Một lần đi cơ sở
Phóng sự 20/06/2019 16:33
Thật hạnh phúc, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, nhà báo không phải mỏi tay ghi ghi chép chép những dòng nguệch ngoạc vội vàng, mà đã có máy tính, máy ảnh, ghi âm, điện thoại, Ipad… hỗ trợ đắc lực trong quá trình tác nghiệp.
Một trong những ấn tượng sâu sắc không thể quên đối với nhà báo là sự tiếp đón nồng hậu, sự chia sẻ tận tình và chu đáo của cán bộ, hội viên, Nhân dân ở cơ sở. Trong các chuyến đi của mình, tôi thường được cán bộ địa phương chỉ dẫn tỉ mỉ, bố trí người làm việc, chuẩn bị sẵn nội dung, tài liệu theo văn bản đăng kí chương trình công tác mà tôi đã gửi trước đó.
Hơn chục năm trước, khi đang "chinh phục" khu vực miền Tây hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, tôi còn "non" nghề lắm! Khi ấy, điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá giao thông đi lại bất cập, chưa có nhiều phương tiện như bây giờ. Bản thân tôi mới vào nghề, thiếu kinh nghiệm giao tiếp, chưa có nhiều mối quan hệ với địa phương. Vậy mà, thật ấm lòng khi những đề nghị làm việc hầu như đều được chấp thuận. Sau những giờ đi cơ sở là bữa cơm ấm áp nghĩa tình, giao lưu vui vẻ, và không ít lần tôi được nghe lãnh đạo, đồng bào hát tặng làn điệu dân ca đậm đà bản sắc địa phương; kể cho nghe những câu chuyện vui thú vị. Đồng hành cùng tôi trên các cung đường heo hút, quanh co là chiếc xe máy "Dream Tàu", có chăng chỉ xịt lốp ở những nơi mà tôi có thể nhờ hỗ trợ hoặc đủ sức vượt qua. Thường thì trong bán kính 300km là tôi đã sẵn sàng lên đường cùng chú "ngựa sắt" trung thành này.
Một lần, tôi đi công tác ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi lên huyện miền núi xa xôi này. Sáng hôm ấy, tôi xuất phát từ Hà Nội. Theo tính toán, chỉ cuối giờ chiều tôi sẽ đến nơi. Chằng kĩ chiếc vali quen thuộc phía sau xe, tôi nổ máy tăng ga chạy ra đường Quốc lộ 1. Con đường Bắc Nam này sẽ đưa tôi đi khoảng 250km đến thị trấn Diễn Châu, từ đó rẽ phải khoảng hơn trăm cây số nữa là đến. Hành trình Hà Nội - Thanh Hóa từng đi nhiều, nhưng sang địa phận tỉnh Nghệ An thì tôi chưa đến bao giờ. Chiếc xe cà tàng chưa từng đi xa như thế nên tôi cũng phải dè chừng, không dám đi quá dài sợ nóng máy. Cứ thế, tôi mải miết đi, mệt thì dừng nghỉ uống nước, đói lại dừng ăn cơm, hết xăng đỗ lại mua. Đến ngã ba Diễn Châu đã 15 giờ, tôi dừng xe, định hướng rẽ rồi tiếp tục lên đường.
Ánh nắng chiều phía Tây chiếu thẳng vào mặt bỏng rát. Gió lào thổi từng cơn khiến cái nóng thêm hầm hập. Mỗi đoạn dừng nghỉ ngắn dần, tôi bắt đầu thấm mệt, giục mình càng phải cố gắng hơn. Đến 17 giờ, tôi có mặt ở thị trấn huyện Con Cuông. Nếu dừng lại ở đây, tôi có thể liên lạc, mượn phòng khách huyện nghỉ ngơi để hôm sau tiếp tục hành trình. Song nghĩ đến lời hẹn sáng hôm sau 7 giờ đã làm việc với lãnh đạo huyện Tương Dương, mà đường còn xa, e rằng mai lên không kịp giờ. Đoạn, tôi tạt vào một quán cơm nhỏ, vừa ăn vừa nghỉ lấy sức.
…Trời tối dần. Tôi tiếp tục hành trình, lướt qua những ngôi nhà đang dần đỏ đèn. Rồi đốm sáng hiu hắt như những con đom đóm nhỏ ấy cũng thưa hơn và mất hẳn. Tôi thấy mình đang đi giữa hai bên toàn cây cổ thụ dễ đến vòng tay người ôm không xuể (sau này tôi mới biết đó là khu rừng toàn cây săng lẻ). Con đường phía trước cứ thăm thẳm, hun hút. Tôi hơi gờn gợn, song lại tự trấn tĩnh, cố gắng vượt qua cung đường lạ lẫm này mong sao về đến nhà khách UBND huyện (theo hướng dẫn của cán bộ Văn phòng Ủy ban) càng sớm càng tốt.
Cuối cùng, nỗ lực của tôi cũng được đền đáp. Khoảng 1 giờ đêm, tôi đã về đến nhà khách huyện, và thật may, lễ tân vẫn đang đón những đoàn khách dưới xuôi lên, trong đó, đa số là doanh nghiệp đầu tư xây dựng và khai thác lâm, khoáng sản. Tôi thở phào, nhận phòng, tắm rửa rồi "đánh" một giấc ngon lành cho đến 5 giờ sáng.