Khung hình phạt của tội danh “Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”
Pháp luật - Bạn đọc 04/01/2024 08:36
Theo đó, ông Trịnh Văn Chiến bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Liên quan đến vụ án Hạc Thành Tower (vụ án khởi tố từ tháng 6/2022), đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố nhiều bị can, gồm: ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Cù Đình Hiền và Bùi Văn Nam (nguyên là Phó trưởng Phòng Kinh tế - Tài chính, thuộc Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa); Đinh Cẩm Vân, cựu Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa; Nguyễn Bá Hùng, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa…
Các bị can nêu trên bị khởi tố để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 BLHS.
Sai phạm của các bị can diễn ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phê duyệt tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước của Công ty Sông Mã (nay là Công ty CP Sông Mã) tại dự án Hạc Thành Tower.
Cơ quan tố tụng đọc quyết định khởi tố đối với ông Trịnh Văn Chiến. |
Dưới góc độ pháp lí, TS. luật Đặng Văn Cường cho biết, tội danh ông Trịnh Văn Chiến bị khởi tố là tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm vào trật tự quản lí kinh tế.
Theo đó, Điều 219 BLHS về tội “Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định: Người nào được giao quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lí, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lí kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Nếu phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỉ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.
Về cơ sở pháp lí, tội danh này áp dụng xử lí đối với người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lí sử dụng tài sản Nhà nước nhưng không tuân thủ quy định pháp luật về tiêu chuẩn định giá và các phương thức quản lí dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước, lãng phí tài sản của Nhà nước mà không đòi hỏi bắt buộc yếu tố vụ lợi, không có yếu tố chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ phạm tội có phải do yếu tố mối quan hệ riêng tư hay do vấn đề nhận thức, trình độ năng lực quản lí để làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, làm căn cứ xử lí cũng như để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho rằng, do đã nhận lợi ích từ doanh nghiệp mà bị can đã thực hiện sai pháp luật gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, có thể sẽ chuyển tội danh sang tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hoặc “Nhận hối lộ”.
Bởi, về nguyên tắc, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra có quyền thay đổi, bổ sung các quyết định tố tụng, trong đó có quyền thay đổi tội danh nếu như kết quả điều tra cho thấy hành vi có cấu thành tội danh khác với tội danh được khởi tố ban đầu.
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến các khách thể mà BLHS bảo vệ. Bởi vậy, để chứng minh tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh theo quy định của BLHS.