Kỉ luật và tự do
Trong mắt người già 09/03/2020 09:07
Những ai từng được sống, rèn luyện trong môi trường quân đội chắc cũng ít nhất hơn một lần nghe người chính trị viên nhắc nhở câu nói trên của Makarenko. Khi họ trở thành một chiến sĩ kỉ luật thực thụ cũng là lúc hiểu sâu sắc nhất câu nói của nhà giáo dục này.
Hai khái niệm thoạt nghe tưởng như đối lập nhau nhưng lại đồng nhất, bởi thực chất những nội quy, quy định là công cụ giúp con người sống và hành động theo quy luật và có ý nghĩa.
Khi mỗi người biết tuân thủ những quy định chung của xã hội và có kỉ luật thì người đó sẽ chủ động trong mọi việc, nhận ra những việc cần làm, không nên làm. Nhận thức đúng và hành động đúng, chủ động trong cuộc sống - lúc đó ta sẽ nhận ra mình đang thực sự tự do.
Những ngày qua dư luận bức xúc với việc một số người tự cho mình quyền tự do bất tuân thủ các quy định phòng ngừa dịch Covid -19 trong khi dịch bệnh nguy hiểm này đang lan nhanh ra toàn thế giới.
Nhóm hàng chục du khách tại Đà Nẵng đến từ Daegu (Hàn Quốc), một trung tâm dịch Covid-19 nhưng lại không chấp nhận yêu cầu cách li. Tiếc rằng họ cho đó là bị đối xử không tốt, bị phân biệt, trong khi đây là quy định của Bộ Y tế với mọi công dân sở tại và người nước ngoài đến Việt Nam.
Một phụ nữ trẻ tự xưng mình “thông minh” vì đã thành công trong việc trốn kiểm tra an ninh để không bị cách li dù đến từ vùng dịch Daegu. “Sự thông minh” đã giúp cô này và cả gia đình cùng phải vào khu cách li phòng dịch trong 14 ngày.
Tại nhiều chung cư tại Hà Nội có cư dân của một số nước đang bùng phát dịch Covid-19. Khi được yêu cầu khai báo để ra soát, phòng ngừa cho cộng đồng, một số người cũng bất chấp quy định của ban quản lí, không hợp tác…
Pháp luật Việt Nam cũng như các nước, không phải để áp dụng riêng cho một ai. Người không tuân thủ luật pháp chính là đã tự đưa mình vào cảm giác mất tự do.
Nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ Stephen R. Covey đã nói “người vô kỉ luật sẽ chỉ là nô lệ cho cảm xúc… về lâu dài, người vô kỉ luật sẽ thiếu đi sự tự do mà bản thân có được vì tính bừa bãi”.
Khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” được lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhắc đến nay không còn là khẩu hiệu đơn thuần trước bối cảnh dịch bệnh đe dọa hàng triệu người. Thiên tai, dịch bệnh luôn được đặt ngang với trạng thái chiến tranh.
Trong chiến tranh, kỉ luật thời chiến luôn được đặt cao hơn bình thường đi đôi với hình thức xử phạt nặng hơn.
Nên chăng cơ quan quản lí sớm tham mưu cho Chính phủ có các quy định cụ thể, biện pháp xử lí cứng rắn tương tự “thời chiến” để duy trì kỉ luật xã hội, ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát.