Ghi ở vùng rốn lũ Tân Hóa
Phóng sự 21/10/2020 17:40
|
Kinh nghiệm sống chung với lũ
Chúng tôi đi cùng chiếc ca nô của Ban Chỉ huy quân sự huyện Minh Hóa chở cơm và nước uống vào tâm lũ Tân Hóa để cứu trợ người dân. Nước dâng cao chảy xiết, phía dưới nào là ngọn tre, dây cáp điện, đầu cột điện như những cái bẫy rất nguy hiểm, nên đoàn phải vật lộn nhiều phen hú vía mới vào được tầng 2 UBND xã, nơi duy nhất chưa bị chìm để làm nơi trung chuyển cứu trợ bà con.
|
Ông Trương Thanh Duẫn – Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết: “Lũ đợt này lên quá nhanh vì lũ đợt trước chưa rút hết thì tiếp tục mưa to kéo dài, hơn nữa vị trí thoát lũ mùa này hay bị cây cối, đá lấp nên lũ lên nhanh mà lại rút chậm. Cũng may trước đó bà con kịp đưa vật nuôi lên vách núi đá vôi trú tạm, người dân thì có nhà nổi nên tất cả đều an toàn. Bà con đều dự trữ được lương thực phẩm nhưng không thể nấu ăn được vì thiếu nước, vì vậy chủ yếu ăn mì tôm và chờ cứu trợ từ bên ngoài vào”.
Xã Tân Hóa của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là xã vùng sâu, vùng trũng bị bao quanh với những dãy núi đá vôi. Trong khi hầu hết sông, suối nơi huyện miền núi này đều tập trung về Tân Hóa, sau đó đổ xuống thượng nguồn sông Rào Nan qua một cái “yết hầu” đá vôi động Tú Làn. Vì thế nhiều năm nay, không năm nào là xã Tân Hóa không bị ngập lụt. Chỉ cần cơn bão lê cái đuôi qua huyện Minh Hóa là nước đã tràn vào nhà người dân xã Tân Hóa, và mưa kéo dài chừng hai ngày là nhà lụt nóc, bao nhiêu tài sản hoa màu bị thiệt hại…
Quanh năn chạy lũ nên người dân Tân Hóa thành quen, vì thế mỗi khi lũ về, họ không hề nao núng hoảng loạn mà triển khai tránh trú lũ lụt theo kinh nghiêm đã đúc rút từ lâu, hiệu quả với áp dụng phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt từ sau trận lũ lịch sử 2010, người dân có thêm nhà nổi để tránh trú bão rất an toàn hiệu quả.
“Trước đây chưa có nhà nổi thì khi lũ về bà con chỉ mong làm sao bảo vệ được tính mạng là mừng rồi chứ tài sản thì không cứu được. Nhưng từ sau năm 2010, người dân sáng kiến làm nhà nổi thì không chỉ tài sản, tính mạng người dân được bảo vệ an toàn khi lũ lên, mà sau lũ công lực bà con bỏ ra dọn dẹp so với trước đây cũng giảm đi rất nhiều”, ông Trương Thanh Duẫn nói.
Trận đại hồng thủy năm 2010, xã Tân Hóa bị thiệt hại rất nặng về người và tài sản, bà con phải bỏ của, dìu nhau lên lèn đá vôi để tránh lũ. Trước khi di chuyển, nhìn những con lợn sắp bị nhấn chìm, vừa tiếc của lại thấy thương nên người dân đã lấy cây chuối đóng thành bè mảng rồi cho những “anh trư” ngồi trên đấy với một ít rau khoai. Mấy ngày sau khi lũ rút, người dân về thấy lợn vẫn sống bình thường và họ đã nghĩ ra cách làm nhà nổi từ đó.
|
|
Nhà nổi được làm bằng những thùng phuy, tôn và gỗ, mỗi nhà nổi có diện tích từ 15 đến 20m2, đủ sức chứa cho 8 - 10 người ở và nhiều tài sản, ti vi, tủ lạnh, đồ dùng nhu yếu phẩm trong những ngày mưa lũ. Để bảo vệ tài sản mùa lũ, mỗi nhà dân còn làm thêm nhà nổi để đựng xe máy, bàn ghế, thóc lúa riêng biệt. Nhà nổi được đầu tư từ 30 – 35 triệu mỗi cái, có cột định vị để đảm bảo an toàn lúc gió to.
Chị Thái Thị Hồng, thôn 2, xã Tân Hóa chia sẻ: “Năm nào cũng bị lũ nên bà con thành quen và ngày càng có thêm kinh nghiệm chống lũ. Trước đây thì không biết cách, còn bây giờ chúng tôi để ý thấy lũ bắt đầu xuống là dọn dẹp ngay, cứ nước rút đến đâu thì dọn luôn đến đó. Trong nhà luôn có một cái bè nhỏ để chèo bơi xung quanh để lau chùi tường nhà cột nhà dễ dàng mà sạch sẽ...”.
Những hộp cơm nghĩa tình
Lũ chồng lũ nên những ngày 100% nhà của người dân bị ngập sâu từ 5 – 7 mét, phần lớn nhà bị ngập không còn nhìn thấy nóc. Tính đến chiều ngày 20/10, người dân xã Tân Hóa gần 5 ngày phải sống trên nhà nổi ăn mì tôm để cầm cự với lũ, mặc dù dự trữ được lương thực, thực phẩm nhưng không thể nấu ăn được vì sự an toàn và thiếu nước.
Bà Trương Thị Huấn, thôn 3, xã Tân Hóa cho biết: “Gia đình có chuẩn bị gạo, thức ăn nhưng nhà hết ga, điện lại không có, hơn nữa nước để nấu ăn không có nên không thể nấu cơm được. Mấy hôm nay chỉ ăn mì tôm thôi, nước uống họ cho phải để dành chứ không thể lấy nấu ăn vì bão lũ đang dài ngày. Hôm nay có các đoàn đưa cơm và nước uống bà con vui mừng lắm”
|
Chia sẻ với khó khăn của người dân Tân Hóa, các cấp các ngành và nhân dân khắp nơi đang hường về với nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Các cấp hội phụ nữ, các nhà hảo tâm trong những ngày lũ đã chung tay nấu những suất cơm, gói bánh để đem đến từng người dân cứu trợ. Chính quyền huyện Minh Hóa trích kinh phí để hỗ trợ bà con trước mắt là nước uống, các nhu yếu phẩm như bánh kẹo, sữa để bà con không bị đói. Mỗi ngày có hàng ngàn hộp cơm, bánh chưng, sữa và nước uống được lực lượng vũ trang phối hợp người dân vận chuyển về phát cho bà con.
Nhiều tổ chức thiện nguyện như Hội anh em thị trấn Quy Đạt, câu lạc bộ Nồi cháo tình thương của phóng viên Dương Thùy Linh,… không chỉ quyên góp kinh phí mà hàng ngày chung tay nấu những phần cơm, cái bánh rồi cùng vượt lũ trao tận tay bà con bằng cả tình thương yêu trân trọng.
Chị Nghiêm Thị Thúy ở T.P Hồ Chí Minh lặn lội hàng trăm km về cứu trợ giúp người dân cho biết: đã ra Miền Trung cứu trợ người dân từ 3 tháng nay, và cũng nhiều lần về giúp đỡ bà con vùng lũ Tân Hóa, nhưng chưa khi nào thấy thương bà con như bây giờ. Vì lũ ngập sâu, không thể nấu cơm, người dân hàng ngày phải ăn mì tôm vất vả quá. “Mỗi lần ở nhà xem ti vi, đài báo thấy bà con vất vả mà rơi nước mắt. Bây giờ tận nơi để trao cho bà con suất quà, hộp cơm tuy mệt nhưng cảm thấy vui và hạnh phúc”, chị Nghiêm Thị Thúy nói
Chị Thúy cũng cho biết: trước mắt hội tập trung cứu trợ bữa ăn trực tiếp cho bà con trong những ngày lũ to để người dân khỏi đói, sau đó khi lũ rút sẽ có chương trình khảo sát và hỗ trợ bà con sửa lại nhà cửa, khôi phục sản xuất để sớm ổn định cuộc sống trở lại.
|
|
Ông Trương Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biệt: “đợt lũ từ ngày 18 – 20/10 chỉ còn khoảng 90cm nữa là chạm móc lũ lịch sử năm 2010, cũng may chỉ thiệt hại một số tài sản còn con người thì đang đảm bảo an toàn dù bị ngập dài ngày. Hiện tại chỉ còn mỗi tầng hai trụ sở UBND xã không bị ngập nên làm trạm trung chuyển cơm va thức ăn, các nhu yếu phẩm từ bên ngoài cứu trợ đến bà con. Và đang thấy thông báo có cơn bão mới lại tiếp tục vào, dù có nhà nổi tránh trú rồi nhưng chúng tôi vẫn quán triệt bà con phải cẩn thận, triển khai các phương án phòng chống hiệu quả nhất. Tập trung mọi nguồn lực, sự ủng hộ và tiếp tục phát huy phương châm 4 tại chỗ để chống bão lũ”.