giống kém chất lượng 209.550.000 đồng.
Ghi nhận sự tự nguyện của nguyên đơn đồng ý khấu trừ tiền hoa hồng đối với thuốc và lúa cho bị đơn ông Huynh với số tiền là 66.296.331 đồng.
Bản án phúc thẩm số 05/2020/KDTM-PT ngày 18/9/2020 của TAND tỉnh Sóc Trăng, tuyên xử:
Không chấp nhận kháng cáo của ông Huynh; giữ nguyên Bản án sơ thẩm nói trên; buộc ông Huynh trả cho Công ty 203.071.000 đồng; không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn; đình chỉ một phần đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu buộc bị đơn thanh toán tiền lãi phạt chậm thanh toán 9.410.855 đồng.
Bức xúc của bị đơn cao tuổi
Trao đổi với phóng viên, ông Huynh cho biết: “Giữa hộ kinh doanh Lâm Thái Huynh và Công ty phát sinh tranh chấp, là do Công ty cung cấp lúa giống kém chất lượng. Sau khi nhận lúa giống về, tôi đã sử dụng lúa giống để canh tác và bán lại cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành và một số huyện khác của tỉnh Sóc Trăng. Đến mùa thu hoạch, do sản lượng thấp, lúa cỏ quá nhiều dẫn đến thiệt hại nặng nề. Các hộ nông dân mua lúa đã đến hộ kinh doanh Lâm Thái Huynh yêu cầu bồi thường thiệt hại về lúa giống và công chăm sóc cả mùa vụ. Do muốn giữ uy tín tại địa phương, gia đình tôi đã thoả thuận bồi thường cho các hộ nông dân này. Sau khi kiểm tra lại thiệt hại của gia đình và số tiền bồi thường cho các hộ nông dân mua lúa giống thì tổng số tiền lên đến 500 triệu đồng.
Giấy chứng nhận QSDĐ số CX765854 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 8/3/2021 cho ông Lâm Thái Huynh và bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân |
Các hộ nông dân cũng lập tờ xác nhận thiệt hại do lúa giống kém chất lượng và thu hoạch bị lúa cỏ nhiều khi nhận tiền bồi thường của tôi. Ngoài ra, tôi có báo cáo sự việc đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, sau đó Phòng có cho cán bộ đến quay phim về các ruộng lúa bị thiệt hại. Điều này chứng tỏ rằng có thiệt hại thực tế xảy ra. Sau đó, tôi có phản ánh sự việc đến Công ty để mong các bên có thể tìm ra phương hướng giải quyết trên nguyên tắc thương lượng nhằm bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của đôi bên. Tuy nhiên, phía Công ty lại thoái thác trách nhiệm của mình, sau đó cho nhân viên đến kho của tôi để thu hồi một số lúa kém chất lượng còn dư nhằm tiêu hủy vật chứng. Để có bằng chứng, tôi có tiến hành cho quay video, chụp hình buổi thu hồi lúa của Công ty và giữ lại một số lúa để làm căn cứ giải quyết tranh chấp”.
Ông Thái Huynh cho biết: “Sự việc được tôi khiếu nại đến một số cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thuộc UBND huyện Châu Thành và của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nhưng vẫn không tìm được phương hướng giải quyết. Do tôi đang tranh chấp với Công ty để yêu cầu bồi thường thiệt hại, nên tôi buộc phải ngừng việc thanh toán số tiền mua lúa của Công ty để chờ giải quyết.
Năm 2020, Công ty khởi kiện. Qua hai cấp xét xử theo Bản án số: 01/2020/KDTM-ST ngày 5/3/2020 của TAND huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng và Bản án số: 05/2020/KDTM-PT ngày 18/9/2020 TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên xử: Buộc tôi phải trả cho Công ty 203.071.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình giải quyết của cả hai cấp Tòa án đều chỉ xem xét đến chứng cứ là hợp đồng kinh doanh thương mại và trình bày của Công ty về số tiền mà tôi còn nợ Công ty theo hợp đồng, để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty. Trong khi đó, yêu cầu phản tố của tôi đề nghị Tòa án xem xét buộc Công ty phải bồi thường thiệt hại do phía Công ty cung cấp lúa giống kém chất lượng, thì cả hai cấp Tòa án đều không xem xét đến, mặc dù tôi đã cung cấp cho Tòa án các chứng cứ là nội dung video, các bức hình mà gia đình tôi chụp buổi thu hồi lúa của Công ty và cả số lúa kém chất lượng tôi giữ lại để làm căn cứ giải quyết tranh chấp.
Các mẫu lúa giống được Chi cụa BVTV tỉnh Sóc Trăng lấy từ các bao lúa giống của Công ty bán cho ông Lâm Thái Huynh, rồi ông Huynh bán lại cho các hộ dân. |
Ngoài ra, cả hai cấp Tòa án còn sử dụng chứng cứ không phải do tôi giao nộp để giải quyết vụ án. Tôi tên Lâm Thái Huynh nhưng Tòa lại sử dụng chứng cứ do người tên Lâm Hoàng Huynh nộp để giải quyết. Tôi có trình bày rõ việc nhầm lẫn về chứng cứ này nhưng vẫn không được Tòa xem xét”.
Dấu hiệu thi hành án trái luật?
Hồ sơ thể hiện, Công ty có đơn yêu cầu thi hành án gởi đến Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Châu Thành để thi hành theo bản án nêu trên. Tháng 5/2023, Chi cục THADS huyện Châu Thành ra Quyết định cưỡng chế kê biên, xử lí đối với các tài sản:
1. Diện tích 4.282,3m2, thuộc thửa số 17, tờ bản đồ số 6, đất tọa lạc tại: ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số CX765854 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 8/3/2021 cho ông Lâm Thái Huynh và bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân.
2. Diện tích 2.088m2, thuộc thửa số 18, tờ bản đồ số 6, đất tọa lạc tại: ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, theo GCNQSDĐ số: CX765853 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cấp vào ngày 8/3/2021 cho ông Lâm Thái Huynh.
Về Quyết định việc cưỡng chế kê biên, xử lí tài sản nói trên, ông Huynh phản đối cho rằng: “Thứ nhất, tôi có kí kết hợp đồng kinh doanh thương mại với Công ty. Sau đó, trong quá trình giao dịch giữa Hộ kinh doanh Lâm Thái Huynh và Công ty phát sinh tranh chấp. Hiện tại lúa giống kém chất lượng phía Công ty cung cấp lúa cho tôi thì tôi vẫn còn lưu lại kho. Tôi đề nghị phía Chi cục THADS huyện Châu Thành tiến hành kê biên, định giá phần lúa giống này để trả lại cho Công ty để cấn trừ nghĩa vụ thi hành án của tôi. Vì thực tế đây là tài sản mà Công ty giao cho tôi thì phải thu hồi về để trừ nợ.
Thứ hai, 2 Bản án số: 01/2020/KDTM-ST ngày 5/3/2020 của TAND huyện Châu Thành và Bản án số: 05/2020/KDTM-PT ngày 18/9/2020 TAND tỉnh Sóc Trăng đều tuyên xử: Buộc ông Huynh phải trả cho Công ty số tiền 203.071.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án, chứ không có nội dung tuyên xử nào buộc vợ tôi là bà Nhân phải có trách nhiệm liên đới để trả nợ cho Công ty số tiền 203.071.000 đồng. Chi cục THADS huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng kê biên cả tài sản thuộc quyền sử dụng chung của cả hai vợ chồng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ riêng của tôi với Công ty là có dấu hiệu xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ tôi.
Thứ ba, 2 quyền sử dụng đất bị Chi cục THADS huyện Châu Thành ra quyết định về việc cưỡng chế kê biên, xử lí tài sản là tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân. Trong suốt quá trình giải quyết tại giai đoạn thi hành án và tại buổi cưỡng chế kê biên, xử lí tài sản, thì Chi cục THADS huyện Châu Thành đều không mời vợ tôi tham dự với tư cách là đồng chủ sử dụng đất (hợp pháp) và để vợ tôi được có ý kiến đối với quyền sử dụng tài sản của mình. Việc tự ý kê biên tài sản của Chi cục THADS có dấu hiệu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp đối với tài sản của vợ tôi.
Ngoài ra, cả 2 bản án của TAND huyện Châu Thành và TAND tỉnh Sóc Trăng đều không xem xét một cách đầy đủ các chứng cứ mà tôi giao nộp và có dấu hiệu vi phạm tố tụng về việc sử dụng sai chứng cứ để giải quyết vụ án.
Từ các lẽ trên đây, nay tôi buộc phải có đơn yêu cầu: Xem xét lại Bản án số: 01/2020/KDTM-ST ngày 5/3/2020 của TAND huyện Châu Thành và Bản án số: 05/2020/KDTM-PT ngày 18/9/2020 TAND tỉnh Sóc Trăng theo hướng hủy án để xét xử lại theo quy định (TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh có giấy xác nhận nhận đơn, ngày 30/8/2023); cho tạm dừng việc thi hành án đối với Bản án số 01/2020/KDTM-ST ngày 5/3/2020 của TAND huyện Châu Thành và Bản án số 5/2020/KDTM-PT ngày 18/9/2020 TAND tỉnh Sóc Trăng; và xem xét thu hồi Quyết định về việc cưỡng chế kê biên, xử lí tài sản của Chi cục THADS huyện Châu Thành đối với 2 GCNQSDĐ nêu trên của chúng tôi”.
Thực hiện Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009, game bài đổi thưởng tiền that đề nghị Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao giải quyết nguyện vọng của người cao tuổi là ông Lâm Thái Huynh; đồng thời chuyển nội dung vụ việc đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng xem xét, kiến nghị giải quyết theo thẩm quyền; thông báo kết quả để Tạp chí trả lời ông Huynh và bạn đọc theo quy định.