Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển kinh tế tạo nguồn lực để xây dựng nông thôn mới
Kinh tế 21/05/2020 09:14
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2019, gắn với công tác chỉ đạo, điều hành, công tác tuyên truyền, vận động, việc thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân và có nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng NTM.
Bà Nguyễn Thị Liên Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hậu Lộc nhận định: “Với những cách làm hay và cụ thể Hậu Lộc đã nhanh chóng đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong sản xuất nông nghiệp huyện đã thực hiện áp dụng khoa học công nghệ về kỹ thuật, đồng thời chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng. Điển hình là lựa chọn được bộ giống có năng suất, chất lượng, cây lúa liên tục 10 năm liền được mùa, sản lượng đạt trên 70.000 tấn. Hình thành vùng rau an toàn ở xã Phú Lộc, Liên Lộc, Thịnh Lộc, Quang Lộc và Thị trấn với diện tích 18 ha, hơn 36.000 m2 nhà lưới. Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Ớt xuất khẩu, ngô ngọt, dưa các loại, hành lá, khoai tây, cải bó xôi. Giá trị thu nhập của các loại cây trồng theo chuỗi liên kết sản xuất đạt bình quân từ 170-180 triệu đồng/ha/vụ thu hoạch, cao hơn so với các loại cây trồng không có chuỗi liên kết sản xuất từ 40-50 triệu đồng/ha/vụ thu hoạch. Cả năm bình quân 300-500 triệu đồng/ha, cá biệt có diện tích đất chuyên mầu cơ cấu 4 vụ thu nhập đến 800-900 triệu đồng/ha”.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc (đứng thứ 2 bân phải sang) cùng đoàn công tác thăm mô hình lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện |
Đến nay, toàn huyện có tổng số 105 trang trại đạt tiêu chí theo thông tư 27 của Bộ NN&PTNT, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2011, trong đó có 101 trang trại chăn nuôi, 4 trang trại thủy sản và tổng hợp, các trang trại chủ yếu tập trung ở các xã Hưng Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc và Tuy Lộc. Tổng thu nhập bình quân hàng năm của mô hình này ước đạt từ 200- 2.000 triệu đồng/hộ.
Trong phát triển thủy sản huyện đã chuyển một số mô hình nuôi tôm sú quảng canh, đất muối kém hiệu quả sang nuôi tôm he chân trắng công nghiệp, đem lại lợi nhuận cao, đạt hàng tỷ đồng/ha/lứa thu hoạch. Tàu khai thác đến nay có 857 tàu, đặc biệt năm 2016 - 2018 đóng mới được 15 tàu có công suất trên 800CV góp phần lớn để nâng cao hiệu quả và sản lượng khai thác. Sản lượng thủy sản trong 10 năm đạt trên 319,7 tấn, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015, bình quân sản lượng tăng trên 61% so với năm 2011, mỗi năm bình quân đạt trên 35.500 tấn.
Mô hình nhân giống lạc mới trên địa bàn huyệ Hậu Lộc |
Huyện đã tập trung thực hiện Đề án phát triển tiểu thủ công nghiệp, tập trung các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp, nhằm phát triển kinh tế – xã hội chung của huyện. Đến tháng 6/2019, toàn huyện có 342 doanh nghiệp, có 6 làng nghề, có 4 nhà máy may lớn gồm: nhà máy may IVORY, nhà máy may BTM Hoa Lộc, nhà máy may Ni Hoa Việt, nhà máy may tại Đại Lộc, tăng 2 nhà máy may so với năm 2015, số doanh nghiệp tăng gấp 2 lần so với năm 2015, gấp 4 lần so với năm 2011. Đồng thời, ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển như: làng nghề truyền thống cơ khí nhỏ tại Tiến Lộc, Nấu rượu gạo Chine, nghề mộc Minh Lộc, nghề đóng thuyền ở Hòa Lộc, nghề làm muối ở Hải Lộc, Hòa Lộc,….
Mô hình trồng cà chua chất lượng cao ở xã Liên Lộc |
Từ 2011 đến năm 2019, huyện đã tổ chức 315 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, đưa cơ giới hóa trong sản xuất; hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất mới cho nông dân; đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y cơ sở, cán bộ quản lý HTX Dịch vụ nông nghiệp, các chủ trang trại, gia trại; Nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được chuyển giao, ứng dụng góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng,vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Trong những năm qua việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM, góp phần tích cực trong việc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo là 3,98%, giảm 11,02% so với khi bắt đầu triển khai NTM năm 2011 là 15%. Thu nhập của người dân toàn huyện từng bước được nâng lên. Năm 2011, thu nhập của người dân đạt 13,2 triệu đồng/người/năm, đến năm 2015 đạt 24 triệu đồng/người/năm và tính đến tháng 6/2019 đạt 41,2 triệu đồng/người/năm (tăng hơn gấp 3,1 lần so với năm 2011).
Trồng khoai tây cho năng suất cao tại xã Hòa Lộc |
Đẩy mạnh sản xuất tạo đà để Hậu Lộc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Cán bộ và nhân dân Hậu Lộc luôn xác định phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu bức thiết của người dân và được chú trọng đầu tư. Đến nay, toàn huyện đã làm mới được 76,597km đường trục xã, 99,615km đường thôn xóm và nội đồng. Nâng cấp, cải tạo 140,2 km đường xã và 131,7km đường thôn xóm, nội đồng, về cơ bản hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đã được đồng bộ. Tổng số vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông là 501,7 tỷ đồng.
Cây thanh long cho thu nhập cao ở xã Tuy Lộc |
Xây dựng NTM ở Hậu Lộc được vận dụng huy động lồng ghép tất cả các nguồn lực. Do vậy, bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện, thu hút từ doanh nghiệp thì nguồn vốn đối ứng của địa phương đóng vai trò chủ đạo. Giai đoạn 2011-2019 (tính đến tháng 6/2019), tổng số vốn huy động cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là 6.933 tỷ đồng, đã giúp huyện thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
Xây dựng NTM, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi diện mạo huyện Hậu Lộc |
Sau 10 năm triển khai thực hiện, cùng với sự lãnh chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của các cấp, các ngành và Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là tạo được sự đồng thuận và phong trào xây dựng NTM trong các tầng lớp nhân dân trong huyện. Đến nay, toàn huyện có 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 44% tổng số xã xây dựng NTM; Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 41,2 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,98%.