Người cao tuổi Mộc Châu quyết tâm xóa đói giảm nghèo
Tuổi cao gương sáng 22/06/2023 17:09
Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, với nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn, có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau có thể đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp và đầu tư phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, NCT huyện đã cùng con cháu tích cực lao động sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp. Từ đó, rau củ quả sạch, chất lượng cao xuất phát từ cao nguyên xinh đẹp này đã đi khắp mọi miền Tổ quốc, chinh phục cả những thị trường và khách hàng khó tính nhất.
Ông Chu Quang Tạo dẫn khách đi thăm trang trại |
Hội NCT nỗ lực triển khai
Bà Nguyễn Thị Tiện, Trưởng BĐD Hội NCT huyện cho biết: Các cấp Hội NCT luôn xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Trung ương Hội đến cơ sở và hội viên, giúp NCT yên tâm, phấn khởi, hưởng ứng tham gia phong trào NCT làm kinh tế giỏi. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua đi vào chiều sâu, phát triển mới về chất lượng; phát huy tính chủ động, sáng tạo, hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của hội viên NCT. Hằng năm, Hội tổ chức kí kết giao ước thi đua giữa các cấp Hội. Chủ động phối hợp với cơ quan báo chí của địa phương định hướng công tác thông tin, tuyên truyền mô hình tiêu biểu, những điển hình tiên tiến để nhân rộng trong các cấp Hội và NCT.
Ông Chu Quang Tạo giới thiệu phương pháp trồng mận hữu cơ |
Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý chí tự lực tự cường, tinh thần vượt khó vươn lên để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Đáng trân trọng là NCT không lùi bước, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, thách thức, mạnh dạn đầu tư nguồn lực, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều NCT tìm tòi học hỏi, đưa cây, con, giống mới vào sản xuất; áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trong đó có các mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả, trồng cây gai xanh, cây dược liệu; trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; chăn nuôi trâu bò, lợn thương phẩm và sinh sản, nuôi cá lồng. Tổng kết phong trào, 5 năm qua, toàn huyện có gần 300 NCT tiêu biểu được vinh danh làm kinh tế giỏi; thu nhập vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng mỗi năm; tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Đóng góp hàng tỉ đồng ủng hộ các loại quỹ từ thiện, giúp đỡ NCT nghèo, NCT cô đơn không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình làm kinh tế giỏi của ông Triệu Văn Kênh |
Hội viên tiêu biểu
Trong phong trào thi đua NCT làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Mộc Châu giai đoạn 2018-2023 đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu.
Ông Chu Quang Tạo, 66 tuổi, Bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Cây ăn quả an toàn Bản Ôn, thị trấn Nông trường Mộc Châu. HTX của ông quản lí 17 thành viên, với 36ha đất trồng cây ăn quả bao gồm cam, mận hậu. Doanh thu hằng năm sau khi trừ chi phí còn lãi 411 triệu đồng/ha. Qua đó các thành viên trong HTX rất phấn khởi, chăm lo cho HTX không ngừng phát triển về mọi mặt. Riêng gia đình ông trồng thêm các giống cam, hồng giòn, đào pháp và phát triển chăn nuôi gia cầm, đào ao thả cá; tiền lãi thu được sau khi trừ chi phí đạt bình quân 1,1 tỉ đồng/năm; tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên và 20 lao động mùa vụ, mức lương ổn định từ 7 triệu đồng/người/tháng. Ông còn tích cực chuyển giao kĩ thuật, cho một số gia đình vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế. Giai đoạn 2018-2023, ông đã dành 360 triệu đồng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo, xây dựng các công trình công cộng như Nhà văn hóa tiểu khu, làm đường giao thông nông thôn. HTX do ông làm chủ được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen, cá nhân ông được Hội Làm vườn Việt Nam và các cấp các ngành nhiều lần khen thưởng.
Ông Triệu Văn Kênh (ngoài cùng bên phải) chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế giỏi |
Ông Triệu Văn Kênh, 63 tuổi, dân tộc Dao, Chi hội phó Chi hội NCT bản Suối Ngõa, xã Hua Păng cũng đang đảm nhiệm cương vị Giám đốc HTX Cây ăn quả an toàn của bản với 28 thành viên, diện tích 40ha trồng cây ăn quả, ngô và chè. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi 600 đến 700 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí; tạo việc làm ổn định và thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập 7 triệu đồng/người/ tháng; 40 lao động theo mùa vụ, bình quân từ 250 đến 300 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, ông còn tích cực chuyển giao kĩ thuật triết, ghép cây, nuôi gà lai, nuôi 18 đàn ong lấy mật, cho năng suất cao. Với những thành tích làm kinh tế giỏi, ông được các cấp các ngành nhiều lần khen thưởng; tháng 5/2022 ông vinh dự được thay mặt cho NCT làm kinh tế giỏi dự hội nghị đối thoại với Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Sơn La.
Bà Sa Thị Dịp đang phát cỏ trong trang trại |
Bà Sa Thị Dịp, 67 tuổi, dân tộc Thái, Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) tiểu khu bản Mòn, thị trấn Mộc Châu. Gia đình bà hiện tại có 1ha tại thị trấn và 11ha cây ăn quả tại xã Hua Păng trồng nhãn, bưởi da xanh, bơ, xoài, na, mít. Trang trại của bà quy hoạch khoa học, cây trồng theo hàng, phân khu đẹp mát, tạo cảnh quan hấp dẫn du khách tham quan… Bà còn làm dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch và hướng dẫn con cháu làm dịch vụ karaoke, tạo nơi vui chơi giải trí, thư giãn cho người dân địa phương và khách du lịch đến Mộc Châu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của bà và các con tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên và mùa vụ. 5 năm qua, thu nhập của bà sau khi đã trừ chi phí lên đến 8,5 tỉ đồng.
Bà Sa Thị Dịp (bên phải) cùng tác giả |
Bên cạnh việc phát triển kinh tế trong gia đình, bà Dịp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận động cán bộ, hội viên NCT, thành viên CLB LTHTGN và nhân dân trong tiểu khu tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng quỹ CLB. Ngoài việc cho CLB vay 30 triệu đồng không lấy lãi trong 3 năm, bà Dịp còn thường xuyên ủng hộ tiền mặt hoạt động của CLB và Hội NCT địa phương. Đồng thời dành trên 200 triệu đồng tham gia các hoạt động từ thiện như ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ người nghèo, người bị ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt; giúp đỡ NCT cô đơn không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tiện cũng chia sẻ: Hiện nay, nhu cầu vay vốn của NCT để đầu tư mở rộng sản xuất rất cao, đặc biệt là sau khi dịch bệnh Covid-19 tạm đẩy lùi, nhưng việc tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng gặp nhiều khó khăn. Nhiều NCT còn thiếu vốn để đầu tư sản xuất, phát triển các ngành nghề và các sản phẩm có lợi thế của địa phương rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Đây cũng là mong muốn của cán bộ, hội viên NCT ở nhiều địa phương trong cả nước.