Kì vọng về chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ
Quốc tế 15/07/2022 09:24
Với Israel, điểm dừng chân đầu tiên, ông Biden sẽ thảo luận về an ninh, thịnh vượng và cơ hội hội nhập ngày càng tăng với Trung Đông. Washington cũng đã xây dựng lại mối quan hệ với người Palestine, viện trợ khoảng 500 triệu USD. Đồng thời, phê duyệt khoản viện trợ quân sự trị giá trên 4 tỉ USD cho Israel vào tháng 5 vừa qua. Ông Biden gọi đây là gói hỗ trợ lớn nhất cho Israel trong lịch sử. Theo quan chức chính sách hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về Trung Đông, chuyến đi có thể đem đến những tuyên bố "thú vị" khi Mỹ đang nỗ lực mở rộng Hiệp định Abraham về việc bình thường hóa giữa Israel và các quốc gia Arab.
Trong điểm dừng chân thứ hai, Tổng thống Joe Biden sẽ gặp Tổng thống Palestine ở Bờ Tây để nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với giải pháp hai nhà nước. Các nhà quan sát dự báo ông Biden sẽ đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối trong thời gian dừng chân ở Ramallah.
Điểm dừng chân cuối cùng của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du Trung Đông là Jeddah, nơi tổ chức hội nghị GCC. Tổng thống sẽ cố gắng điều chỉnh lại mối quan hệ với Saudi Arabia trong bối cảnh có nhiều đồn đoán cho rằng mối quan hệ giữa các đồng minh của Mỹ đang rạn nứt sâu sắc.
Ông Joe Biden lên chuyên cơ đến Trung Đông ngày 12/7 |
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, Joe Biden lên án chính quyền Saudi Arabia liên quan vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.Truyền thông quốc tế thậm chí còn cho rằng, những bất đồng trở nên sâu sắc trong cuộc khủng hoảng Ukraine, khi các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ chối đề nghị của Tổng thống Biden về hỗ trợ nguồn cung dầu mỏ để kiểm soát giá dầu trong nước.
Bài báo của ông Joe Biden với tiêu đề: "Tại sao tôi lại đến Saudi Arabia", ghi nhận việc nhiều người không đồng ý với quyết định đến đó của ông. Tổng thống Mỹ lập luận rằng, mục đích của ông là định hướng lại (nhưng không phá vỡ) quan hệ với một quốc gia là đối tác chiến lược trong 80 năm. Ông tin rằng, hợp tác với các quốc gia như Saudi Arabia có thể giúp Washington đối trọng với Nga, cùng sự cạnh tranh của Trung Quốc. Ông khẳng định, mục đích của chuyến công du là nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai dựa trên lợi ích và trách nhiệm chung.
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ sẽ giải quyết các vấn đề năng lượng trong cuộc họp này. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan xác nhận, ông Biden sẽ thảo luận về an ninh năng lượng với ban lãnh đạo của các quốc gia thành viên Tổ chức OPEC khác, nhưng từ chối thảo luận về các chi tiết cụ thể. Ông cho biết, chính quyền Mỹ tin rằng cần phải có nguồn cung đầy đủ trên thị trường thế giới để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu nói chung và người tiêu dùng Mỹ nói riêng.
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden nhấn mạnh, ông sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên bay từ Israel đến Jeddah và gọi đây là một trong những các bước tiến tới bình thường hóa giữa Israel và thế giới Arab. Ông Biden lưu ý rằng, Trung Đông vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có chương trình hạt nhân của Iran, cuộc chiến ở Syria, an ninh lương thực, khủng bố, nhân quyền cùng bế tắc chính trị ở Iraq, Libya và Lebanon.
Về Iran, ông Biden cho biết, Washington sẽ gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế đối với Tehran để nối lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Khu vực Trung Đông đã trở nên hội nhập hơn và ít căng thẳng hơn trong thời gian ông bắt đầu cầm quyền. Ông khẳng định, sẽ tìm cách đạt được tiến bộ về những thách thức khác tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo trong khu vực...