Liệu có “đánh bùn sang ao”?
Trong mắt người già 05/05/2022 10:43
Theo đó, các bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất trên cơ sở quy mô hiện có. Về lâu dài sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và vành đai 4 (bến Nội Bài, bến Phùng, bến phía Nam...). Quỹ đất các bến xe này sẽ chuyển chức năng ưu tiên cho phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...).
Hà Nội phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe |
Nhiều người cho rằng, nếu theo quy hoạch này, người dân nội thành muốn đi các tỉnh sẽ phải di chuyển bằng xe cá nhân, xe taxi…, các phương tiện giao thông trong nội đô thêm gia tăng, ngược với đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Còn khi người dân ngoại tỉnh muốn vào nội đô thì phải đi xe khách liên tỉnh đến các bến xe, rồi di chuyển quãng đường 20-30km bằng các phương tiện công cộng hoặc cá nhân. Điều này càng làm tăng mật độ giao thông, gây khó khăn, tốn kém cho người dân và xã hội hơn là sự thuận lợi.
Ngoài ra, trên thực thế còn có tình trạng “quy hoạch một đàng, làm một nẻo” và đã có nhiều bến xe ở Hà Nội bị “xóa xổ” nhưng quỹ đất lại không dành cho giao thông đô thị. Cụ thể, năm 2016, bến xe Lương Yên được di dời, người dân ở đây khá vui mừng vì cho rằng sẽ sớm thoát khỏi cảnh tắc đường, cảnh nhốn nháo bắt, trả khách. Tuy nhiên sau đó khu đất được điều chỉnh xây dựng 3 tháp nhà ở cao tầng, tiếp tục gây thêm ách tắc giao thông khu vực.
Tương tự, bến xe Hà Đông do tỉnh Hà Tây cũ quản lí, sau khi ngừng hoạt động cũng để xây dựng chung cư cao tầng. Thay thế là bến xe Yên Nghĩa cách đó khoảng 4km, rộng 7ha và được đầu tư chừng 80 tỉ đồng. Với diện tích rộng, cơ sở vật chất hiện đại, đây được coi là bến xe khách lớn nhất miền Bắc, nhưng sau nhiều năm hoạt động vẫn vắng vẻ, đìu hiu vì nằm ở đường vành đai 4, xa trung tâm.
Câu chuyện “đánh bùn sang ao” của bến xe Lương Yên và Hà Đông vẫn còn tươi rói. Với quy hoạch mới, nhiều bến xe nội thành sẽ tiếp tục bị di dời. Ai dám chắc rằng sẽ không có kẻ đang nhăm nhe tận dụng vị trí đắc địa của các bến xe này để biến những mảnh đất vàng dành cho giao thông thành các chung cư, khách sạn, nhà hàng?
Nên chăng, Hà Nội cần giữ ổn định và hiện đại hóa các bến xe hiện có; nghiên cứu mô hình các bến xe nội đô của các nước tiên tiến; tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế, tích cực áp dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, điều hành bến xe và phân luồng giao thông... để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của Nhân dân.