Khát vọng an cư của người dân vùng khó
Xã hội 21/10/2024 18:16
Sống bên miệng ‘tử thần’
Tròn một tháng kể từ khi chính quyền địa phương ban bố lệnh sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, 38 hộ dân với 166 nhân khẩu thuộc bản Muỗng, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn được các lực lượng chức năng bố trí lán tạm tại bản Mòn để sinh sống. Tranh thủ những ngày thời tiết nắng ráo, nhiều hộ gia đình đã ra ruộng nương canh tác, trẻ nhỏ cũng trở lại trường học tìm chữ, nuôi khát vọng xây dựng tương lai.
Khu lán tạm của người dân bản Muỗng, xã Trung Xuân |
Dẫn chúng tôi trở lại bản Muỗng, ánh mắt ông Hà Văn Niêm (60 tuổi, Trưởng bản) như thất thần khi nhìn về phía những nóc nhà nguội ngắt, nằm im lìm giữa đại ngàn. Trên nền nhà, những vết nứt cũ, mới chằng chịt kéo dài hàng mét. Thậm chí, nhiều khe nứt mở rộng, ăn sâu xuống lòng đất làm vỡ tung nền xi măng. Giá như không xuất hiện các vết nứt ngang dọc chạy khắp quả đồi, có lẽ cuộc sống của người dân nơi đây vẫn không có gì đổi thay.
Ông Niêm kể, đây không phải là lần đầu bản Muỗng xuất hiện các vết nứt và sụt lún. Từ những năm 1979, khu vực này đã từng xuất hiện vết nứt nhưng chỉ tập trung ở trên núi với các khe nứt nhỏ. Đến năm 1982 cũng xuất hiện các vết nứt tương tự nên người dân trong bản không quá lo lắng.
Những nóc nhà im lìm giữa đại ngàn ở bản Muỗng, kể từ sau khi có lệnh sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. |
Từ đó đến nay, gần như năm nào cũng xuất hiện các khe nứt nhỏ không đáng kể. Cho đến lần này, khi vết nứt cũ ngày càng rộng ra, các vết nứt mới xuất hiện ở khắp các hộ dân khiến ai cũng lo lắng và sợ hãi.
Thấy sự việc nguy cấp, ông Niêm vội báo cáo lên chính quyền địa phương, đồng thời chuẩn bị phương án sơ tán đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con, nhất là người già và trẻ nhỏ.
“Sau khi tập hợp đội phản ứng nhanh, tôi dự định tập trung tất cả người già và trẻ nhỏ về nhà văn hóa, phòng khi tình xuống xấu xảy ra có thể kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn”, ông Niêm kể.
Ông Hà Văn Niêm, Trưởng bản Muỗng, xã Trung Xuân. |
Dự trù phương án sẵn trong đầu, ông Niêm tính sẽ đề xuất với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, chưa kịp báo cáo thì chiều 22/9, chính quyền đã xuống thông báo lệnh sơ tán bà con ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhờ vậy, tất cả các hộ gia đình trong bản đều được an toàn.
Tiếp lời trưởng bản Hà Văn Niêm, ông Đinh Công Báo, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Xuân cho biết: Đối với những thôn, bản có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão như bản Muỗng, chính quyền địa phương luôn bố trí lực lượng tại chỗ để bám nắm tình hình, sớm có phương án kịp thời trong tình huống nguy cấp.
“Chiều 22/9, sau khi có lệnh sơ tán, chúng tôi tập trung bố trí lực lượng đưa người dân về nhà văn hóa bản Mòn, ưu tiên người già và trẻ nhỏ. Đồng thời, phối hợp với người dân dựng lán cho bà con ở tạm. Công việc được gấp rút hoàn thành chỉ trong vài ngày”, ông Báo thông tin.
Nền nhà bị nổ tung, nhiều khe nứt sâu chằng chịt. |
Theo Phó Chủ tịch xã Đinh Công Báo, bản Muỗng hiện có 10 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo. Đến nay, có 17 hộ gia đình trong bản đã xây nhà ở kiên cố, một số hộ gia đình chỉ vừa hoàn thành công trình được ít ngày trước khi có lệnh sơ tán.
“Phương án trước mắt là dựng lán cho bà con ở tạm, kêu gọi mạnh thường quân chung tay hỗ trợ, còn về lâu dài vẫn trông chờ các cấp sớm có phương án xây khu tái định cư cho người dân ổn định cuộc sống”, ông Báo chia sẻ.
Mong chờ tái định cư
Ngồi thất thần bên căn nhà chỉ vừa hoàn thành được ít ngày trước khi có lệnh sơ tán, bà Hà Thị Văn không thể cầm được nước mắt. “Tiếc lắm, gom góp dành dụm bao nhiêu năm xây được căn nhà nhưng giờ không ở được, biết phải làm sao. Nếu vẫn bám víu ở trên này thì sợ hãi lắm!”, bà Văn nghẹn ngào, đôi bàn tay gân guốc lau vội dòng nước mắt.
Bà Hà Thị Văn, bản Muỗng nghẹn ngào bên ngôi nhà vừa hoàn thành nhưng không thể ở. |
Theo lời kể, gia đình bà Văn thuộc hộ nghèo tại địa phương, được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở nên bà quyết định vay mượn thêm ngân hàng để hiện thực hóa “ước mơ”. Tuy nhiên, nhà xây xong chưa kịp ở thì phải di dời do nguy cơ xảy ra sạt lở đồi.
Ngoài bản Muỗng, xã Trung Xuân, toàn bộ 55 hộ dân với 220 nhân khẩu ở bản Cha Khót, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn) cũng phải sơ tán khi quả đồi xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài từ đầu bản đến cuối bản. Nhiều vết nứt rộng từ 50-70cm, có vị trí tụt sâu đến 2m, nguy cơ sạt trượt đe dọa tính mạng của bà con trong bản.
Ông Lương Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết, bản Cha Khót là bản đặc biệt khó khăn, với 100% là đồng bào người dân tộc Thái. Khi có lệnh sơ tán, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dựng lán ở tạm, cách bản chừng 1km. “Mong muốn lớn nhất của bà con trong bản là được Nhà nước quan tâm sớm xây khi tái định cư để an tâm sinh sống và lao động sản xuất”, ông Huân nói.
Tình trạng nứt đồi ở bản Cha Khót, xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa). |
Trước đó, UBND huyện Quan Sơn đã có Tờ trình 161 và 162 về việc đề nghị ban bố tình huống khẩn cấp và Lệnh xây dựng khẩn cấp khu tái định cư tập trung cho các hộ dân tại bản Cha Khót (xã Na Mèo) và bản Muỗng (xã Trung Xuân). Theo nội dung Tờ trình, đối với bản Cha Khót, UBND huyện Quan Sơn đề xuất xây khu tái định cư tập trung với tổng kinh phí hơn 47 tỷ đồng, bao gồm: San lấp mặt bằng; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân khu tái định cư (đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp thoát nước, nhà văn hóa, sân thể dục thể thao,...
Đối với khu Muỗng (xã Trung Xuân), UBND huyện Quan Sơn đề nghị bố trí xây khu tái định cư đảm bảo an toàn tính mạng cho 38 hộ gia đình tại bản Muỗng; 3 hộ dân ở bản Mòn, 1 hộ ở bản Phụn, 1 hộ ở bản Cạn (xã Trung Xuân). Tổng kinh phí thực hiện công trình khoảng trên 38 tỷ đồng, bao gồm: Giải phóng, san lấp mặt bằng; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân khu tái định cư (đường giao thông, đường điện, hệ thống cấp thoát nước, nhà văn hóa, sân thể dục thể thao,...).
Ngày 4/10, UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tại bản Cha Khót, xã Na Mèo và sụt lún đất, nứt khu dân cư bản Muỗng, xã Trung Xuân.