Hoàng hôn tắt nắng
Phóng sự 12/09/2020 09:03
Cuối tháng 7/2019, Báo Người cao tuổi đăng 3 kỳ bài viết “Hoàng hôn không tắt nắng” của tác giả Nghiêm Thị Hằng, phản ánh việc cuộc sống sau chiến tranh của bà Hà Thị Toán vợ liệt sĩ Phạm Văn Sơn. Ước vọng cuối đời của bà Toán được hưởng trợ cấp vợ liệt sĩ theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, nhưng sự thờ ơ, gây khó khăn của địa phương đã làm cho ước mơ của bà vụt tắt cùng bà sang thế giới kia.
Níu kéo những tia nắng cuối cùng như níu kéo một niềm tin
Hoàng hôn không tắt nắng mới là chuyện lạ, còn hoàng hôn tắt nắng là chuyện đời thường.
Tôi đã gặp bà Hà Thị Toán, 79 tuổi, ở xóm Chùa Hà, xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, vào một chiều cuối tháng 9/2019. Đó là những năm tháng cuối đời của người vợ liệt sĩ đơn thân, côi cút nuôi con trong cuộc đời nghèo khó. Lúc đó, bà Toán đã 79 tuổi. Bà Toán bảo: Tính tuổi âm thì tôi đã 80 tuổi rồi.
Đã ở tuổi “bát niên”, như hoàng hôn nắng chiều sắp tắt, nhưng bà Toán đi lại vẫn nhanh nhẹn, mắt vẫn tinh, chuyện trò không nhầm lẫn.
Bà Toán niềm nở mời chúng tôi vào nhà uống nước. Ngôi nhà ngói 3 gian gia đình bà Toán xây dựng đã lâu năm, trở nên bé nhỏ, cũ kỹ, lọt thỏm giữa khu đồi.
Bà Toán đang ở với cháu trai 13 tuổi. Bà bảo: “Nó là con của con gái tôi, mẹ nó đi làm ở Đài Loan và lấy chồng ở bên đó”.
Người con gái bà Toán nhắc đến là Hà Thị Vui, bà đặt tên con là Vui, những mong quên đi những buồn tủi của người vợ liệt sĩ khi người chồng đã hy sinh vì nước, người vợ trẻ phải sống nốt cuộc đời còn lại, phải vượt qua “búa rìu” dư luận, khi dám tìm cho mình hạnh phúc được làm mẹ.
Bà Hà Thị Toán tháng 9/2019, chưa dược hưởng chế độ tiền tuất hàng tháng với vợ liệt sĩ |
Bà Toán kể: “Chồng tôi hy sinh năm 1967, năm ấy tôi 26 tuổi,11 năm sau tôi 37 tuổi mới sinh cháu Vui. Cuộc đời mẹ con tôi, buồn thì nhiều, vui thì ít. Con gái tôi tên là Vui, nhưng từ bé đến khi lớn lên đi lấy chồng, con bé toàn chịu cảnh éo le. Cứ nghĩ mẹ con tôi thui thủi ở xóm đồi này, không mở mày mở mặt được với dân làng, không ngờ, cuối đời tôi cũng được hạnh phúc, khi con gái tôi đi lao động ở Đài Loan và lấy được người chồng người nước ngoài tử tế”.
Chuyện của bà Toán kể với tôi vào cuối buổi chiều hoàng hôn chưa tắt nắng, như cuộc đời của bà chưa tắt nắng hoàng hôn. Bà bảo rằng chỉ mong chính quyền cho hưởng trợ cấp tiền tuất liệt sĩ hàng tháng. Trước đây khi 55 tuổi, bà Toán đã làm đơn xin hưởng trợ cấp tiền tuất của chồng, bà không tái giá, nên vẫn là vợ của liệt sĩ Phạm Văn Sơn. Đến tuổi 79, bà Toán vẫn không được hưởng tiền tuất hàng tháng của chồng.
Tôi nói với bà Toán: “Ngày 9/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, theo đó tại khoản 4 Điều 20 quy định “Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng bằng một lần mức chuẩn”. Theo quy định này, bà đủ điều kiện được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và hướng dẫn bà làm đơn gửi UBND xã tân Thanh, phòng Lao động –Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Lạng Giang để được hưởng trợ cấp.
Nghe tôi nói vậy, bà Toán rất vui, đôi mắt già nua, sáng lên niềm tin mong đợi.
Bà Toán nói với ông Hoàng An người hàng xóm tốt bụng vẫn hay giúp đỡ mẹ con bà trong những năm tháng khó khăn: “Tôi nhờ chú An làm giúp tôi cái đơn gửi xuống xã và huyện nhé”.
Ông An vui vẻ nhận lời. Chúng tôi chào bà Toán ra về. Ông An nói nhỏ với tôi: “Bà Toán đang lâm trọng bệnh, nhưng gia đình vẫn giấu. Nếu giúp bà ấy được hưởng chế độ tiền tuất liệt sĩ trước khi bà ấy qua đời cũng là việc làm của xã hội đền ơn đáp nghĩa với gia đình liệt sĩ”.
Hoàng hôn tắt nắng, niềm tin vụt tắt, trả nỗi đau cho đời…
Sau chuyến đi tỉnh Bắc Giang trở về, tôi gặp bà Phạm Thị Hải Chuyền Chủ tịch Hội NCT Việt Nam báo cáo về câu chuyện và mong ước cuối đời của bà Hà Thị Toán vợ liệt sĩ Phạm Văn Sơn xin được hưởng chế độ hỗ trợ tiền tuất liệt sĩ hàng tháng như chính sách của Chính phủ. Tôi cũng thưa rằng “Bà Toán đang lâm trọng bệnh, đề nghị chị có tiếng nói với lãnh đạo sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang, xem xét hồ sơ giúp bà Toán được toại nguyện”.
Chủ tịch Phạm Thị Hải Chuyền nói: “Trường hợp của bà Toán đủ điều kiện để được hưởng. Nếu bà chưa có hồ sơ thì nhà báo giúp hướng dẫn gia đình làm hồ sơ cho bà Toán. Có gì khó khăn gì thì báo cáo lại với tôi.”
Cuối tháng 9/2019 tôi nhận được Đơn đề nghị hưởng trợ cấp tiền tuất của bà Hà Thị Toán, vợ liệt sĩ Phạm Văn Sơn, gửi UBND xã Tân Thanh, đồng gửi Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, có nội dung: “Năm 1977, địa phương báo tử chồng tôi liệt sĩ Phạm Văn Sơn. Tôi ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng, bố chồng, sau khi bố mẹ chồng chết, tôi xin ra ở riêng và không tái giá.
Căn cứ khoản 4 Điều 20 Nghị định số 31/2013 ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định: Chế độ trợ cấp tiền tuất hàng tháng:“Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác thì được hưởng tiền tuất hàng tháng bằng một lần mức chuẩn”. Đến nay tôi đã 79 tuổi vẫn chưa được hưởng chế độ tiền tuất tháng của chồng tôi là liệt sĩ Phạm Văn Sơn.
Năm nay tôi đã 79 tuổi, sức khỏe giảm sút do có nhiều trọng bệnh.
Tôi làm đơn này đề nghị UBND xã Tân Thanh, Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạng Giang, xem xét hướng dẫn tôi làm thủ tục hoàn thiện hồ sơ, để được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang trình phê duyệt bổ sung cho tôi được hưởng tiền tuất hàng tháng của vợ liệt sĩ”.
Cuối tháng 4/2020, tôi có dịp trở lại xã Tân Thanh, hỏi thăm ông An về chuyện bà Toán đã được hưởng chế độ tiền tuất liệt sĩ chưa. Ông An cho biết: “Xã đã trả lại đơn của bà Toán vì không có giấy báo tử kèm theo. Mấy tháng nay bà Toán ốm nặng, cháu Vui ở Đài Loan về chăm sóc mẹ. Để tôi gọi cháu sang có gì chị hướng dẫn gia đình làm lại đơn”.
Chị Hà Thị Vui, không thể giúp mẹ chờ được hưởng chế độ tiền tuất vợ liệt sĩ |
Gặp tôi, chị Hà Thị Vui cho biết: “Mẹ cháu đang ốm nặng nên gia đình cũng chưa có điều kiện đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh xin sao chụp hồ sơ liệt sĩ Phạm Văn Sơn. Đợi mẹ cháu khỏe, cháu sẽ làm việc này. Mẹ cháu cũng mong muốn đi tìm phần mộ của bố cháu, nhưng bên nội không ai tán thành”.
Sau lần gặp Vui, một tháng sau tôi nhận được tin bà Toán đã qua đời. Khi niềm tin vụt tắt, trả nỗi đau cho đời, bà Hà Thị Toán đã sang thế giới bên kia để được đoàn tụ cùng chồng liệt sĩ Phạm Văn Sơn.
Tôi viết bài này thay nén tâm nhang, viếng người vợ liệt sĩ đã ra đi, hoàng hôn đã tắt nắng.