Mùa Xuân ở vùng biên viễn
Đời sống 22/02/2024 12:19
Mùa này, ở đất đỏ bazan bung hoa cà phê trắng muốt trên khắp những triền đồi của Hướng Hoá, Đakrông (Quảng Trị) vùng thung lũng A Lưới (Huế), trên cao nguyên Kon Tum kéo dài xuống tận cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) tỏa hương thơm tinh khiết, ngọt lịm, quyến rũ các loài ong từ muôn nơi tìm về hút mật, làm nên vị ngọt cho đời. Những cánh rừng cao su dài tít tắp, những nương sắn, những rẫy tiêu... bạt ngàn của đồng bào reo vui trong gió. Đó là bức tranh đẹp nhất trong những bức tranh của vùng núi rừng đại ngàn, với điểm xuyết đan xen một làng M’nông hay Ê Đê, J’rai hay Banah, Pa Kô hay Vân Kiều... trên chập chờn mây nắng, cùng những tình cảm nặng sâu thấm đẫm nét mộc mạc hiền hoà, cởi mở và da diết của những con người nặng nợ với đất và rừng nơi này.
Bộ đội biên phòng giúp người dân thu hoạch lúa |
Những buôn làng, hay cả những thị trấn, thị tứ miền biên cương yêu dấu này đã thay da đổi thịt rất mạnh mẽ qua thời gian nhờ vào những chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, và không thể thiếu đó là sự chung tay của lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn.
Với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào, những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã thực sự như những người con của buôn làng, cùng mang tới những đổi thay đáng kể về đời sống, kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục,... cho người dân biên cương.
Đời sống được nâng cao, người dân có điều kiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. |
Trên những buôn làng dọc dải biên cương này, vẫn có những vị già làng ngày ngày leo lên quả đồi dốc đứng để trỉa lúa, trồng bắp, trồng cây với thân hình tráng kiện, đôi mắt vẫn tinh anh, giọng nói vẫn sang sảng cười vui khi buôn làng đã không còn đói cơm, lạt muối. Nhiều ngôi nhà tường xây, mái ngói, tôn màu bừng sáng cả một vùng núi rừng. Những chương trình mục tiêu quốc gia đã được triển khai, đầu tư xây dựng đường bê tông thôn bản; nhà kiên cố thay cho nhà ở tranh tre nứa lá đơn sơ, trường học đã được xây dựng khang trang, nhà văn hóa cộng đồng của làng được xây dựng kiên cố.
Vui hơn hết là đồng bào nơi biên cương đã biết thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, chăn nuôi để mang lại ấm no cho mình. Như già làng Priu Pố, ở huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Nhờ chủ trương, chính sách của Nhà nước hướng dẫn bà con làm ăn nên gia đình nào cũng biết trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi bò, lợn và cây ngắn ngày để phát triển kinh tế gia đình. Chính quyền địa phương cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ đặc biệt, giúp đồng bào phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống. Những năm gần đây, nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước đã đến với dân làng, cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện rất nhiều!”.
Nhiều hỗ trợ sinh kế từ bộ đội biên phòng giúp người dân thoát nghèo |
Giao thông thuận lợi là một điều kiện lí tưởng để nhiều buôn làng không còn cách biệt với miền xuôi nữa, thức ăn, vật dùng giờ không thiếu thứ gì. Những sản vật của miền núi trên cũng nhanh chóng được vận chuyển xuống miền xuôi và ngược lại một cách dễ dàng.
Trên dải đất miền biên cương này, trước đây là chiến trường khốc liệt, với những trận đánh dữ dội; những tên đất, tên làng đã trở thành lịch sử như Khe Sanh, Làng Vây, A Sò, đồi Thịt Băm, những cao điểm như Chư Tan Kra, những vùng B3 vô cùng ác liệt... Bây giờ bừng thức một niềm tin rời xa khó nghèo để vươn tới giàu đẹp. Giữa thanh âm tiếng nói người dân sơn cước nghe nhẹ và thanh, chợt lẫn trong giai điệu du dương giọng một cô bé đồng bào khe khẽ hát. Có chút vui vui không tên len lỏi vào đâu đó lòng người hòa cùng tiếng hát là tiếng chim ríu rít đón một bình minh ửng nắng. Xa xa, những dải mây trắng và khói đá chùng chình, quấn quýt núi rừng trong tiếng ching chiêng rộn ràng.
Hành trình mùa Xuân trên con đường Hồ Chí Minh với những lên dốc xuống thung, những quanh co uốn lượn, đây đó từng bản làng của những đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, Jrai hay Bana, Ê Đê hay M’nông được quy hoạch bài bản với nhà cộng đồng ở giữa, những ngôi nhà người đồng bào quây quần xung quanh với tăm tắp lúa nước, sắn khoai và cây công nghiệp dài ngày. Hơn 700km con đường thiên sơn vạn lí vắt ngang qua miền biên cương phía triền tây. Mùa Xuân cũng về trên những dòng sông như Đắkrông, Sê San, Đắk Bla, Sêrêpôk... tựa con trăn khổng lồ vùng vẫy giữa đại ngàn, hào phóng dâng phù sa cho những dải đất bazan màu mỡ. Dòng sông mang nước mát, tưới cho vạn vật sự sống. Mùa Xuân, cũng là thời điểm mà trong những làng buôn mọi người có thể vui chơi, uống rượu và ca hát trong dịp cúng làng ở nhà rông vui rộn bản, hay lễ bỏ mả ở mảnh đất phía cuối làng chung chiêng âm thanh của núi rừng vang đến tận cùng. Đó là một không khí rộn ràng khăn áo mới và tưng bừng những lời nói chan hòa, những nụ cười tươi rói như hoa Pơlang.
Khi tạm biệt những buôn làng miền biên viễn, nhiều bà con trong làng ra tiễn chúng tôi, bịn rịn như người thân đi xa vậy. Tôi vẫn nhớ rõ lời của một vị già làng thầm thì nhắn nhủ: “Không có gì khó chỉ cần sự đoàn kết là sẽ làm được tất cả. Điều quan trọng là phải biết đoàn kết, hòa thuận và thương yêu lẫn nhau, biết chia sẻ khó khăn giúp nhau phát triển kinh tế giữa các dân tộc với nhau!”. Câu nói ấy như sự khẳng định chắc chắn về tương lai của những bản làng biên viễn này.