Khổ vì... rác!
Trong mắt người già 14/03/2023 10:37
Còn nhớ, cuối năm 2022, hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt của TP Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình “tập kết tạm” gần khu dân cư một thời gian dài khiến vị Chủ tịch UBND thành phố này thấy “rất đau đầu” và “rất xấu hổ”.
Không chỉ ở TP Hoà Bình mới có chuyện “đau đầu” vì rác mà nhiều nơi cũng có cảm xúc tương tự. Gần đây, tại khu vực đường gom dân sinh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) nhiều chỗ rác “đổ bộ” nhưng chậm được đưa đi xử lí. Rồi bãi rác thải xây dựng tự phát tại khu vực đường Nguyễn Xiển rộng hàng trăm mét vuông bị người dân đổ trộm.
Đường phố ngập chìm trong rác. Ảnh IT |
Một số quận, huyện như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Quốc Oai, Thanh Trì… cũng có nhiều bãi rác tự phát xuất hiện cạnh khu dân cư, có cái tồn tại hơn một năm nay nhưng không được thu gom, vận chuyển đi xử lí, gây mất mĩ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Bây giờ, các cụm từ "núi rác", "con đường rác", “núi lửa rác” thường xuyên xuất hiện trên mặt báo. Nhiều vùng quê rác đổ tràn khắp mặt đường, bờ ruộng, kênh mương. Vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng không được người dân thu gom đúng quy định mà vứt bừa bãi. Dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hai bên đường cũng có những “núi rác”. Đoạn qua huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương rác chất thành đống, có cả “núi lửa… rác” cháy suốt ngày đêm.
Chuyện ô nhiễm môi trường bắt đầu từ ý thức thiếu hiểu biết, không tự giác bảo vệ môi trường của người dân. Một bộ phận người dân xả rác sai quy định mà không mảy may tính đến việc ảnh hưởng sức khỏe. Đáng trách hơn, nhiều đối tượng đổ trộm rác thải rắn vào các con đường vào ban đêm, vắng người qua lại, thậm chí, đổ cả xuống sông. Ngoài ra, chuyện khổ vì rác cũng do một phần lỗi của lãnh đạo các cấp. Ở nơi nọ, có vị quan đứng đầu tỉnh còn có “sáng kiến” khoét núi để tập kết tạm rác thải. Còn ở Hà Nội trong quy hoạch có tới 17 khu xử lí rác, nhưng hiện chỉ có 3 nơi hoạt động. Huyện Đông Anh có một nhà máy xử lí rác xây dựng năm 2011, tổng mức đầu tư 768 tỉ đồng, lẽ ra hoạt động từ năm 2017 nhưng đến tháng 2/2023, vẫn… nằm im. TP Hoà Bình cũng có “Khu xử lí, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn” với dây chuyền hiện đại, công suất thiết kế lên tới 190 tấn/ngày. Tháng 4/2019 hoàn thành giai đoạn 1, đã xử lí được 34.000 tấn rác thải. Tuy nhiên, từ tháng 6/2020, nhà máy tạm dừng vận hành vì… không có điện và không có rác để xử lí vì đường bị “bít lối”.
Chuyện rác tuy nhỏ so với nhiều thứ khác nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người. Vì thế, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, cụ thể là không vứt rác bừa bãi, không ném rác xuống sông. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lí hành chính người vứt rác ra môi trường. Nhất là hành vi đổ trộm rác thải xây dựng xuống sông, ao hồ cần xử phạt thật nặng để răn đe. Đồng thời, các tỉnh, thành cần sớm có những khu xử lí rác hiện đại nhằm tận dụng sản phẩm sau xử lí như điện, phân bón để phục vụ lại cuộc sống con người.