Một cách hành xử và nỗi lo của ASEAN
Quốc tế 05/06/2019 10:41
Không có gì nghi ngờ về Indonesia là đất nước của nghề đánh bắt hải sản. Họ nằm ở ngã ba đường của 2 đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là đảo quốc lớn nhất thế giới, với 17.504 hòn đảo và đường bờ biển 99.093 km.
Nghề cá đóng góp vào 2,46% GDP của Indonesia, chủ yếu đến từ 964.231 hộ gia đình đánh cá và 1.649.080 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản.
Vì vậy, không ngạc nhiên, một trong những trọng tâm của nhiệm kì Tổng thống Joko Widodo là mang lại sự thịnh vượng cho nghề cá và hàng hải của Indonesia. Nổi tiếng nhất trong chiến lược này là biện pháp cho nổ hoặc đánh chìm thuyền cá của các ngư dân nước ngoài bị bắt khi hoạt động trái phép trong vùng biển và Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Indonesia.
Từ tháng 10/2014 đến nay đã có hơn 500 chiếc thuyền các nước bị đánh chìm, trong đó có 284 thuyền Việt Nam, sau khi bị bắt với cáo buộc đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển Indonesia. Chính sách này đã gây nên căng thẳng và quan ngại từ các nước láng giềng.
Indonesia đi ngược với UNCLOS
Tác giả Ahmad Almaududy Amri của Trung tâm Quốc gia Australia về Tài nguyên Biển và An ninh, Đại học Wollongong, phân tích rằng, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đề cập đến các biện pháp có thể sử dụng để chống nạn đánh bắt trái phép trong hai khu vực, vùng biển chủ quyền của một quốc gia và EEZ của quốc gia đó, nơi họ chỉ có quyền chủ quyền chứ không có chủ quyền.
Indonesia đánh chìm một tàu cá Việt Nam ở đảo Datuk, tỉnh Tây Kalimanta hôm 4/5 |
Theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, (Singapore), một điểm mấu chốt là các tàu cá của Việt Nam bị bắt có thực sự vi phạm vùng biển của Indonesia hay không, hay nằm trong vùng EEZ chồng lấn chưa được phân định. Ví dụ tàu cá Việt Nam bị bắt ngày 27/4 thuộc khu vực Việt Nam và Indonesia đang tiến hành phân định vùng đặc quyền kinh tế (toạ độ 06026’N-106047’E, cách đường phân định thềm lục địa năm 2003 5,5 hải lí về phía Bắc).
"Nếu các ngư dân và giới chức Việt Nam chứng minh được là việc bắt giữ của phía Indonesia là sai, nằm ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán của Indonesia, thì họ có thể khởi kiện phía Indonesia và đòi bồi thường cho các thiệt hại đã bị gây ra", ông Hiệp nói.
"Tâm trạng bầu cử" làm căng thẳng ASEAN
Thời gian qua, Indonesia ở trong "tâm trạng bầu cử" và vào lúc cả nước chờ đợi kết quả chính thức của cuộc bầu cử, chính quyền Tổng thống Widodo sẽ phải chứng minh cho công chúng thấy rằng họ mạnh mẽ và đủ năng lực bảo vệ chủ quyền.
Tháng trước, chính quyền Indonesia tiếp tục đánh chìm 51 tàu cá nước ngoài bị nước này bắt, trong đó có 38 thuyền treo cờ Việt Nam, 6 thuyền Malaysia, 2 thuyền Trung Quốc và 1 thuyền Philippines. Số còn lại là thuyền có chủ người nước ngoài nhưng treo cờ Indonesia.
Các nhà quan sát đánh giá một trong những đặc trưng trong nhiệm kì đầu tiên của Tổng thống Widodo là sự thiếu hứng thú của ông với các chính sách đối ngoại và sự nhấn mạnh vào người dân trong nước. Tuy nhiên, nội các sắp cải tổ tới dây của ông Widodo sẽ mang lại một vài thay đổi và hướng tiếp cận khác.
Đánh đắm thuyền có thể “đắm” lòng tin
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng, các căng thẳng này chủ yếu là do việc hai nước chưa phân định xong khu vực chồng lấn giữa vùng đặc quyền kinh tế trên biển. Thực ra, những sự cố như thế này có thể giúp hai nước có thêm động lực để đẩy nhanh quá trình đàm phán và xây dựng được ngành khai thác hải sản từng nước bền vững, cùng có lợi.
"Việt Nam cần giao thiệp với phía Indonesia để vừa thúc đẩy quá trình đàm phán phân định EEZ. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần hướng dẫn ngư dân để họ hạn chế đánh bắt cá trong các khu vực chồng lấn, nhất là những nơi quá gần EEZ của Indonesia, để tránh các sự cố không đáng có", ông Hiệp nói.
Khu vực ASEAN với hầu hết quốc gia có biển, dù thế nào thì cách giải quyết vi phạm dân sự mang tính cực đoan như Indonesia đang làm sẽ gây quan ngại cho các nước láng giềng. Nó cũng không giúp xây dựng lòng tin và sự hợp tác bền vững của một khu vực đang nổi lên như một điểm sáng phát triển của thế giới.
Đ.K (tổng hợp)