Hội Nhà báo Việt Nam: Bảy thập kỉ vẻ vang…
Phóng sự 15/04/2020 16:14
Tuy nhiên, do bọn mật thám phá hoại nên không thực hiện được.
Ngày đầu thành lập
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Bộ Thông tin tuyên truyền…) được thành lập và ngày 27/12/1945, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời. Khi Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam thì đội ngũ nhà báo đã đông đảo hơn, phần lớn đều tham gia kháng chiến; lúc này, Đoàn Báo chí Việt Nam đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam. Báo chí cách mạng được bổ sung lực lượng, phương tiện mới, hình thành hệ thống thông tin đa dạng.
Việt Bắc trở thành cái nôi của báo chí kháng chiến với các báo Sự thật, Cứu quốc, Nhân dân, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam… Các lực lượng vũ trang, khu, tỉnh đều có báo hoặc bản tin, nội san. Khu vực phía Nam hình thành mạng lưới báo, đài phát thanh hoạt động tại nhiều địa phương do Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp phụ trách. Tháng 4/1949, tại Việt Bắc, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chính thức khai giảng lớp học đầu tiên và duy nhất với 42 học viên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong lịch sử báo chí nước ta.
Cắt băng khánh thành khu di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở Thái Nguyên. Ảnh Việt Hồng |
Trước yêu cầu đáp ứng nhiệm vụ báo chí cao cả, ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam. Hội nghị thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động; bầu Ban Chấp hành. Ông Xuân Thủy làm Hội trưởng; các ông Đỗ Đức Dục, Hoàng Hùng làm Hội phó; Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư kí. Tháng 6 năm ấy, Hội được Chính phủ ra quyết định công nhận và tham gia Mặt trận Liên Việt. Các báo thành lập chi hội, là nơi tổ chức thảo luận nghiệp vụ, bồi dưỡng kĩ năng, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của những người làm báo.
Tháng 7/1950, Đại hội của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) tại Phần Lan đã công nhận Hội Những người làm báo Việt Nam là thành viên chính thức. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số 59 Lý Thái Tổ cho đến nay.
Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền trao Bằng khen TW Hội NCT Việt Nam cho các cộng tác viên xuất sắc của Báo Người cao tuổi năm 2019 |
Trưởng thành qua từng nhiệm kì
Hội nghị thành lập Hội tại Roòng Khoa được coi như Đại hội lần thứ nhất, thành lập Hội. Từ đây, những người làm báo cách mạng chính thức có một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Đến cuối năm 1950, Hội đã thu hút 300 hội viên.
Đại hội lần thứ hai Hội Những người làm báo Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 16 - 17/4/1959 tại Hà Nội. Các đại biểu tham dự nhất trí đổi tên Hội thành Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua Điều lệ mới và bầu Ban Chấp hành 25 ủy viên, do ông Xuân Thủy làm Chủ tịch; các ông Hoàng Tùng, Huỳnh Văn Tiểng, Phùng Bảo Thạch làm Phó Chủ tịch; Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư kí.
Đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam ra đời do Nhà báo Vũ Tùng (Nguyễn Văn Thọ) làm Chủ tịch.
Bạn đọc cao tuổi với Báo Người cao tuổi. Ảnh Thanh Hà |
Ngày 7 và 8/9/1962 tại Hà Nội, Đại hội lần thứ ba Hội Nhà báo Việt Nam bầu ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch gồm ông Huỳnh Văn Tiểng, Phùng Bảo Thạch; ông Lưu Quý Kỳ làm Tổng thư kí. Trong nhiệm kì, diễn ra sự kiện lịch sử: Sau ngày giải phóng miền Nam, non sông quy về một mối, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam hợp nhất, lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam; ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch; các ông Tân Đức, Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Chủ tịch.
Tại Đại hội II, III, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều dự và có bài phát biểu quan trọng. Trong bài "Nâng cao hơn nữa chất lượng báo chí", Người căn dặn: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng"…
Bạn đọc với Báo Người cao tuổi. Ảnh TH |
Trải qua 10 nhiệm kì Đại hội, 70 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về chất và lượng. Đội ngũ người làm báo ngày càng đông đảo, đến nay có trên 25.000 hội viên sinh hoạt tại 294 đơn vị cấp Hội gồm Hội Nhà báo 63 tỉnh, thành phố; 19 liên chi hội; 212 chi hội trực thuộc Trung ương. 5 năm qua, trên 15.400 hội viên được bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn của đất nước. Những năm gần đây, việc triển khai thực hiện Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, tổ chức Hội báo toàn quốc, xây dựng bảo tàng báo chí, xây dựng khu di tích lịch sử của Hội tại Thái Nguyên… đã tạo điểm nhấn, ấn tượng sâu sắc trong xã hội. Nhiều cuộc kiểm tra giám sát việc thực hiện Điều lệ Hội, đạo đức nghề nghiệp triển khai, góp phần thắt chặt nền nếp, kỉ cương, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động Hội.
Các chương trình từ thiện nhân đạo được đẩy mạnh, Hội phối hợp vận động hàng trăm tỉ đồng tặng quà tri ân người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em vượt khó, đồng bào bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt… Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường giao lưu, thông tin báo chí giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, quốc tế, đặc biệt, hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch Liên đoàn Các nhà báo ASEAN (CAJ) đã nâng tầm của Hội và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bảy thập kỉ, mười nhiệm kì, Hội Nhà báo Việt Nam đã khẳng định vị thế, vai trò trong xã hội, trở thành ngôi nhà chung đáng tự hào của những người làm báo chân chính.