Mùa cúng đất quê tôi
Đời sống 11/04/2024 10:16
Những bậc cao niên trong làng cho hay, những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, cư dân Đại Việt được Thổ thần đất đai (Thổ địa) và những cư dân bản địa, đặc biệt linh hồn những cư dân Chămpa, Cơ tu… giúp đỡ, phù hộ. Để bày tỏ lòng tri ân, cư dân xưa bèn cúng chư vị thần linh nên tục cúng đất xuất hiện từ đó. Cúng đất hay còn gọi là lễ “Kì an Thổ thần” với quan niệm của người Việt xưa “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Thời gian cúng đất thực hiện vào những ngày tốt, giờ tốt (giờ hoàng đạo) trong mùa Xuân.
Cúng đất, chất rơm, quẩy cơm luôn thể
Lúc sinh thời, ông tôi thường nói: “Ngày trước có câu phương ngôn: “Cúng đất, chất rơm, quẩy cơm luôn thể”. Có nghĩa là chọn một ngày kị gỗ nào đó trong tháng Ba có vụ Đông - Xuân thu hoạch lúa, sẵn có rơm phơi đã khô nên nông dân nhân tiện cúng đất và “chất rơm” luôn. Sau khi gia chủ nhờ bà con hàng xóm xếp, chất những bó rơm đã phơi khô thành “cây rơm” thì tiếp tục ăn cúng đất luôn cho “nhất cử lưỡng tiện” bởi khi chất rơm có nhiều người lại thêm công việc vất vả nên gia chủ phải lo ăn uống chu đáo để động viên, bồi dưỡng.
Bàn cúng đất ở vùng Quảng Nam- Đà Nẵng. |
Tùy theo mỗi vùng, miền, địa phương mà sắp đặt số bàn cúng khác nhau. Có nơi trên bàn thờ cúng đất có hai mâm, với hai nồi hương riêng, một bàn cúng Thần Hoàng Bổn Xứ là các vị thần chức lớn cai quản trong địa phương; còn bàn kia là cúng mâm Hội đồng, bao gồm các vị thần có chức sắc nhỏ hơn và các âm hồn, cô hồn không nơi nương tựa… Được biết, xứ Huế người ta đặt 3 bàn cúng đất, xứ Quảng đặt 2 bàn cúng đất.
Trên bàn cúng đất, phải đầy đủ nồi hương, chân đèn, chén nước, bài trí theo “thiết kế” của người xưa như “đông bình tây quả”, hương đèn, vàng bạc, giấy tiền, giấy đất, giấy binh, diêm mể, nổ (gạo muối, lương khô)... Phẩm vật thường có cơm, xôi, chè, thịt heo, thịt gà, cá chiên, các thứ xào, trộn, bánh tráng nướng... có nhà còn có thêm một đĩa như trứng gà, cua luộc và một bát cháo thánh (cháo trắng)…
Phẩm vật trên bàn cúng đất |
Ngoài ra, còn có mấy món không thể thiếu được như đĩa sắn, khoai, đậu, trút, môn, rau lang luộc. Mỗi bàn cúng đều có đĩa trầu cau, thuốc lá và li rượu trắng... Ngoài ra, còn có một bộ đồ thần, bộ đồ này nhất thiết phải có trong tục cúng đất ở quê tôi. Nhà kinh tế khá thì mua bộ trên 50.000 đồng, nhà đủ ăn thì mua bộ dưới 40.000 đồng.
Cúng Đất cúng ra, cúng Bà cúng vô
Mâm lễ cúng đất phải được đặt ở vị trí trước nhà (hiên, sân) gia chủ. Người xưa có câu: “Cúng Đất cúng ra, cúng Bà (cúng lễ đầy tháng cho em bé) cúng vô”. Gia chủ đứng ở trong nhà cúng ra. Có nơi, danh sách dâng cúng được gia chủ ghi vào “Giấy sớ” và được đọc lên khi cúng bao gồm: Thần “Dân tộc” (thần linh vùng đất Chămpa, Cơ tu…), thần đất đai nơi gia chủ sinh sống, đến thần núi, thần sông… Có nơi in sẵn “thông tin” trên tờ giấy khá đẹp có “hoa văn họa tiết”, khi cúng đặt ngay ngắn dưới nồi hương, cúng xong mang đốt trước tiên cho các “ngài” nhận.
Thông thường, trước khi cúng, gia chủ buộc 2 thanh tre vào 2 chân bàn và treo 2 bộ đồ thần (một bộ dành cho vị thần người Kinh có màu đỏ và bộ dành cho vị thần người Dân tộc có màu đen) vào đấy và sau khi cúng xong, đốt trước vàng mã. Ngoài ra, có nơi, gia chủ còn làm một cái “xà léc” bằng bẹ chuối treo sát bên bàn cúng đất. Cúng xong, gia chủ bỏ mỗi thứ một ít như xôi, thịt heo, chuối, càng cua, trứng gà, khoai lang, bánh tráng nướng ... và người nhà mang ra ngã ba đường cái để treo.
Bỏ thức ăn vào “xà léc”. |
Tục treo xà lét
Không phải là ngẫu nhiên mà cái xà lét này làm bằng bẹ cây chuối có hình dáng tương tự như cái “tà lét” của đàn ông người dân tộc Cơ Tu mang trên lưng. Theo truyền thuyết, trong danh mục cúng chư thần được mời, có vị thần Chủ Ngung đào lương bang Nguyễn Thị Thúc, là con gái của một vị Vua, được gả cho một người thượng (Man). Khi bà chết, nhà vua phong sắc chưởng đất miền Nam và truyền cho dân chúng tục cúng đất có treo xà lét.
Cũng theo truyền thuyết, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thúc chỉ có một bộ y phục, nên khi được mời ăn cúng đất, chỉ có một người mặc áo quần đi dự, người kia không có y phục, đành ở nhà. Khi ăn xong, người đi dự mang xà lét về cho người ở nhà...
Thời thơ ấu, đi học về gặp những cái xà lét treo ở ngã ba khi mùa cúng đất, lũ học trò chúng tôi lấy xuống chia nhau ăn. Tuy nhiên, không đứa nào dám kể chuyện này với cha mẹ bởi người xưa rất kiêng kị và cho rằng, ăn vậy là thất kính và có lỗi với chư vị thần linh nên trước sau cũng bị quở, phạt đau ốm…
Khi gần tàn hương, gia chủ rót nước chè, còn “áo giấy” sẽ được đốt trong cái thùng sắt sạch sẽ. Tuyệt đối không để áo giấy, tiền vàng rơi xuống đất sẽ bị uế tạp, thần không nhận. Phẩm vật sau cúng đất sẽ được mời bà con hàng xóm cùng chung vui, cũng là dịp liên hoan giao lưu để thắt chặt “tình làng nghĩa xóm”.
Tục cúng đất ở quê tôi mang vẻ đẹp của văn hóa tâm linh, rất nhân văn. Vì thế dù hiện nay văn hóa truyền thống có nơi bị mai một nhưng ở xứ Quảng vẫn lưu giữ tục lệ này trong mùa Xuân. Đây là nét đẹp truyền thống của cha ông thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong việc tri ân “Ăn quả nhớ người trồng cây” đối với tiền nhân nơi mình sinh sống cũng như việc giữ gìn tinh thần đoàn kết, sự giao lưu văn hóa các vùng miền trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.