Làng quan họ Trung Đồng
Đời sống 18/03/2021 14:13
Những nghệ nhân chân đất
Theo những nghệ nhân, quan họ xuất hiện ở làng này đến giờ đã trên hai trăm năm. Trung Đồng đã được cư dân Việt đến đây khai phá từ lâu đời. Bà con có nguồn gốc ở Quả Cảm, Bắc Ninh vào thời Trần, bà Hoàng Phi vợ vua Trần Anh Tông đã tâu với vua xin cho khai hoang lập ấp ở đây. Từ đó, những người đầu tiên theo bà Chúa Hoàng Phi đến khai phá đất hoang và đã lập lên làng Trung Đồng ngày nay. Cội nguồn ban đầu mới chỉ có bà con dòng họ Nguyễn, họ Trần, họ Ngô, họ Hoắc... Và Trung Đồng trở thành một làng cổ bên bờ sông Cầu từ đó.
“Chơi” quan họ mang sắc thái thanh tao, nền nã, lời ca vang ngân vừa phóng khoáng, vui thú vừa đắm đuối, nền nã. |
Tưởng nhớ công ơn bà, vào Rằm tháng Tám âm lịch là ngày sinh và mùng 10 tháng Giêng là ngày giỗ của Bà Chúa hằng năm, dân làng mở hội và tổ chức rước Bà từ Nghè về Đình tế lễ. Sau 3 ngày, lại rước Bà Chúa từ Đình về Nghè. Trong những ngày hội, Trung Đồng có tổ chức đấu vật, đánh cờ người và các phường trò biểu diễn tiêu biểu… Song không thể thiếu được việc tổ chức hát quan họ. Từ thời đó đến nay đã qua ba thế hệ quan họ Trung Đồng, những liền anh, liền chị còn sống đều đã ở tuổi xưa nay hiếm.
Cụ Hoắc Công Tào người cao tuổi của làng kể lại: “Từ xa xưa, ở Trung Đồng đã có nhiều thế hệ “nghệ nhân” tiếp nối nhau hát quan họ. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, các cụ trong làng vẫn còn đi hát bọn, hát thi giao lưu ở các hội làng trong huyện và cả hội làng Diềm, làng Chấp tỉnh Bắc Ninh... Lớp các cụ bà đã qua đời nổi tiếng hát hay như cụ Bánh, cụ Hẹn, cụ Binh, cụ Đà... Đặc biệt là cụ Bánh nổi tiếng vì “biết đủ lối, thuộc đủ câu” quan họ. Lớp người cao tuổi kế tiếp đang ở độ tuổi 78-80 như các bà Hoàng Thị Ngoan, Vũ Thị Sáu, Nguyễn Thị Nhung, Hoàng Thị Trướng, Vũ Thị Thiểm… đang gánh nặng trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn những làn điệu dân ca quan họ cho làng”.
Trăn trở với di sản
Lớp người cao tuổi ở làng Trung Đồng hiện nay có ông Hoắc Công Chờ đã ở độ tuổi ngoài 75 nhưng vẫn còn khoẻ mạnh, hát được rất nhiều làn điệu quan họ theo lối cổ. Từ năm 1964, ông đã dạy hát quan họ cho nhiều người trong làng, ngoài xã. Ngoài những bài hát học được từ lúc còn nhỏ, ông Hoắc Công Chờ còn sưu tầm được nhiều bài quan họ cổ lưu giữ trong vùng và qua thực tế hát quan họ ở các hội làng bên bờ Nam sông Cầu.
Ảnh Internet |
Ông cũng chính là người sáng lập CLB quan họ Trung Đồng năm 2006. Vốn là người yêu nghệ thuật, lại là gia đình có truyền thống quan họ, thấy có dạo quan họ mất dần bản sắc, ông luôn trăn trở: “Chẳng lẽ đến đời con, đời cháu của mình, quan họ chỉ còn là hoài niệm?”. Đem ý định phục dựng quan họ nói với nhiều người, trong đó có Phạm Nam Thanh và Bùi Quang Thanh, là hai nhà nghiên cứu rất tâm huyết với quan họ và được hai anh trợ giúp. Từ đó, ông bắt tay vào sưu tầm, chép lại lời hát cổ rồi tập hợp những người hát hay trong làng để thành lập CLB.
Ngày trước, CLB có tất cả 50 thành viên nhưng hiện giờ chỉ còn lại 32 người. Theo Nghệ nhân Hoắc Công Chờ thì hiện nay chỉ có duy nhất gia đình nhà nghệ nhân Vũ Thị Hường là còn tiếp nối được 3 thế hệ hát quan họ. Điều ông Chờ cũng như các thành viên trong CLB quan họ Trung Đồng trăn trở nhất hiện nay vẫn là đội ngũ kế cận. Hầu hết các thành viên CLB hiện giờ đã ngoài 50 tuổi, trong khi lớp trẻ thì hầu như không mặn mà gì với quan họ.
Chồi non quan họ của làng mới phát hiện đó là em Hoàng Đại Dương, 9 tuổi. Là liền anh nhỏ tuổi nhất, cũng là người duy nhất trong số thiếu niên theo học quan họ từ ngày đầu thành lập CLB, đến giờ, Dương thuộc, hát được khá thành thục mấy chục bài quan họ. Đó cũng là niềm hi vọng của CLB Trung Đồng. Năm 2010, Dương đã giành được giải Nhì tại Hội thi “Tự hào quan họ quê em” trại hè BAGICO lần thứ 2. “Là cháu của một liền chị, em mong có thể học thêm nhiều làn điệu và truyền lại cho những thế hệ sau để không phụ lòng mong mỏi của các ông bà đã dày công chỉ dạy”, Dương bộc bạch.
Nói về tương lai của ca trù, ông Chờ khẳng định sẽ làm hết sức mình bảo tồn và gìn giữ loại hình văn hóa, nghệ thuật này. Còn để phát triển quan họ, điều quan trọng nhất vẫn chính là sự chung tay, góp sức không chỉ của quần chúng Nhân dân mà quan trọng là những chính sách với loại hình văn hóa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. “Chỉ mong Nhà nước có chế độ trợ cấp cho các nghệ nhân quan họ trong làng Trung Đồng nói riêng và quan họ cả nước nói chung để họ tiếp tục dạy và phát triển loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn của nhân loại”.
Từ giã làng Trung Đồng, hi vọng với sự nhiệt thành, tâm huyết của những người con quê hương và sự quan tâm của các cấp, quan họ Trung Đồng sẽ được phục dựng như ngày xưa, để mãi xứng danh với câu ca lưu truyền trong vùng: Vẳng nghe tiếng hát Trung Đồng/ Phượng Hoàng cũng muốn sổ lồng mà ra/ Nữa là đôi lứa chúng ta/ Yêu nhau cái nết mặn mà vẫn duyên.