Dân làng bức xúc yêu cầu giám đốc thẩm một bản án
Pháp luật - Bạn đọc 01/06/2021 17:09
Vận động hiến đất thì đòi bồi thường
Con sông Rạch Vọp chảy qua địa bàn xã Trinh Phú, huyện Kế Sách khá lớn, thuận tiện cho giao thông thủy. Từ lâu, dọc 2 bên bờ sông, người dân mở lối đi dần hình thành lộ nông thôn. Từ đó, nhiều hộ dân cũng xây nhà quay ra hướng sông. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, phương tiện thủy qua lại nhiều cùng với biến đổi khí hậu, một số đoạn gần mé sông bị sạt lở, đường lộ nông thông cũng hư hỏng tốn nhiều kinh phí tu sửa nhưng việc đi lại thiếu an toàn.
Khoảng cuối năm 2016, chính quyền ấp 8, xã Trinh Phú đứng ra vận động bà con hiến đất (nằm cách mé sông vài chục mét) để làm đường giao thông nông thôn bê tông cho có lối đi bền lâu và an toàn. Chủ trương làm đường giao thông nông thôn được gần 80 hộ dân ở ấp 8 đồng tình ủng hộ hiến đất. Theo thiết kế, lộ có bề ngang khoảng 2 m sẽ đi qua phần đất phía sau nhà – vườn bà Út. Như vậy, nếu đồng thuận hiến vài mét đất thì gia đình bà Út sẽ có 2 con đường đi qua phía trước và phía sau nhà, rất thuận tiện.
Nhờ chủ trương vận động làm lộ giao thông nông thôn, ấp 8 có đường an toàn, sạch đẹp |
Oái ăm thay, tất cả hộ dân đồng thuận thì bà Út không chịu hiến mà đòi bồi thường 5 cây dừa với giá 25 triệu đồng. Do làm đường là tình nguyện, không có kinh phí bồi thường và nếu bồi thường cho bà Út thì phải bồi thường cho tất cả các hộ là điều không thể. Ông Nguyễn Ngọc Em, Bí thư Chi bộ ấp 8 cho biết, do không có tiền bồi thường nên cán bộ ấp tiếp tục vận động ông Nguyễn Minh Tâm hiến thêm đất (phần đất giáp ranh với bà Út) để làm đường. Nhờ đó, lộ giao thông nông thôn mới được hoàn thành, đi qua ấp 8 và thông thương ra trung tâm xã, huyện, người dân toàn xã Trinh Phú được thụ hưởng.
Ngang ngược đòi đường đi
Khi con lộ giao thông nông thôn bê tông mới hình thành, đi qua đất của ông Tâm và ông Tâm còn một phần đất nữa giáp đất bà Út, vì vậy hộ bà Út không thể thông ra lộ giao thông nông thôn mới được. Hiển nhiên hộ bà Út vẫn sử dụng đường đi cũ trước nhà (cặp mé sông), điều này thể hiện rất rõ trên bản đồ địa chính của địa phương. Tuy nhiên, con đường cũ ít có người đi và dần theo thời gian cỏ mọc nên việc đi lại khó khăn nhưng vẫn đi được. Trước sự việc như vậy, lẽ ra để việc đi lại của gia đình thuận tiện ra đường mới thì hộ bà Út phải có lời nói “có tình xóm giềng” với ông Tâm và bà con trong ấp để ông Tâm nhượng cho phần đất mở lối đi mới nhưng bà Út không làm vậy. Khoảng tháng 5/2018, bất ngờ bà Út đã đâm đơn khởi kiện yêu cầu buộc ông Tâm phải cắt đất cho gia đình bà mở lối đi thông ra đường nông thôn mới.
Gia đình bà Út vẫn còn lối đi nhưng bà khởi kiện yêu cầu ông Tâm phải giao đất để bà mở lối đi mới |
Ai “chống lưng” cho hành vi ngang ngược ?
Từ một chủ trương thiết thực của địa phương, rất có lợi cho bà Út nếu bà chịu hiến một vài mét đất thì hộ gia đình bà sẽ có tới 2 đường đi (trước và sau khuôn viên nhà – vườn) nhưng bà không ủng hộ. Trên thực tế hiện nay đường đi cũ gặp khó khăn nhưng nó vẫn là con đường chứ gia đình bà Út chưa phải hết đường đi.
Ông Tâm đứng trên phần đất của mình nhưng bị Tòa buộc giao cho bà Út để mở lối đi |
Qua xem xét hồ sơ, chúng tôi thấy điều rất lạ vì sự việc quá rõ ràng và nhỏ bé như vậy nhưng công tác hòa giải cơ sở của chính quyền không làm được. Vụ việc tranh chấp lối đi bị đẩy lên cao, cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra phân xử. Điều đáng nói, Tòa nhận định hộ bà Út vẫn còn lối đi nhưng lối đi này gặp khó khăn nên tuyên buộc ông Tâm phải dỡ hàng rào, mở cho bà Út lối đi có chiều ngang 1,8m, dài một bên 1,85m một bên 2,15m, tổng diện tích là 3, 6 m2. Đồng thời, bà Út phải trả giá trị quyền sử dụng đất cho ông Tâm số tiền là một triệu đồng.
Trước bản án của Tòa phúc thẩm, hàng chục hộ dân bức xúc và cùng ký đơn yêu cầu giám đốc thẩm bản án. “Dù là tranh chấp riêng giữa ông Tâm và bà Út nhưng tôi thấy tòa tuyên vậy là không hợp lòng dân ở đây. Bà Út không chịu hiến đất, chỉ biết lợi ích bản thân. Khi bà con xúm nhau làm lộ, bà cũng không phụ mà còn nói lời khó nghe, trù ẻo tai nạn tùm lum. Lối đi của bà Út trước nay vẫn đi được mà giờ lại bắt ông Tâm mở lối đi cho bà. Bà Út là ai mà bà muốn gì được đó?” ông Phạm Văn Khinh (ở ấp 8) bức xúc nói.
Hồ sơ địa chính thể hiện: Nhà, đất và lối đi của gia đình bà Út (màu vàng), màu cam là lộ GTNT bê tông mới mở. |
Ngoài việc bức xúc với phán quyết của Tòa, người dân ở ấp 8 còn phản ánh, bà Út là người có thái độ sống không hòa nhập với mọi người, thậm chí còn có hành vi chửi bới và ra tay đánh người nhưng không hề bị cơ quan có chức năng xử lý. Cụ thể, vào tháng 11/2020, vì có tranh chấp ranh đất, bà Út đã dùng đuôi máy cắt cỏ tấn công bà Dương Hồng Đào (vợ ông Tâm), bà Đào phải nhập viện điều trị một tuần. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông Tâm đã trình báo công an xã và huyện yêu cầu xử lý hành vi của bà Út, tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Hồ sơ thương tích của bà Đào lúc nằm viện do bà Út đánh |
Ngông cuồng hơn, bà Út còn ngang nhiên nhiều lần rào chắn chặn đường lưu thông của cả ấp. “Chị em bà Út 4 lần ra rào chắn ngang lộ tổng cộng là 7 ngày. Chúng tôi ở đây, có cả cán bộ không ai đi qua được hết, có trường hợp bị vướng dây té nữa vậy mà không thấy bà Út bị xử lý gì. Không biết bà Út có quen biết “quan lớn” nào hay có ai chống lưng mà lại ngang tàng như thế?”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hai đặt nghi vấn.
“Không phải tôi tiếc gì một vài mét đất nhưng ở đây tôi nói về thái độ sống, cách đối xử giữa hàng xóm với nhau. Phải chi bà Út qua xin lỗi, nói chuyện với tôi đàng hoàng thì tôi sẵn sàng mở đường, còn đằng này bả lại có lời lẻ thô tục, chửi mắng tôi và cả xóm làng. Gia đình bà khó khăn về đường đi, bà không nói với chúng tôi một lời cho có tình làng nghĩa xóm, bà đi kiện và được Tòa tuyên cho thắng kiện. Đạo lý, công bằng và luật pháp ở đâu chứ?” ông Tâm bức xúc nói.