Gian nan những mảnh đời già...(Kì 2)
Phóng sự 04/07/2019 09:17
Kỳ 2: Hoàn cảnh trớ trêu
Một số người già vì điều kiện khó khăn,cả đời nai lưng làm việc cật lực, bôn ba lên rừng, xuống biển, chắt chiu từng củ sắn, củ khoai nhưng đến cuối đời cũng chỉ đủ ăn. Số khác, cứ vợ làm ra chồng lại rượu chè, cờ bạc phá nát cả cơ ngơi, vì thế mâu thuẫn và bạo lực gia đình người cao tuổi cũng không hiếm gặp. Éo le thay, có những trường hợp gặp may lẽ ra giàu có từ sự năng động trong kinh doanh, đô thị hóa chuyển đổi đất đai, song lại đem chia hết cho các con, để đến cuối đời trở về "tay trắng". Họ có mẫu số chung là không tích lũy cho tuổi già từ khi còn trẻ.
Cụ Nguyễn Thị Là, 85 tuổi, ở xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh nhớ lại: Xưa còn trẻ, cụ xinh đẹp, nết na là niềm mơ ước của bao chàng trai tuổi xuân thì. Trong khi đất nước chiến tranh loạn lạc, cụ may mắn kết hôn với cụ ông thuộc diện khá giả trong làng. Sinh được bốn người con, hai trai hai gái, đứa nào đứa nấy kháu khỉnh, xinh xắn. Chẳng may, cụ ông mất sớm, cụ Là gồng trên vai gánh nặng gia đình. Không chỉ lo cho đàn con nheo nhóc, cụ còn phải chăm nuôi chị gái chồng mắc bệnh thần kinh thỉnh thoảng lên cơn lại bỏ đi đâu suốt mấy ngày. Một lần, người con gái thứ hai của cụ bị cảm lên cơn co giật, đưa đi bệnh viện không kịp, chân tay co rút lại, trở thành tật nguyền từ đó. Người con gái thứ hai cũng biểu hiện không bình thường. Đến nay, hai con gái của cụ Là đều đã ở tuổi ngoài 60, không chồng con, khi tỉnh táo thường mò cua bắt ốc hoặc đi mót khoai, lúa, trồng rau phụ mẹ kiếm sống. Trong khuôn viên gia đình tứ đại đồng đường của cụ, có gian nhà đơn sơ xây từ tiền hỗ trợ người tàn tật và người nghèo ở địa phương, cụ Là và các con gái được sự đỡ đần, chăm sóc của con trai, con dâu và các cháu nội, nhưng nỗi đau về tinh thần luôn khiến cụ trăn trở. Thi thoảng, con gái lên cơn, lôi cụ ra đánh chửi, đập phá đồ đạc, có khi còn đem quần áo cụ ra đốt… Khổ là vậy mà cụ càng thương các con gái dẩn dở của mình, rồi sau này, cụ già yếu chết đi, các con cụ sẽ sống thế nào?
Nhìn nét mặt nhăn nheo, giọng nói trầm buồn, có lúc nghẹn lại thổn thức, tôi ôm lấy cụ, động viên đôi ba câu để cụ yên lòng.
Cụ Nguyễn Thị Mun(*), 83 tuổi, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân dáng người gầy nhỏ, cái lưng còng rạp nhuốm màu năm tháng gian nan. Cụ sinh ra tại Hà Nội và từng trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, được chứng kiến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ đô và tham gia hỗ trợ bộ đội, du kích bảo vệ khi B52 Mỹ rải thảm bom trên bầu trời Hà Nội. Lớn lên, cụ kết hôn với cụ ông là người Nghệ An tập kết. Được giao nhiều đất thổ cư và nông nghiệp để sản xuất. Sáu người con lần lượt ra đời. Trong gian khó nhọc nhằn của chiến tranh liên miên và những đợt đói thắt lòng thắt ruột, hai cụ gồng mình lên gắng nuôi con. Nhiều bữa, không có gì ăn, hai cụ lại nhường phần khoai, sắn ít ỏi cho các con lót dạ qua ngày. Số phận run rủi làm sao trong số các con cụ có người trưởng thành vươn lên làm ăn chân chính, song cũng từng có người từng vào tù ra tội, để lại trong cụ những nỗi buồn dai dẳng tâm can khó có thể chia sẻ cùng ai. Giờ đây, cụ Mun tham gia sinh hoạt Hội Người cao tuổi, sáng nào cũng ra sân đình luyện tập dưỡng sinh và thi thoảng cùng đi lễ, vãn cảnh chùa, tham quan danh lam thắng cảnh, giao lưu với các bạn già.
Lau những giọt nước mắt hiếm hoi trên khóe mắt, cụ kể: "Xưa kia khu này toàn đồng ruộng. Gia đình tôi là nông dân nên được chia nhiều đất lắm. Từ khi đô thị hóa, chúng tôi được chuyển đổi, bán lấy tiền lo cho con cháu. Khi chúng thành gia thất, vợ chồng tôi chia cho mỗi đưa một mảnh, rồi bán dần ruộng, chia tiền cho chúng làm nhà. Khi ấy, cả sáu đứa con thống nhất cho thằng út phần nhiều để làm vốn chăm nuôi ông bà. Vậy mà, từ khi chồng tôi mất đi, vợ con thằng út trở lên hay xích mích, có khi cãi nhau con dâu lại nói bóng gió mẹ già khiến tôi ở không yên. Thế là các con bàn bạc phân công nhau mỗi đứa nuôi tôi một thời gian. Nay từng này tuổi rồi, tôi không còn đất, còn tiền, lại cứ phải đi ở luân phiên nhà con cái. Tủi lắm cô ơi!". Và cụ thừa nhận, đã bán hết đất, giao hết nhà cho các con. Có ai ngờ tỉ phú đất như cụ, đến cuối đời không còn chút gì cho riêng mình, phải phụ thuộc con cháu!
(Còn nữa)