Làng nghề 100 năm làm tàu hũ ki
Đời sống 19/09/2023 09:29
Làng nghề tàu hũ ki xã Mỹ Hòa nằm cách TP Vĩnh Long gần 30km và cách TP Cần Thơ chưa tới 10km, rất dễ dàng cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất ra những miếng tàu hũ ki thơm ngon và hấp dẫn.
Làng nghề làm tàu hũ ki Mỹ Hòa hiện có hơn 50 hộ, với gần 200 lao động làm việc thường xuyên, trong đó 29 hộ đã vào hợp tác xã sản xuất.
Nguyên liệu để làm tàu hũ ki duy nhất là đậu nành. Ðể có được sản phẩm, đầu tiên, nước cốt đậu nành được cho vào gần đầy các chảo đun liên tục bằng củi, khi củi phía trên cháy hết cũng là lúc lớp than dày phía dưới cũng bén lửa, khi đó nước đậu sôi trên bề mặt nổi lớp bọt trắng xóa, người thợ dùng vợt để vớt hết bọt trên mặt chảo. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm tính toán sao cho khi lửa than cháy cũng là lúc vớt hết bọt đậu. Sau đó, dần dần trên mặt chảo sẽ nổi lên một lớp váng.
Bằng kinh nghiệm, người thợ dùng tay sờ nhẹ lớp váng, nếu không dính trên đầu ngón tay tức là tàu hũ đã chín. Người thợ dùng lưỡi dao nhỏ cắt đôi lớp váng rồi dùng que tre vớt lên phơi trên sào. Sào phơi là những cây tre chẻ đôi được xếp song song ngay trên miệng chảo, thông thường cứ khoảng 25 phút là vớt một lớp váng.
Hơi nước trên miệng chảo cùng độ nóng thoát ra từ các miệng lò sau 30 phút sẽ hun và sấy khô dần các miếng tàu hũ ki. Việc thao tác ở giàn phơi và trong không gian các lò được đun liên tục khiến người thợ chịu một sức nóng khá lớn. Phải quen nghề, họ mới có thể đứng lò suốt ca làm.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, ở Cơ sở sản xuất tàu hũ ki Thành Đạt cho biết, mỗi ca nấu tàu hũ ki mất khoảng từ 18-20 giờ, người thợ phải trực liên tục để canh lửa ổn định, canh thời điểm rạch vòng và rạch đúng chiều, miếng tàu hũ mới đẹp, không bị rách.
Lá tàu hũ khi lấy lên cũng phải tỉ mỉ, sau đó, tàu hũ ki được sang qua sào khác hong gió, nhưng tránh ánh nắng trực tiếp để cho dịu lại dễ xếp và đóng gói.
Đặc trưng của sản phẩm tàu hũ ki sản xuất tại xã Mỹ Hòa là sản phẩm có màu vàng óng, vị thơm, béo nhưng không ngậy dễ gây ngán, chất lượng khá nổi trội so với các các loại tàu hũ ki khác, có thể dùng cho người ăn chay, ăn mặn, đám tiệc, dùng làm tặng phẩm cho du khách.
Gần 100 năm tồn tại, từng trải qua nhiều thăng trầm nhưng làng nghề tàu hũ ki chưa bao giờ “tắt lửa”, bởi đây là sinh kế chính của người dân địa phương.
Nghề làm tàu hũ ki ở Mỹ Hòa tồn tại và phát triển nhờ sự trao truyền qua nhiều thế hệ, người trước dạy nghề, truyền kinh nghiệm cho người sau.
Ngoài các kĩ năng truyền thống, các thế hệ sau đã biết ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ở xã Mỹ Hòa có nhiều hộ gia đình có đến 2 - 3 thế hệ làm nghề. Nếu như trước kia, khi đốt lò bằng rơm, mỗi ngày một gia đình chỉ nấu chừng vài chảo đậu nành nguyên liệu, cung ứng ra thị trường khoảng chục kí tàu hũ ki thì đến nay, với sự hỗ trợ của máy móc thiết bị, mỗi ngày, một gia đình có thể nấu chừng 100 - 200 chảo, cung cấp ra thị trường hơn 120kg tàu hũ ki.
Năm 2013, làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hũ ki Mỹ Hòa - Bình Minh”. Năm 2017, tàu hũ ki Mỹ Hòa đạt giải thưởng Sản phẩm tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, sản phẩm làng nghề được tỉnh công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao; tháng 8/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận nghề làm tàu hũ ki là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống.