Hơn nửa thập kỉ chăm lo cho người cao tuổi
TW hội 13/05/2021 11:06
Kì 2: Hiệu quả triển khai “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”
Để có nguồn lực chăm lo cho người cao tuổi, bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sáng tạo, Hội đã phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính lão trọng thọ” của dân tộc, tác động tích cực đến các tập thể, cá nhân hảo tâm. Mỗi địa phương có hình thức vận động khác nhau nhưng đều hướng mục đích để hỗ trợ người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2015 đến 2020, Hội Người cao tuổi các cấp đã vận động được trên 1.000 tỉ đồng, bình quân mỗi năm vận động được 170 tỉ đồng. Từ nguồn quỹ thu được, cả nước đã dành trên 2,67 triệu suất quà tặng người cao tuổi nghèo, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn. Các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Long An, Đồng Nai, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh... vận động được nhiều tiền và hiện vật. Hội Người cao tuổi tỉnh Lào Cai, Khánh Hòa, Bến Tre, Kiên Giang, Tây Ninh... còn phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể vận động đơn vị, doanh nghiệp xây nhà tình nghĩa cho người cao tuổi nghèo gặp khó khăn về nhà ở.
Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền với đại biểu dự Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc lần thứ III, năm 2018 |
Chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được đặc biệt quan tâm. Cả nước có 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có Khoa Lão, gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng dành cho người cao tuổi; 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi. Đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho các cụ từ 80 tuổi trở lên và bằng nhiều hình thức hỗ trợ, đến nay đã có 96% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trên 1,9 triệu người cao tuổi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe, 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kì. Các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người từ 60 đến dưới 80 tuổi. Riêng tỉnh Hưng Yên đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% số người cao tuổi. Trên 2 triệu người cao tuổi được khám, tư vấn sức khỏe.
Phó Chủ tịch Ngô Trọng Vịnh tặng quà người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Hòa Bình |
Nhân “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, Hội phối hợp với ngành Y tế, Hội Đông y, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các đợt khám, tư vấn chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Trên nhiều ấn phẩm sách, báo, tạp chí đã đăng tải bài viết của các bác sĩ, dược sĩ, các nhà khoa học về sức khỏe người cao tuổi, cách phòng chữa bệnh, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập dành cho người cao tuổi, nhất là với những người đang mắc bệnh mạn tính. Qua đó, giúp người cao tuổi kiểm soát sức khỏe của bản thân, biết cách tự chăm sóc, phòng bệnh.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hòa Bình trao Giấy khen của Hội cho hội viên xuất sắc |
Sôi nổi nhất vẫn là hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đây cũng là lí do thu hút đông đảo người cao tuổi gắn bó với tổ chức Hội và làm gia tăng số hội viên cũng như tỉ lệ người cao tuổi gia nhập tổ chức Hội hằng năm. Theo báo cáo của Hội Người cao tuổi Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 77.000 CLB các loại hình, thu hút trên 2,5 triệu hội viên tham gia; phổ biến vẫn là các CLB bóng chuyền hơi, bơi, cờ tướng, thể dục dưỡng sinh, thức vũ kinh, Thái cực trường sinh đạo, khiêu vũ. Cùng với nhiều hội thi vui khỏe có ích, Hội Người cao tuổi các tỉnh, thành phố còn tổ chức Liên hoan tiếng hát người cao tuổi cấp tỉnh, thi thơ, hát dân ca; các tỉnh phía Nam còn biểu diễn đàn ca tài tử, hội thi tân - cổ nhạc, giao lưu văn nghệ giữa các đơn vị trên địa bàn… Riêng Hội Người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh tổ chức được Hội thi tổ tôm điếm thường niên nhân dịp đầu Xuân và mới đây tổ chức thành công Hội thi khiêu vũ trung cao tuổi, tạo ấn tượng tốt đẹp trong xã hội, làm sinh động thêm cuộc sống của người cao tuổi.
Tiết mục văn nghệ của người cao tuổi TP Hà Nội |
Năm 2016, Trung ương Hội cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kí kết chương trình phối hợp đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao người cao tuổi giai đoạn 2017-2021. Vào tháng 10 hằng năm, hưởng ứng “Tháng hành động vì người cao tuổi”, ngành Thể dục Thể thao phối hợp với Hội Người cao tuổi tổ chức nhiều hình thức, chọn lựa các đối tượng thi đấu, giao lưu từ xã phường, quận huyện, tỉnh, thành phố đến cấp quốc gia. Hằng năm, gần 2.000 vận động viên tranh tài, đoạt 60 bộ Huy chương vàng, 75 bộ Huy chương bạc, 95 bộ Huy chương đồng tại 4 giải bóng chuyền hơi, bơi truyền thống, cờ tướng và cầu lông toàn quốc. Bóng chuyền hơi là môn thể thao phù hợp lứa tuổi nên được đông đảo người cao tuổi cả nước ưa thích, lan tỏa ra cả những lứa tuổi khác.
Khám mắt cho người cao tuổi xã Minh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An năm 2018 |
Được chăm lo chu đáo cả về vật chất, tinh thần, sức khỏe, người cao tuổi Việt Nam luôn trung thành với Đảng, mong muốn đất nước phát triển; có tích lũy tri thức, bản lĩnh, trách nhiệm và tâm huyết. Có kinh nghiệm, uy tín, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, người cao tuổi luôn phát huy vai trò gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển đất nước, sống vui, sống khỏe, trở thành tấm gương, động lực cho con cháu noi theo... Hiện có trên 97.100 người cao tuổi trực tiếp tham gia cấp ủy ở các chi bộ thôn, ấp, bản, tổ dân phố; 84.900 người cao tuổi được Đảng, Nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia HĐND, đảm nhận các vị trí trưởng, phó thôn, ấp, bản, tiểu khu, tổ dân phố; 498.200 người cao tuổi đảm nhiệm công tác Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở; trên 1,2 triệu người cao tuổi tham gia các tổ, nhóm phòng chống tội phạm, bảo vệ trị an ở địa phương; cung cấp hàng vạn tin liên quan, giúp cơ quan chức năng xử lí các vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.
Chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giai đoạn 2016-2020 người cao tuổi cả nước hiến hàng chục triệu mét vuông đất, hàng nghìn tỉ đồng và hàng triệu ngày công làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi; có 130.000 người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo nhiều việc làm, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Gần 800 nghìn người tham gia công tác khuyến học khuyến tài góp phần tích cực thực hiện “Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”.
(Còn nữa)
Trách nhiệm kép đối với cử tri và người cao tuổi |