Lá thư của mẹ
Phóng sự 20/04/2021 18:49
Thế là tôi có đủ thông tin về gia đình ông, nhất là mẹ của ông. Cụ Hoàng Thị Lý, sinh năm 1930, là con thứ tư trong gia đình bảy người con, bố mẹ đều là công nhân hỏa xa (còn gọi là xe lửa hay tàu hỏa) ga Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc quận Long Biên, TP Hà Nội). Mười tám tuổi, cô gái Hoàng Thị Lý “lên xe hoa” về làm dâu gia đình anh bộ đội. Trong kháng chiến chống Pháp, cô cùng gia đình tản cư về và tham gia du kích tại xã Vạn An, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Hòa bình lập lại, cụ là xã viên HTX May mặc Tiến Bộ ở thị xã Bắc Ninh…
Cụ Hoàng Thị Lý |
Đất nước trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vô cùng gian nan khổ cực. Do nhiệm vụ, chồng vắng nhà triền miên, mình cụ tần tảo ngược xuôi, nhọc nhằn nuôi con 9 con khôn lớn, trưởng thành rồi lần lượt dựng vợ gả chồng. Đến nay, tính cả trai gái dâu rể thì cụ có cả thảy 8 người con đều đã tham gia quân đội, chắc tay súng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc bảo vệ Tổ quốc. Năm 2019, cụ tạ thế, hưởng thọ 90 tuổi.
...Chuẩn bị thăm lại chiến trường xưa |
Hiện các con của cụ đều đã lên ông lên bà. Ông Lương Ngọc Thủy, con trai của cụ năm nay cũng sáu bảy, sáu tám tuổi. Ông Thủy xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ năm 1974 khi đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Bách khoa, được biên chế vào Sư đoàn 968 Quân Tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào. Cuối năm 1974, Sư đoàn 968 từ Nam Lào trở về Tây Nguyên tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch mùa Xuân 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cuối năm 1977 ông Thủy ra quân, trở về tiếp tục học đại học, rồi về công tác tại tỉnh Hà Bắc.
Giọng trầm hẳn xuống, đôi mắt đượm buồn khi tôi gợi hỏi về mẹ. Ông bảo: Đã 2 năm mẹ tôi rời cõi tạm về với “thế giới người hiền”. Ngày tiễn tôi ra trận, mẹ cũng giống bao người mẹ tiễn con khác, xác định con đi chẳng dám hi vọng ngày về. Hôm ấy, tại ga Tiền Trung, tôi trong đoàn quân của Trung đoàn 568 Quân khu 3, từ trung tâm huấn luyện quân Mai Sưu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc (cũ) vượt dãy Yên Tử sang Hải Dương, tập trung ở ga Tiền Trung lên tàu hỏa đi vào miền Trung. Khi chúng tôi đến, đã có rất nhiều người thân của đồng đội chờ sẵn để tiễn con em mình ra mặt trận. Sân ga khá nhốn nháo những người mẹ, người vợ lưu luyến bịn rịn tiễn đưa bộ đội vào chiến trường đánh Mỹ. Mẹ lặng đi một hồi, ôm lấy tôi rồi dúi vào tay tôi lá thư viết vội…
Lá thư của mẹ Hoàng Thị Lý gửi con trai Lương Ngọc Thủy khi ra chiến trường |
Ông Thủy thận trọng lấy lá thư cũ đã nhàu nát vì thời gian, có vài chỗ rách, vuốt nhẹ rồi đưa cho tôi. Đôi mắt cựu chiến binh ngấn lệ, giọng ông nghẹn đi khi nhắc tới lời nhắn của mình với đồng đội ngày 20/1/1975, khi chuẩn bị xông pha chiến trận: “Các đồng chí, nếu tôi chết, hãy chuyển giúp lá thư này cho mẹ tôi…”, kèm theo dòng địa chỉ của mẹ ở quê hương Hà Bắc.
"Thủy con thân yêu!
Mẹ rất đau xót khi phải xa đứa con thân yêu của mẹ. Mẹ biết nói sao mẹ chỉ biết cầu mong và tin tưởng vào tương lai của con. Mẹ không muốn cản bước đi của con. Mẹ mong rằng mai đây trên con đường gian khổ con đang đi, con hãy can đảm gạt mọi riêng tư, luôn sáng suốt nhận định từng bước đi của mình, hãy bình tĩnh mà đi.
Thủy con ạ!
Mẹ luôn theo dõi từng bước chân con đi, dù mai đây nơi góc biển chân trời con hãy tin tưởng rằng luôn có con mắt dõi theo của mẹ. Mẹ cầu mong và tin tưởng rằng ngày gần đây con của mẹ hoàn thành nhiệm vụ trở về, con lại sẽ về gần mẹ, mẹ lại thấy con ngồi dưới mái trường thân yêu mà con hằng mơ ước.
Thủy con, mẹ biết phút chia li con sẽ rất đau buồn và lo lắng, nhưng con hãy can đảm lên cái gì nó phải qua ta hãy để cho nó qua, không nên bịn rịn. Hãy bình tĩnh mà đi, hãy tin tưởng vào tương lai. Mẹ mong chờ ngày trở về của con, mẹ sẽ trông thấy con trưởng thành vững chắc. Hãy nghe lời mẹ luôn giữ gìn sức khỏe, bình tĩnh cẩn thận từng bước đi của mình.
Con thân yêu! Tạm biệt con. Tranh thủ vài dòng mong con hiểu mẹ nhiều hơn.
Mẹ của con!".
Lời của con trai nhắn gửi đồng đội... |
Vẫn giọng trầm trầm pha chút nghèn nghẹn, ông Thủy tiếp lời: Bức thư như lá bùa hộ mệnh cho tôi suốt cuộc chiến giải phóng miền Nam, rồi lại cùng tôi trong những ngày lùng sục, truy quét Fulrô trên cao nguyên Trung Phần, cho tới những ngày tháng cuối năm 1977 đơn vị sang Lào lần thứ hai… Sau đó tôi trở về tiếp tục học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Biết bao biến động cuộc mưu sinh thời hậu chiến, không biết bức thư thất lạc chỗ nào… Tình cờ trước hôm giỗ hết của mẹ, vợ tôi run run cầm bức thư đã có phần nhàu nát sau gần nửa thế kỉ năm nằm đâu đó trong đống tài liệu cũ. "Có phải cái anh cần tìm đây không?". Tôi xúc động cầm lấy lá thư đã úa màu thời gian. Nước mắt nhạt nhòa… Những kỉ niệm cũ cứ ào ạt trở về từ miền kí ức… Bên mâm cơm cúng giỗ hôm nay có thêm “Bức thư của Mẹ”, một kỉ vật quý hiếm dâng lên mẹ…
Ông Lương Ngọc Thủy (tay cầm mũ tai bèo) cùng đồng đội thăm Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc |
Tôi hòa vào dòng cảm xúc của ông, cựu chiến binh đầu bạc Lương Ngọc Thủy. Và tôi tin rằng ở một nơi nào đó, mẹ của ông đang dõi theo, hẳn cụ rất tự hào về con trai của cụ đã trở về, học hành thành đạt và từng bước vững tin vào tương lai cho đến tận bây giờ…