Nền kinh tế Trung Quốc đang đi vào quỹ đạo tăng trưởng khá
Quốc tế 22/04/2023 10:10
Tân Hoa xã dẫn dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2023 tăng mạnh hơn dự báo: 4,5% so với cùng kì năm ngoái.
Nếu so với quý IV/2022, GDP Trung Quốc quý I/2023 tăng 2,2%. Trước đó, GDP của Trung Quốc tăng 3% năm 2022 và tăng 2,9% trong quý IV/2022 tính trên cơ sở năm. Theo NBS, trong thời gian này, sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng, một chỉ dấu kinh tế quan trọng, cũng tăng 3%. Kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5,5%. Người phát ngôn NBS Fu Linghui khẳng định, nền kinh tế nước này đã có sự khởi đầu thuận lợi cho năm 2023 và niềm tin thị trường cũng cải thiện đáng kể.
Trước đó, hãng tin Reuters công bố kết quả thăm dò cho thấy dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 4% trong quý I năm nay. GDP của Trung Quốc lấy lại đà tăng trưởng trong quý đầu tiên này là nhờ dỡ bỏ những biện pháp phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất xe điện ở tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 12-1 |
Theo tờ Financial Times, lĩnh vực bán lẻ, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch Covid-19 tại Trung Quốc, đã trải qua một trong những đợt phục hồi mạnh mẽ nhất. Doanh số bán lẻ tăng 10,6% trong tháng 3, vượt dự báo của các nhà phân tích là 7,5% và tăng tốc từ tháng 1 và tháng 2 khi nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Về xuất khẩu, lĩnh vực này ở Trung Quốc vào tháng 3 đã tăng mạnh với tỉ lệ 14,8% so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, thị trường lại dự báo lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc giảm 5%. Phần lớn tăng trưởng trong xuất khẩu là nhờ doanh số bán và xuất khẩu xe điện sang Nga.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế dự báo triển vọng sẽ yếu hơn phía trước, do nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm, động thái tăng lãi suất ở các thị trường phát triển bắt đầu có tác dụng và tình trạng hỗn loạn của khu vực ngân hàng ở nước ngoài ảnh hưởng đến thương mại.
Với lĩnh vực bất động sản, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng vẫn chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng thanh khoản vốn đã tấn công ngành này và gây ra hàng loạt vụ vỡ nợ. Đầu tư bất động sản giảm 5,8% và doanh số bán nhà theo khu vực giảm 1,8% trong quý đầu tiên, trong khi số nhà xây mới cũng tiếp tục giảm với tỉ lệ 19,2% so với cùng kì năm ngoái.
Tình trạng ảm đạm của lĩnh vực bất động sản cũng tiếp tục lan sang các lĩnh vực như hàng hóa lâu bền, trong đó có cả thiết bị gia dụng. Ông Chaoping Zhu, chiến lược gia tại công ty JPMorgan Asset Management cho rằng, quá trình phục hồi niềm tin kinh doanh của khu vực tư nhân ở Trung Quốc có thể chậm hơn dự báo.
Một vấn đề với kinh tế Trung Quốc là tình trạng thất nghiệp dai dẳng. Dữ liệu công bố cho thấy tình trạng thất nghiệp cao kỉ lục khi cứ 5 người trẻ tuổi ở Trung Quốc thì có một người thất nghiệp. Tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ 19,6% là mức cao thứ hai trong lịch sử, cho thấy đà chậm lại của nền kinh tế, mặc dù tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc đã giảm xuống 5,3%.
Bất chấp những khó khăn trên, các nhà kinh tế tỏ ra lạc quan về việc chính phủ Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5% vào năm 2023, sau khi đạt 4,5% trong quý đầu. Ông Eswar Prasad tại Đại học Cornell nhận định: “Nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đã thoát khỏi tình trạng bất ổn liên quan đến Covid-19 và đang đi vào quỹ đạo tăng trưởng khá. Trên con đường hiện tại của nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng của năm nay rõ ràng là có thể đạt được nếu không có cú sốc bất lợi lớn nào xảy ra”…