“Minh thề”, quen mà lạ!
Trong mắt người già 08/02/2023 10:32
Lễ hội Minh thề khởi thuỷ cách đây gần 500 năm (1561), từ thời nhà Mạc. Khi đó, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) đến ấp Lan Niểu (Hòa Liễu ngày nay) bỏ tiền của, đứng ra vận động, tu tạo lại chùa Hòa Liễu, rồi cùng dân làng lập ra Hịch văn hội Minh thề. Gọi là Minh thề bởi Hịch văn quy định những điều được làm, phải làm và những điều không được làm cho tất cả các thành phần từ hương chức đến dân thôn: “Nếu lấy của công làm việc công được thần linh ủng hộ.
Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử! Y như lời thề…”; và, “Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”.
Minh thề xưa, hay lời thề, lời tuyên thệ ngày nay vừa quen, vừa lạ với người Việt Nam chúng ta. Quen bởi lễ hội Minh thề đã được các thế hệ người Việt Nam lấy làm mực thước ứng xử và ngưỡng mộ. Cũng rất quen bởi mỗi khi được cất nhắc, bổ nhiệm hay bầu cử, các quan chức đều phải đứng dưới cờ Đảng, cờ Tổ quốc đọc lời thề (tuyên thệ). Quen nữa, bởi Minh thề nay trở thành di sản văn hóa, mang ý nghĩa và giá trị lớn về đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng. Đặc biệt, Minh thề vẫn còn mang tính thời sự, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kỉ cương phép nước - chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà Đảng ta đã và đang thực hiện.
Lễ hội Minh thề lạ, bởi ngày xưa, người dân đến dự, khi ra về không ai dám làm những việc sai trái, không trộm cắp của nhau vì sợ “đả tử”.
Lạ nữa, xưa kia hội thề diễn ra thu hút rất nhiều thành phần, đủ chức dịch hàng tổng, quan lại hàng phủ về tham dự. Họ cùng giơ cánh tay thề biểu thị sự thanh liêm, quyết không lấy của công dùng làm của tư. Nhưng nay, nhiều quan chức “ngại đến” dự lễ hội Minh thề! Họ chỉ đến nơi khác để cầu lộc, cầu tài, cầu thăng quan tiến chức, chứ không có nhiều quan chức đủ can đảm, tự tin đến lễ hội này để nói không với tham nhũng. Và lạ hơn, một số quan chức thề xong là quên. Mặc dù biết đi ngược Minh thề sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng họ lại không thắng nổi ma lực của “chàm” nên đành vào tốp cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, bị người đời đàm tiếu, nguyền rủa.