Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người cao tuổi
Hoạt động hội 09/08/2024 17:36
TS Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam chủ trì Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Phan Văn Hùng nhấn mạnh: Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu về thực trạng việc làm của NCT, những rào cản thách thức hiện nay của NCT trên thị trường lao động và các giải pháp thúc đẩy việc làm cho NCT trong bối cảnh già hóa dân số tại Việt Nam. Nước ta có hơn 16 triệu NCT, trong đó, rất nhiều người còn sức khỏe, có kinh nghiệm, kiến thức, chuyên môn. Như vậy, lao động, việc làm đối với NCT vừa là nhu cầu, đồng thời cũng phù hợp với khả năng, trình độ của NCT.
Hiện nay, số NCT không có lương hưu chiếm 2/3, thu nhập thấp hoặc không có thu nhập thường xuyên, chưa được hưởng trợ cấp. Do đó, lao động việc làm trở nên cần thiết đối với NCT để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, việc có chính sách phù hợp, khả thi tạo việc làm cho NCT không những đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng cá nhân của NCT, còn góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Giải quyết được vấn đề việc làm cho NCT sẽ giúp khai thác, sử dụng có hiệu quả sức lao động, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của NCT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TS. Đinh Hữu Phí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NCT Việt Nam |
Hơn nữa, NCT tham gia ngày càng đông đảo vào đội ngũ người lao động trong xã hội với rất nhiều ngành nghề, công việc khác nhau. Hiện nay, cả nước có hơn 7 triệu NCT tham gia các hoạt động phát triển kinh tế. Điều này đã và đang làm phát sinh các quan hệ xung quanh vấn đề lao động, việc làm của NCT, đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách điều chỉnh cần được luật hóa đối với NCT.
Mặt khác, trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), vấn đề việc làm cho NCT hiện mới chỉ quy định trong một Điều là chưa phù hợp trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam tăng nhanh, nhu cầu và khả năng lao động của NCT ngày càng nhiều, có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề, công việc khác nhau; đồng thời cũng mất cân đối so với một số đối tượng khác (như lao động ở nông thôn, thanh niên, lao động đi làm việc ở nước ngoài…).
Bà Hà Thị Minh Tâm, Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra phát biểu tại Hội thảo |
Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Duy Hy, Trưởng BĐD Hội NCT tỉnh Hưng Yên cho rằng: “Việc xây dựng những quy định pháp luật phù hợp, khả thi và có hiệu quả, với dung lượng tương xứng trong chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho NCT, một mặt tạo điều kiện chăm lo cho NCT có điều kiện sống tốt hơn; mặt khác chính là huy động, sử dụng khả năng, nguồn lực rất lớn về mọi mặt (sức khỏe, kinh nghiệm, trình độ, chuyên môn…) của NCT trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước…”.
Ông Nguyễn Thế Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Trưởng ban BĐD Hội NCT TP Hà Nội; ông Vũ Bá Đồng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh Bắc Ninh cho rằng, cần phải đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, cấp chứng chỉ kĩ năng nghề quốc gia; hỗ trợ tư vấn việc làm, chính sách, pháp luật về lao động. Giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động; cho vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh tuyển dụng, sử dụng lao động là NCT phù hợp với nhu cầu, sức khỏe, khả năng; đặc biệt ưu tiên, tạo điều kiện cho các tổ chức sử dụng nhiều lao động là NCT. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan xem xét nghiên cứu đề xuất của Hội NCT Việt Nam về bổ sung đưa Mục chính sách hỗ trợ việc làm NCT vào Luật Việc làm (sửa đổi).
Các đại biểu phát biểu ý tại Hội thảo |
Kết luận Hội thảo, TS Phan Văn Hùng đánh giá cao báo cáo của nhóm nghiên cứu, những ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo và mong muốn nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để rà soát, hoàn thiện lại báo cáo làm tài liệu tham khảo quý giá cho các bên liên quan, đồng thời làm nền tảng cho các báo cáo tiếp theo trong thời gian tới.