Miệt mài với hành trình thiện nguyện
Đời sống 16/06/2024 09:18
Người kết nối những tấm lòng nhân ái
Gặp một số kiều bào ta sống tại Berlin, CHLB Đức, tôi nghe họ nói về Hội Từ thiện Sen Vàng Berlin (gọi tắt là Hội). Hơn mười năm qua, Hội có nhiều hoạt động từ thiện được chính quyền nước sở tại và Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đánh giá rất cao. Bà Dương Thị Bích Ngọc là người sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội.
Một chiều tôi hẹn gặp bà. Được biết thêm bà là một phật tử, có quan hệ phối hợp công việc từ thiện, nhân ái với nhiều nhà chùa ở Đức và ở Việt Nam. Bà nhiệt tình trò chuyện và trao đổi với tôi về việc làm nhân đạo giúp đỡ người khó khăn nước sở tại cũng như ở quê nhà. Trước kia, bà Bích Ngọc sang Tiệp Khắc lao động (1980-1985) trong ngành may mặc. Về nước, bà làm cho một công ty dệt may ở Hà Nội. Vốn người sôi nổi, năng động, nhiệt tình, bà được đoàn viên, người lao động tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty lúc mới 25 tuổi.
Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức trao Giấy khen cho các thành viên Hội có nhiều thành tích xuất sắc. |
Sau đó bà sang CHLB Đức theo chương trình hợp tác lao động. Ở lại Berlin, bà năng nổ, chịu khó xoay xở đủ việc để mưu sinh. Từ mở cửa hàng may mặc đến dịch vụ môi giới, bảo hiểm... Công việc đối với bà khá thuận lợi. “Mình cảm cái ân nước Đức đã nhân ái cưu mang những người xa xứ như bọn mình. Có đôi lúc xem báo, nghe đài biết nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ (cả người Đức và người Việt) là mình và mấy chị em bạn đóng góp người vài chục euro giúp đỡ. Cứ thế mà làm, không phải suy tính, đắn đo”, bà tâm sự. Biết bà phát tâm làm việc thiện nên nhóm bạn thân nhất trí chọn bà làm “thủ lĩnh”, suy tôn làm chủ tịch. Ban đầu, chỉ vài người, dần dần đông thêm. Hội được thành lập với gần 150 thành viên, chưa kể các tình nguyện viên trong nước, hoạt động đã hơn 10 năm.
Những kỉ niệm khó quên…
Bà bồi hồi nhớ lại. Ngày 19/3/2020, dịch Covid-19 bùng phát ở Đức. Một mặt vận động thành viên Hội may khẩu trang bảo vệ phát cho bà con ở những điểm test, mặt khác đăng
facebook kêu gọi thành viên, người hảo tâm may khẩu trang bảo vệ… Vừa may tay, may máy, hơn 2 vạn khẩu trang được cung cấp cho Berlin và vùng phụ cận trong tình thế hết sức cấp thiết. “Mình làm vừa để tri ân người Đức vừa để cho họ biết người Việt Nam mình sống rất nghĩa tình”, bà thổ lộ.
Nhờ những người bạn ở quê nhà kết nối, bà xin rau từ các vựa rau ở Đà Lạt chuyển sang các vùng nhiễm dịch trong nước kể cả vận động thành viên của Hội ủng hộ tiền, gạo... Ở đâu cần là cung cấp. Hai cậu con trai của bà ở Việt Nam cũng… theo chân mẹ, ủng hộ cho bà con vùng dịch bệnh hàng chục tấn gạo.
Chưa hết, trong thời gian xảy ra chiến sự, bà con người Việt ở Ucraina di tản sang Ba Lan rồi qua Đức, Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã chuyển số điện thoại của bà cho các trại tập trung để tiện liên lạc, kết nối nhờ bà trợ giúp. Thời điểm này, bà cứ như con thoi chạy từ nơi này sang nơi khác… Hễ có điện thoại là phóng xe hơi ra Nhà ga Trung tâm Hauptbahnhof đón người tị nạn, phân loại, liên hệ các trạm tiếp nhận… Thậm chí những người già yếu bà phải chở họ đi với lỉnh kỉnh đồ đạc…
Những chuyến về Việt Nam, bà mang yêu thương của Hội đến với những trường hợp khó khăn, những hoàn cảnh thương tâm. Từ Hà Nội lên Hòa Bình giúp đỡ những người hoạn nạn do thiên tai. Mặc cho đường đi bị ách tắc vì sạt lở núi, bà vẫn bươn bả đến tận nơi. Phối hợp một cơ quan báo chí ngành Công an, bà đến Lâm Đồng trao giếng nước sạch cho một trường tiểu học thuộc huyện Đam Rông từ nguồn tài trợ của Hội. Về Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trong cơn bão lũ lịch sử năm 2016… bà đội mưa cùng các tình nguyện viên của Hội đến tận nơi bà con đang trong cảnh ngập lụt cần trợ giúp để trao mì gói, bánh, sữa… Một số công trình như nhà ở, trường học, cầu đường; tặng xe đạp, trao học bổng cho học sinh nghèo, người khuyết tật, các cô giáo mắc bệnh hiểm nghèo ở Tây Bắc hoặc phối hợp với một tổ chức thiện nguyện ở quê nhà trao cháo, sữa cho bệnh nhân nghèo ở Khoa Tim mạch, Bệnh viện E; Bệnh viện Ung bướu K2, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội… có sự năng động, kịp thời của bà kêu gọi thành viên.
Làm thiện nguyện là nhận thiệt thòi về mình!
Thành viên lúc nào cũng đặt hết niềm tin ở bà. Một lời bà kêu gọi là hơn cả trăm người đồng tình hưởng ứng. Chưa kể một số nhà hảo tâm cũng tham gia với Hội. Năm 2023, bà cùng với bốn chị em thành viên trong Hội, mỗi người nhận chu cấp 1 triệu VNĐ/tháng cho 5 cháu bé mồ côi cho đến tuổi trưởng thành do cha mẹ mất vì dịch Covid-19.
Tôi thật sự bất ngờ khi biết bà và thành viên cũng như tình nguyện viên của Hội ở quê nhà, kể cả các sư thầy ở Việt Nam, tham gia thiện nguyện đều tự bỏ tiền túi! Họp mặt tổng kết cuối năm, thành viên đến dự cũng đóng góp tiền! Bà Bích Ngọc cười, cho biết: “Quỹ của Hội chỉ dùng để giúp đỡ các trường hợp, đối tượng khó khăn chứ làm gì có mục công tác phí. Như chúng tôi về Việt Nam trao quà của Hội cũng phải bỏ tiền cá nhân. Các sư thầy nhận chuyển quà giúp đỡ của Hội cũng bỏ tiền mua vé tàu xe mà đi thôi!”.
Các thành viên của Hội tại Berlin hoặc tại quê nhà cốt chỉ mong chia sẻ yêu thương đến với người gặp khó khăn. Tất cả danh sách, số tiền đều được công khai trên facebook. “Làm thiện nguyện là chấp nhận hi sinh, nhận thiệt thòi về mình. Đó là niềm hạnh phúc”, bà bộc bạch.
Vất vả, khó nhọc vẫn không ngăn trở được bà mang yêu thương của Hội đến những vùng khó khăn, những cảnh đời nghiệt ngã, những phận người bất hạnh. Tôi có cảm giác bà là người của công việc nhân ái, tràn đầy năng lượng tích cực. Bà Dương Thị Bích Ngọc cứ vậy, miệt mài, bền bỉ tiếp tục trên hành trình thiện nguyện.