Trong số đó, Iran đã đưa ra điều kiện các ngân hàng châu Âu phải bảo đảm giao dịch với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này đã ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - và Đức) năm 2015.
|
Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Đại giáo chủ Ali Khamenei đặt điều kiện các nước lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU) phải bảo vệ các giao dịch dầu mỏ với Iran trước các áp lực từ Mỹ cũng như tiếp tục mua dầu thô của Iran.
Ngoài ra, những nước này cũng phải cam kết không xúc tiến các cuộc đàm phán mới về chương trình tên lửa đạn đạo cũng như các hoạt động của Iran tại khu vực Trung Đông.
Ngoài việc cho rằng các ngân hàng châu Âu nên bảo vệ hoạt động thương mại với Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei nhấn mạnh Iran không muốn bắt đầu một cuộc chiến với 3 cường quốc châu Âu là Pháp, Anh và Đức, nhưng sự tin tưởng cũng không còn.
Ông nêu rõ: "Châu Âu nên bảo đảm đầy đủ việc mua dầu của Iran, phòng trường hợp Mỹ có thể ngăn chặn việc Iran bán dầu... EU nên chuẩn bị cho điều đó và mua dầu của Iran."
Theo Đại giáo chủ Khamenei, trong nhiều năm qua, châu Âu đã không phản đối việc Mỹ liên tục vi phạm JCPOA và để tiếp tục hợp tác với châu Âu về thỏa thuận này, châu Âu phải lên án việc Mỹ rút khỏi JCPOA, là vi phạm nghị quyết 2231 của Liên hợp quốc, thậm chí các nước châu Âu nên đề xuất một nghị quyết chống Mỹ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và phản đối Washington rút khỏi JCPOA. Bên cạnh đó, EU nên ủng hộ Iran chống lại các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Ông Khamenei cảnh báo rằng Iran vẫn duy trì quyền nối lại các hoạt động hạt nhân trong trường hợp các cuộc đàm phán sắp tới với châu Âu liên quan đến JCPOA đổ vỡ.
Liên quan đến JCPOA, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng Mỹ và các nước châu Âu vẫn còn nhiều khác biệt để có thể đạt được một cam kết về thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Washington tuyên bố rút khỏi văn bản này hôm 9/5.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Maas khẳng định: "Chúng ta vẫn quá khác biệt về quan điểm để có thể đạt được một cam kết."
Ông cũng nêu bật "sự đoàn kết lớn" trong nhóm các nước châu Âu đã tham gia ký JCPOA cũng như việc EU tiếp tục thực thi thỏa thuận này trong quá trình đàm phán với Tehran về một thỏa thuận mở rộng.
Về phần mình, quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cảnh báo Iran có thể phải nhận những lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất trong lịch sử nếu không chấp nhận những điều khoản với những quy định ngặt nghèo hơn, trong đó có việc chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo và can thiệp và các cuộc xung đột tại Yemen và Syria.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn báo giới tại thủ đô Washington (Mỹ), Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định các nước châu Âu sẽ vẫn quyết tâm duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, bất chấp việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Maas cho biết đã giải thích về quan điểm của Đức và châu Âu trong một cuộc thảo luận thẳng thắn nhưng mang tính xây dựng với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton với những lập luận rằng quan trọng là cần phải tránh mọi khả năng Iran nối lại các hoạt động hạt nhân.
Ông nhấn mạnh châu Âu sẽ giữ vững quan điểm của mình đối với thỏa thuận hạt nhân Iran./.
VIETNAM+