Không nên dùng từ “sanh/sinh thần”
Nhịp sống 04/04/2024 11:20
Nhưng vì sao “sinh thần” lại được dùng như “sinh nhật”? “Sinh thần” là âm Hán Việt của hai chữ 生辰 (sheng chén) trong tiếng Trung. Trong đó, “sinh” (trong từ “sinh sản”) chúng ta đều biết. Vậy còn “thần”? “Thần” còn có âm đọc khác là “thìn”. Âm “thìn” quen thuộc hơn với người Việt vì đây là tên thứ 5 trong 12 chi (thập nhị địa chi), như trong tên gọi năm âm lịch “Giáp Thìn”. Ngoài nghĩa trên, “thần/ thìn” còn mang nét nghĩa chỉ “ngày”, “giờ”. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng: “Ngày xưa lấy 12 chi ghi ngày, hết một hồi từ ngày Tí đến ngày Hợi gọi là thiếp thần, vì thế nên ngày và giờ đều gọi là thần”. Như vậy, “thần” cùng nghĩa với “nhật” và cả hai từ “sinh nhật”, “sinh thần” đều tương đương với cách gọi “ngày sinh” của tiếng Việt.
Trong tiếng Hán, còn một từ khác cũng chỉ “ngày sinh” là “đản”. Từ này cũng có mặt trong tiếng Việt, trong từ “Phật đản” (ngày sinh của Phật). Lễ giáng sinh của đạo Thiên Chúa người Trung Quốc gọi là “Thánh đản tiết” (lễ Chúa giáng sinh), “Gia đản tiết” (lễ Chúa Gia Tô [tức Chúa Giê-xu] giáng sinh).
Trở lại với “sinh thần”, hiện nay nhiều bạn trẻ đang “sính” dùng từ này. “Sinh thần” được dùng rất phổ biến trong ngôn ngữ mạng. Trên công cụ tìm kiếm Google, gõ từ khóa “sinh thần” sẽ cho ra khoảng 212.000.000 kết quả trong 0,56 giây (tại thời điểm 17 giờ 17 ngày 24/3/2024). Nhiều người ưa dùng “sinh thần” như một “mốt” thời thượng trong khi không thật sự hiểu tường tận về từ này.
“Sinh thần” là một từ ngoại lai hoàn toàn xa lạ với người Việt (chữ “thần” với nghĩa “ngày” hầu như không được dùng trong tiếng Việt hiện đại). Hơn nữa, đây là cách dùng do sự chịu ảnh hưởng một cách thụ động của giới trẻ Việt trước sức tác động lớn của phim ảnh, văn chương Trung Quốc hiện nay (chủ yếu bằng đường internet), nhất là các thể loại truyện ngôn tình (như xuyên không [nhân vật vượt giới hạn không, thời gian], đam mĩ [tình yêu đồng tính nam], bách hợp [tình yêu đồng tính nữ], hắc đạo [xã hội đen], cung đấu [đấu đá trong cung đình], huyền huyễn [có yếu tố phép thuật], võng du [nhân vật trong mối quan hệ song song giữa cuộc sống ảo trên mạng và đời thực]…). Không chỉ có “sinh thần”, nhiều từ xa lạ, đậm chất “ngôn tình” cũng đi vào lời ăn tiếng nói của giới trẻ bằng con đường này, như “nam thần”, “soái ca”,… Đây là hiện tượng rất đáng suy ngẫm hiện nay.
Thiết nghĩ, trong tiếng Việt, bên cạnh “sinh nhật”, ta còn có cách dùng gần gũi hơn là “ngày sinh” thì không việc gì lại đi dùng một cách vô tội vạ một từ ngoại lai lạ hoắc là “sinh thần”.