Không kì thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS
Đời sống 25/12/2021 09:51
Sự kì thị xuất phát từ tâm lí sợ bị lây nhiễm HIV, cho rằng HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh, HIV lây qua đường tình dục… Do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS, nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường, coi nhiễm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội…
Chính từ những nguyên nhân đó gây nhiều khó khăn cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bởi sự kì thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS thường giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Cán bộ y tế khó tiếp cận để tư vấn cho họ về kĩ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác. Người bệnh dễ rơi vào trạng thái bi quan. Khi bị kì thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV bị tách biệt, không được làm việc, không được chăm sóc và như vậy có thể chết sớm hơn. Ngành chức năng không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS và khó kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Không kì thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS |
Trong thời gian qua, công tác truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều biến chuyển tích cực. Chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, giải thích rõ những nguy cơ bị lây truyền và không để lây truyền HIV. Nhờ truyền thông, mọi người đã hiểu được nhiễm HIV/AIDS là một quá trình kéo dài, người nhiễm vẫn có khả năng làm việc, sinh sống bình thường nếu được điều trị và chăm sóc tốt. Qua đó, nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đã từng bước nâng lên, tạo sự cảm thông, chia sẻ, tiến tới xóa bỏ kì thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Số người nhiễm HIV tiếp cận với điều trị tăng, người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV được tiếp cận với tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV… Nhiều gương người nhiễm HIV vượt lên số phận, sống có ích cho xã hội, cộng đồng được biểu dương, giúp chống kì thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS.
Tuy những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đã đạt được nhiều thành công; số trường hợp mắc mới hằng năm, số chuyển sang AIDS, số tử vong đều giảm, nhưng tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn còn; sự kì thị với căn bệnh này trong cộng đồng và việc tử vong do HIV/AIDS vẫn xảy ra, tác hại của căn bệnh này vẫn còn đeo bám đối với xã hội, người dân.
Để đạt được mục tiêu kết thúc dịch HIV vào năm 2030, cần sớm tiến hành nhiều giải pháp một cách đồng bộ, mạnh mẽ với sự quyết tâm của cả cộng đồng; phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; tăng cường phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng phòng, chống lây nhiễm HIV, bảo đảm mọi người được tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; chăm sóc, hỗ trợ, điều trị HIV/AIDS, chống kì thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam cho thấy, kì thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân làm hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người bình thường.
Như vậy, có thể thấy rằng, các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kì thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát. Do vậy, chúng ta không nên kì thị và phân biệt, đối xử người nhiễm HIV/AIDS.