Khắc sâu, ghi đậm truyền thống vẻ vang của người cao tuổi
TW hội 26/05/2021 13:24
Ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam:
Ông Ngô Trọng Vịnh |
“Tám mươi năm một chặng đường khắc sâu, ghi đậm truyền thống vẻ vang của người cao tuổi Việt Nam, đóng góp quan trọng, thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận; vị trí, vai trò của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi ngày càng nâng lên. Để vinh danh, động viên các thế hệ người cao tuổi Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã trao tặng những phần thưởng cao quý: Bức trướng thêu 18 chữ vàng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Huân chương Sao vàng cho các thế hệ người cao tuổi Việt Nam; Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Người cao tuổi Việt Nam… Đây là vinh dự, tự hào; là nguồn cổ vũ, động lực to lớn để người cao tuổi và Hội các cấp tiếp tục phát huy kinh nghiệm, trí tuệ, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Người cao tuổi luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm (Điều 6 Luật Người cao tuổi ghi rõ: “Ngày 6/6 hằng năm là Ngày Người cao tuổi Việt Nam”; ngày 26/5/2006 Chính phủ ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg, lấy ngày 6/6 hằng năm là Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam). Ngày 10/5/1995 là ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Phát huy mạnh mẽ tinh thần Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, Hội Người cao tuổi các cấp đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, thực hiện tốt các nhiệm vụ: Xây dựng, củng cố tổ chức Hội, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; thực hiện 2 chương trình công tác lớn (xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh); 2 chương trình Chính phủ giao (Tháng hành động vì người cao tuổi, nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau). Đặc biệt, tập trung thực hiện nhiệm vụ 2021, tổ chức gặp mặt và kỉ niệm Ngày truyền thống người cao tuổi, đại hội và hội nghị tổng kết nhiệm kì Hội Người cao tuổi các cấp tiến tới Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam. Đẩy mạnh xã hội hóa phong trào “Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi”; tổ chức các hoạt động chúc thọ, mừng thọ; vận động gia đình, con cháu và cộng đồng dân cư thăm hỏi, động viên, giúp đỡ người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”.
Ông Nguyễn Thành Phiên, Phó Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Sơn La:
Ông Nguyễn Thành Phiên |
“Cảm nghĩ của cá nhân tôi và có lẽ cũng là của đông đảo người Việt Nam yêu nước về truyền thống người cao tuổi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đó là niềm tự hào và nguồn cảm hứng vô tận. Truyền thống vẻ vang của người cao tuổi Việt Nam luôn gắn liền với truyền thống bốn ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng, oanh liệt của dân tộc.
Trải qua quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc cũng như cải tạo và chinh phục tự nhiên, dựng xây đất nước, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, người cao tuổi đều phát huy cao độ vai trò “cây cao, bóng cả”, truyền dạy cho thế hệ sau về truyền thống bất khuất kiên cường; chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng; về độc lập dân tộc, văn hiến, phong tục tập quán, nhân nghĩa, trọng dụng hiền tài…
Nhằm tiếp tục quan tâm chăm lo hơn nữa đối với người cao tuổi, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch/chiến lược quốc gia về người cao tuổi, thiết thực chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho người cao tuổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bối cảnh già hóa dân số cũng như thực trạng đời sống của người cao tuổi”.
Bà Bùi Thị Hương, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Điện Biên:
Bà Bùi Thị Hương |
“Mỗi chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử hào hùng của dân tộc ta, một dân tộc nhỏ bé nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, đã chiến đấu và chiến thắng tất cả bè lũ đế quốc xâm lược. Người cao tuổi Việt Nam với bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng, có công lao đóng góp xây dựng đất nước, là trụ cột trong gia đình và xã hội, là nguồn lực nội sinh quý giá của dân tộc. Chúng ta trân trọng, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực ấy.
Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xu thế già hóa dân số, đánh giá cao vai trò, vị thế của người cao tuổi. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm sóc ngày càng tốt hơn; phát huy những tiềm năng, kinh nghiệm quý báu của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi; từng bước góp phần tạo dựng hệ thống chính sách cho người cao tuổi mà đỉnh cao là Luật Người cao tuổi; xác định mục tiêu người cao tuổi là sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Hội người cao tuổi là thành viên của MTTQ các cấp, 3 mặt hoạt động trọng tâm của Hội, các phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” đã góp phần không nhỏ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Ông Nguyễn Viết Châm, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai:
Ông Nguyễn Viết Châm |
“Trong gia đình, mặc dù tuổi đã cao, trí tuệ và sức khỏe giảm sút nhưng người cao tuổi luôn là “cây cao bóng cả”, là nguồn lực nội sinh quý giá. Đối với xã hội, người cao tuổi có bề dày kinh nghiệm, có kĩ năng trong nhiều phương diện, lĩnh vực, tiếng nói và việc làm của người cao tuổi luôn được trân trọng, góp sức cho sự phát triển của gia đình, địa phương và đất nước.
Để chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, theo tôi Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn xã hội cần tiếp tục xác định đúng vị thế, vai trò của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi (đặc biệt đối với cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị địa phương) để có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp nhằm chăm sóc người cao tuổi ngày càng tốt hơn, đặc biệt là những người già yếu, người cao tuổi đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, gia đình và người dân về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Cùng với đó, cần vận động xã hội hóa để có thêm nguồn lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi. Các chính sách an sinh cần kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, góp phần để người cao tuổi sống vui, khỏe, hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Thái Bình:
Bà Nguyễn Thị Hoa |
“Trong những ngày tháng Năm lịch sử, cùng với cử tri và nhân dân cả nước hướng về kỉ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021 - 2026. Đây là dịp để chúng ta có cơ hội được đọc lại, nghe lại những lời hiệu triệu thiết tha, những lời động viên khích lệ và niềm tin tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho lớp người cao tuổi. Trong suốt bề dày lịch sử, người cao tuổi luôn giữ vị trí trọng yếu, hiển nhiên trong sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Truyền thống quý báu của người cao tuổi là động lực, cơ sở để các cấp Hội tiếp tục phát động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”, tham gia đẩy lùi dịch bệnh Covid, sớm ổn định đời sống, sản xuất.
Thái Bình có tỉ lệ người cao tuổi rất cao, chiếm 18,7% dân số; trong đó, nhiều người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, không có thu nhập, không có tích lũy… rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Vì vậy, để đẩy mạnh chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, người cao tuổi Thái Bình mong muốn Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi, Quyết định 544/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”; Quyết định 1579/QĐ-TTg về “Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn đến năm 2030”; hỗ trợ hoạt động của Hội; có cơ chế chính sách động viên đội ngũ cán bộ Hội để người cao tuổi được khẳng định bản thân, làm nòng cốt trong chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ông Nguyễn Đình Luận, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh:
Ông Nguyễn Đình Luận |
“Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ người cao tuổi đã không quản hi sinh cống hiến và ngày nay đang tiếp tục phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Ở mỗi cơ sở có hàng trăm cụ đang tham gia công tác xã hội; 65% người cao tuổi trực tiếp làm kinh tế, trang trại, doanh nghiệp, tham gia bảo vệ an ninh, trật tự thôn xóm, khu dân cư, tổ hòa giải; tích cực xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Rất nhiều người cao tuổi là hạt nhân trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”; là chỗ dựa tinh thần cho gia đình và cộng đồng dân cư, lực lượng không thể thiếu bên cạnh cấp ủy chính quyền địa phương để lãnh đạo phong trào.
Những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách nâng cao đời sống vật chất tinh thần đối với người dân và người cao tuổi. Song một bộ phận Nhân dân trong đó có người cao tuổi còn hết sức khó khăn, vẫn phải mưu sinh kiếm sống, chưa có điều kiện chăm sóc sức khỏe bản thân. Cá biệt có người cao tuổi còn bị ngược đãi, không được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Hội Người cao tuổi đề nghị cấp ủy, chính quyền, các cấp các ngành, MTTQ các đoàn thể chính trị xã hội, các tầng lớp Nhân dân tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chính sách chăm sóc người cao tuổi mà Đảng và Nhà nước ta đã ban hành, đảm bảo người cao tuổi được sống vui, khỏe, hạnh phúc; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân vượt qua mọi khó khăn thử thách. Tất cả vì độc lập dân tộc, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”.
Ông Đặng Văn Quế, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai:
Ông Đặng Văn Quế |
“Từ khi thành lập, Hội Người cao tuổi huyện Mang Yang đã có những hoạt động thiết thực, hiệu quả, được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, phát triển sâu rộng phong trào “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; phát động cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”; chính quyền phối hợp vận động quyên góp trong nhân dân, các tổ chức và nhà hảo tâm thăm và tặng quà người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, cô đơn, tàn tật; xây dựng Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”; triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng nếp sống văn hóa… Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các địa phương ra sức giúp đỡ người cao tuổi, động viên và giúp người cao tuổi về tổ chức, sinh hoạt, rèn luyện, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và đảm bảo cuộc sống.
Tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Hội Người cao tuổi huyện đã tạm dừng hoạt động các CLB sức khỏe, văn nghệ, dưỡng sinh, tập luyện thể thao. Vận động con cháu, bà con lối xóm chấp hành khuyến cáo thực hiện 5K của ngành Y tế. Cùng với hệ thống chính trị cơ sở kịp thời phát hiện người địa phương mình đi từ vùng dịch về hoặc người từ vùng dịch đến địa phương để hướng dẫn cách li y tế theo quy định. Thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe của người cao tuổi, phát hiện bất thường báo ngay với cơ quan chức năng để kịp thời xử lí”.
Ông Lê Quang Hân, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Kiên Giang:
Ông Lê Quang Hân |
Quá trình lịch sử của dân tộc Việt Nam đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước đều gắn liền với lớp người cao tuổi như: Hội nghị Diên hồng các bô lão quyết chiến đấu bảo vệ đất nước; thời đại Hồ Chí Minh khi tổ chức các đoàn thể ra đời thì ở Pác Bó Bác Hồ cũng kêu gọi thành lập tổ chức Phụ lão cứu quốc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bác Hồ đã ra lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc để giành lấy độc lập tự do, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận công lao to lớn của lớp người cao tuổi.
Phát huy truyền thống vẻ vang, người cao tuổi Việt Nam nói chung và người cao tuổi tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát huy vai trò, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trên lĩnh vực kinh tế, có hàng nghìn doanh nghiệp, chủ trang trại sản xuất, kinh doanh và hàng chục ngàn người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Hàng vạn người cao tuổi tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội. Người cao tuổi còn tích cực tham gia các chương trình liên tịch, phối hợp, chương trình bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; bảo vệ an ninh, trật tự xã hội; bảo vệ biên giới, biển đảo… Người cao tuổi tỉnh hiến 100.000m2 đất, trên 3.000 ngày công, ủng hộ hàng tỉ đồng xây dựng nông thôn mới.
Hiện các cấp Hội Người cao tuổi trong tỉnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh; nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Phát huy vai trò giám sát của Hội, cùng với Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể, Ban lãnh đạo ấp, khu phố kịp thời phát hiện sớm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Người cao tuổi tại các địa bàn có biên giới tiếp giáp với nước bạn, giám sát, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở, đường biển”...
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Tiền Giang:
Ông Nguyễn Ngọc Minh |
“Tại tỉnh Tiền Giang, công tác chuẩn bị cho Lễ kỉ niệm 80 năm Ngày Người cao tuổi Việt Nam tiến hành rất sớm. Đến nay, tất cả các chương trình kế hoạch đều đã sẵn sàng. Hội Người cao tuổi tỉnh đã báo cáo và được UBND tỉnh đồng ý tổ chức gặp mặt trang trọng, chu đáo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và yêu cầu phòng chống dịch của Chính phủ nên việc gặp mặt tạm thời lùi lại vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về người cao tuổi và trách nhiệm chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
Hội Người cao tuổi tỉnh làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, chỉ đạo ngành dọc tập trung tuyên truyền trực quan thông qua hệ thống pano, áp phích, các khẩu hiệu treo ở khu vực công cộng, công sở… Hội còn phối hợp với Báo Tiền Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các địa phương xây dựng chuyên trang, chuyên mục, các phóng sự về lịch sử truyền thống 80 năm của người cao tuổi; hoạt động của các cấp Hội Người cao tuổi và phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao - Gương sáng" trên địa bàn. Phối hợp với Đài Truyền hình tỉnh làm chương trình truyền hình trực tiếp, mời lãnh đạo Hội Người cao tuổi và các đơn vị liên quan cấp tỉnh tham gia giới thiệu và trả lời các câu hỏi về Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (6/6)”…