Lợi hại những trục đường
Trong mắt người già 17/07/2019 09:36
Nhìn vào quy hoạch của người Pháp làm với đô thị Sài Gòn cũ hay khu phố cổ Hà Nội thấy họ có tầm nhìn rất xa. Sau hàng trăm năm quy hoạch vẫn không lạc hậu, nhất là hệ thống giao thông bàn cờ, xoay vòng không bao giờ xảy ra ách tắc.
Quy hoạch đô thị các thành phố lớn của ta sau này tiếc rằng chưa học được nhiều về cách làm quy hoạch đó mà nặng về ý chí chủ quan, tùy hứng.
Nếu nhìn từ trên cao thì thấy hệ thống trục giao thông đô thị tại Thủ đô không theo quy tắc nào, khá tự do, nhằng nhịt. Vì không giữ được sự ổn định quy hoạch nên phát triển giao thông Hà Nội như đang chạy theo, đối phó trước sự quá tải. Không ít tuyến giao thông được hình thành lại chủ yếu phục vụ cho những dự án chung cư (vì nó mọc lên gần như đồng thời với sự hoàn thành con đường đó).
Chẳng hạn tuyến đường Lê Văn Lương được mở như để phục vụ cho các dự án bất động sản và hiện nó chỉ đáp ứng một phần giao thông của chính cư dân 2 bên trục đường này. Những con đường “đắt nhất hành tinh” luôn bị con đường được xây dựng sau đó phá vỡ kỉ lục. Nhà nước tốn hàng nghìn tỉ đồng cho một đoạn đường ngắn nhưng người dân vẫn chịu cảnh ách tắc giao thông. Chỉ có các nhà đầu tư bất động sản hưởng lợi lớn bởi chênh lệch địa tô gấp hàng chục, hàng trăm lần.
Có một “trục kết nối” với trục Hồ Tây - Ba Vì đang được một số doanh nghiệp bất động sản “nghiên cứu” định hình. Đó là đoạn đường từ Phạm Văn Đồng sang Quốc lộ 32, điểm nối tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Tuyến này dự kiến cũng “ngốn” chừng gần 2,5 nghìn tỉ đồng ngân sách riêng phần bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hai bên “trục” này dễ dàng nhận thấy còn khá nhiều diện tích “đất vàng” hiện là đất nông nghiệp. Dự án này không phải do ngành giao thông đề xuất, mà được Công ty Cổ phần Sông Hồng đại diện cho một số doanh nghiệp BĐS lập, đang lấy ý kiến người dân về đánh giá tác động môi trường. Có thể dự án này chỉ mới được định hình, không nằm trong quy hoạch tổng thể nên nó đã chồng lên quy hoạch cũ, xuyên qua 3 khu tái định cư của những cư dân vừa nhường đất để mở rộng Quốc lộ 32. Có gia đình tiền bồi thường mất nhà đất còn chưa đủ đóng cho suất tái định cư, thì nay lại đứng trước nguy cơ phải đến một khu tái định cư “mới hơn” cùng tương lai nợ nần.
Nếu “trục” nhánh này được hình thành thì rất có thể nó cũng chỉ đáp ứng được giao thông cho chính những cư dân của các dự án chung cư tương lai sẽ mọc lên 2 bên tuyến đường, tương tự như tuyến Lê Văn Lương!
Điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện là vấn đề nóng trong kì họp Quốc hội vừa qua. Nhiều đại biểu đã chỉ ra lợi ích nhóm trong điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư. Họ đang điều chỉnh những tuyến đường để mọc lên nhiều tòa chung cư; điều chỉnh những dự án bất động sản để nâng thêm chiều cao công trình...
Những lợi nhuận, chênh lệch địa tô đang “rơi” vào túi các đại gia bất động sản. Trục đường dường như đang trở thành những thứ để người ta… trục lợi!