Lãnh đạo các ngân hàng trung ương thế giới quyết tâm duy trì lãi suất
Quốc tế 30/08/2023 09:40
Tại hội nghị thường niên ngân hàng trung ương tổ chức ở Jackson Hole, bang Wyoming (Mỹ) từ 24-26/8, các bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã phơi bày những thách thức mà mỗi cơ quan này đang đối mặt để quyết định liệu có kéo dài chuỗi ngày tăng lãi suất được khởi đầu từ năm 2022. Cùng thời điểm, họ cũng giúp các nhà đầu tư có manh mối về hành động trong những tháng tới của các ngân hàng trung ương.
Phó Thống đốc Ngân hàng Anh Ben Broadbent cho biết, lãi suất của Anh có thể tăng cao hơn nữa. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda lại tái khẳng định việc cần hạ lãi suất tại nước này. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, ông Powell vẫn mơ hồ về việc liệu Fed có nâng lãi suất chuẩn một lần nữa hay không, còn bà Lagarde thì cũng tránh nói về các quyết định trong những tháng tới.
Chủ tịch Fed Jerome Powell, Chủ tịch ECB Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda tại Jackson Hole, Wyoming (Mỹ) ngày 25-8 |
Fed và ECB đang ở trong hoàn cảnh tương tự nhau, cùng xem xét về việc liệu có nên tăng lãi suất tại các cuộc họp chính sách vào tháng tới hay không, ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đã gây ngạc nhiên bởi khả năng phục hồi trong khi nền kinh tế châu Âu dường như đang hướng tới suy thoái. Lạm phát kéo dài và việc không thể nắm được nó sẽ giảm nhanh như thế nào là thách thức chung.
Các đồng nghiệp của ông Powell và bà Lagarde đã không ngần ngại rạch ròi về ủng hộ hoặc phản đối tăng lãi suất bổ sung. Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester và Thống đốc Ngân hàng Latvia Martins Kazaks cho rằng, tốt hơn hết là nâng lãi suất, điều này có thể đảo ngược nếu cần thiết. Còn Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker và Thống đốc Ngân hàng Bồ Đào Nha Mario Centeno lại đứng về phía đối diện, đề cập đến tiếp cận thận trọng khi họ đánh giá tác động của các đợt tăng lãi suất trước đó.
Các lãnh đạo ngân hàng trung ương còn thảo luận về những chủ đề như năng suất, cải tiến, cấu trúc thị trường trái phiếu, chuỗi cung ứng toàn cầu và mức nợ công tăng cao. Theo Bloomberg (Mỹ), một trong số các vấn đề xuyên suốt các cuộc thảo luận là thương mại. Các yếu tố khác nhau đã khiến thương mại ở nhiều thị trường phát triển chuyển dịch từ đối tác truyền thống như Trung Quốc sang các nước như Ấn Độ, Việt Nam hay Mexico. Một số nhà kinh tế tin rằng, “nearshoring” hoặc “friendshoring” này có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát. “Nearshoring” là chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia lân cận. Trong khi “friendshoring” là mạng lưới chuỗi cung ứng tập trung vào các quốc gia được coi ổn định về chính trị và kinh tế.
Giáo sư kinh tế Katheryn Russ tại Đại học California (Mỹ) cho rằng, các xu hướng này khiến nền kinh tế “nhạy cảm hơn” trước những cú sốc phi địa chính trị và gia tăng nhu cầu ổn định thông qua chính sách tiền tệ. Các nhà hoạch định chính sách cũng phải vật lộn với thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và ảnh hưởng của chúng đối với hoạt động của thị trường trái phiếu. Sự hỗn loạn của thị trường trong những ngày đầu của đại dịch đã khiến các nhà hoạch định chính sách và nhà kinh tế đẩy mạnh thúc giục về cải cách cơ sở hạ tầng và các quy định.
Tâm lí phổ biến trong hội nghị chuyên đề năm nay là việc cần khiêm tốn trong bối cảnh hiện tại đầy bất ổn. Bà Lagarde nói: “Trong khi cần tiếp tục phấn đấu để làm sắc nét bức tranh trung hạn của mình, chúng ta cũng nên hiểu rõ về giới hạn của những gì chúng ta nắm được hiện tại và những gì chính sách của chúng ta có thể đạt được. Nếu muốn duy trì uy tín với công chúng, cần nói về tương lai theo cách nắm bắt tốt hơn sự bất định mà chúng ta phải đối mặt”…