Gặp nhà chỉ huy tình báo Nguyễn Văn Tàu - Tư Cang: Bổn phận làm trai từ đó đã... lên đàng!
Đời sống 30/04/2024 10:00
Cách đây chưa lâu, giữa TP Hồ Chí Minh sôi động, tôi gặp người chiến binh Anh hùng Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), người chỉ huy xuất sắc cụm tình báo giữa lòng địch - người lính trận, ngực đỏ huân chương. Bao nhiêu sự kiện, câu chuyện ẩn kín mà ông có dịp nói ra, tựa những hạt ngọc lấp lánh, tỏa sáng cuộc đời bình dị mà rất đỗi kiên trung...
Anh bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Văn Tàu - Tư Cang dũng khí, can trường, nhưng giọng nói của ông hiền từ, nhỏ nhẹ, phong cách chân chất Nam Bộ. Ông đọc cho chúng tôi mấy vần thơ mộc mạc về cuộc đời, tình chồng vợ, bài thơ tặng vợ sau ngày Đại thắng 30/4/1975: Lấy nhau từ thuở đầu xanh/ Anh mười tám, em mười bảy/ Ôi cuộc sống yên lành đang chờ đợi/ Nhớ chăng em .../ Bổn phận làm trai từ đó anh đã “Lên đàng”.
Nguyễn Văn Tàu, sinh năm 1928, người con kiên trung, niềm tự hào của Nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu, của miền Đông gian lao mà anh dũng. Quê hương yêu dấu của người chiến binh – người lính Cụ Hồ này ở xã Long Phước anh hùng, giàu truyền thống cách mạng. Long Phước ngày nay thuộc TP Bà Rịa, anh hùng trong chiến đấu và năng động sáng tạo trong lao động hòa bình, công cuộc đổi mới quê hương, đất nước.
Anh bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Văn Tàu - Tư Cang |
Năm 17 tuổi, Nguyễn Văn Tàu được ba mẹ cho lên Sài Gòn đi học. Nhà nghèo nhưng Nguyễn Văn Tàu chịu thương chịu khó, chăm học, học giỏi, tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, hiếu học. Vừa tìm kế mưu sinh, vừa đi học, chàng trai vùng quê nghèo Long Phước len lỏi khắp mọi con hẻm sâu ngóc ngách, khu thượng lưu của những kẻ lắm tiền nhiều của, hay khu nhà ổ chuột của người lao động nghèo sống cù bơ cù bất, Nguyễn Văn Tàu đều thông thạo. Dù chỉ là vô tình nhưng chính đây là điểm tựa, là điều kiện rất tốt để Nguyễn Văn Tàu hoạt động bí mật trong nội đô.
Sau thời gian đi học, đi làm tại Sại Gòn, Nguyễn Văn Tàu lại trở về quê hương Long Phước sống cùng gia đình. Cuộc sống thường ngày diễn ra trong bầu không khí cách mạng sục sôi, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Tàu tình nguyện tham gia các hoạt động chống Pháp, gia nhập Đội Thanh niên Tiền phong xã Long Phước do thầy Mã Văn Thái, một người quả cảm, dũng khí, yêu nước, võ nghệ cao làm chỉ huy trưởng. Thầy Mã Văn Thái dành trọn sự yêu quý, tin cậy cho cậu học trò cưng Nguyễn Văn Tàu.
Tham gia Đội Thanh niên Tiền phương, Nguyễn Văn Tàu đã chính thức tham gia Mặt trận Việt Minh đánh đuổi thực dân Pháp đô hộ và xâm lược. Ngày 25/8/1945, Nguyễn Văn Tàu cùng Nhân dân xã Long Phước đi theo người đội trưởng chỉ huy Mã Văn Thái thực hiện khởi nghĩa giành chính quyền tại Bà Rịa. Trong khí thế rầm rộ xuống đường tham gia Tổng Khởi nghĩa, Nguyễn Văn Tàu là vệ sĩ cầm súng duy nhất của Đội, bảo vệ Chỉ huy trưởng Đội Thanh niên Tiền phong Mã Văn Thái.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, theo lời kêu gọi kháng chiến bảo vệ chính quyền cách mạng của Bác Hồ, đội du kích xã Long Phước được thành lập mang tên Quang Trung, người anh hùng áo vải của dân tộc. Nguyễn Văn Tàu là đội viên du kích kháng chiến luôn đi đầu, trung thành tuyệt đối, mẫn cán, tích cực. Trận chiến đánh quân địch đầu tiên của Đội du kích Quang Trung là công đồn Xà Bang diễn ra ngày 9/3/1946, tiêu diệt hơn 20 tên địch, thu nhiều vũ khí. Sau này, ngày 9/3 hằng năm trở thành ngày truyền thống của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 1946, theo yêu cầu của gia đình, Nguyễn Văn Tàu cưới vợ, sau đó vợ chồng ông sinh cô con gái đầu lòng, trước khi thoát li gia đình vào chiến khu tham gia kháng chiến, diệt giặc cứu nước. Vợ ông là bà Ánh đang mang bầu được ông đưa về Sài Gòn dựa vào người bà con để kiếm kế sinh nhai, một bề nuôi con khôn lớn. Theo gương chồng, bà Ánh cũng trở thành cơ sở của cách mạng, nữ giao liên dũng cảm giữa lòng địch - thành phố Sài Gòn.
Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Văn Tàu xa nhà biền biệt, không một lần về nhà, không biết mặt - không có hạnh phúc ẵm bế đứa con gái đầu lòng. Năm 1954, Nguyễn Văn Tàu được lệnh tập kết ra Bắc, lại tiếp tục sống xa nhà. Cuối năm 1961, từ miền Bắc hậu phương lớn ông được lệnh bí mật hành quân vượt Trường Sơn trở về Nam - Mặt trận B2, miền Đông Nam Bộ thực thi nhiệm vụ thiêng liêng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tháng 5/1962, ông được cấp trên giao trọng trách làm Cụm trưởng Cụm Tình báo H.63. Hạt nhân của cụm H.63 là điệp viên mang mật danh X.6 (điệp viên Phạm Xuân Ẩn). H.63 được đánh giá hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ, với sự hoàn hảo của điệp viên X.6 huyền thoại - Phạm Xuân Ẩn. H.63 trải qua những năm tháng mưu trí gan dạ, giữ kín vỏ bọc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có 10 năm bám trụ địa đạo Củ Chi. H.63 và các cá nhân của cụm tình báo chiến lược này lập công đặc biệt xuất sắc, vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Thành công đặc biệt xuất sắc của X.6 Phạm Xuân Ẩn có vai trò không nhỏ, sự chỉ huy khôn khéo, mưu lược, quả cảm của cụm trưởng H.63 Tư Cang - Nguyễn Văn Tàu.
Với người Anh hùng, Đại tá Tư Cang - Nguyễn Văn Tàu không thể không nhắc đến một trong những phẩm chất tuyệt vời, tính kỉ luật sắt của một người anh hùng tình báo. Tại Sài Gòn - Gia Định, chỉ huy lưới tình báo H.63, dù ở ngay bên cạnh vợ con nhưng không một lần ông ghé thăm nhà, dù chỉ là trong giây lát. Trong nội thành, có thời gian Tư Cang ở nhà cô Tám Thảo, vợ ông - cô Ánh giao liên nội tuyến thường xuyên tới đây để chuyển tài liệu cho ông, hai người nhìn nhau, có lúc nói chuyện vài câu nhưng không bao giờ ông để lộ, càng không nói nửa lời với cô Tám Thảo chủ nhà, cơ sở bí mật nội thành, rằng người nữ giao liên xinh đẹp đó là vợ của mình. Sau này, cô Tám Thảo vào căn cứ thì mới được biết câu chuyện tình đặc biệt, sự giấu kín cũng là hi sinh to lớn về tình cảm gia đình rất hi hữu này.
Và chỉ đến ngày 30/4/1975 sau bao năm đi xa, Tư Cang - Nguyễn Văn Tàu mới trở về Sài Gòn trong đoàn quân chiến thắng. Lúc đó, tháng 4/1975, Đại tá Tư Cang - Nguyễn Văn Tàu là Chính ủy Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 tiến về giải phóng Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975, vợ con chạy đi tìm ông giữa Sài Gòn đại thắng rợp bóng cờ hoa nhưng tin tức về Tư Cang - Nguyễn Văn Tàu vẫn mù mờ, không ai biết. Mãi đến đêm 30/4/1975, Nguyễn Văn Tàu mới tìm về ngôi nhà thân thương của mình trong nỗi niềm vui sướng và hạnh phúc tột độ của vợ, con gái (chưa một lần gặp cha) và đứa cháu ngoại yêu thương.
Năm 2024, Đại tá Tư Cang - Nguyễn Văn Tàu bước qua tuổi 96. Ông là nhà báo chiến lược, phẩm chất anh hùng của một nhân cách lớn, người con yêu dấu của quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu và miền Đông Nam Bộ. Tuổi cao, ý chí càng cao. Ông sống cuộc đời thanh cao, gương mẫu, hạnh phúc bên người vợ hiền và con cháu, trong mảnh vườn nhỏ, nhiều cây hoa đẹp do chính bàn tay ông tự chăm sóc mỗi ngày. Hằng năm vào dịp kỉ niệm ngày Đại thắng 30/4, ngôi nhà nhỏ của ông rất đông khách. Ngày nào cũng nhiều đồng đội, bạn hữu, Chi hội Cựu chiến binh và Người cao tuổi địa phương và những đàn em nhỏ quây quần bên người anh hùng, nghe ông kể chuyện đánh giặc năm xưa - chuyện ông làm “Điệp viên - tình báo” phong phú, nhiều chi tiết hấp dẫn, mới lạ, kể mãi mà không hết, chẳng có chuyện nào giống chuyện nào.
Một đời làm cách mạng, xa nhà biền biệt hơn 30 năm, có lúc gần nhau mà vẫn cách mặt, cách lòng. Sự hi sinh thầm lặng, to lớn mà kẻ thù cũng phải kính nể, khiếp sợ. Một dân tộc biết hi sinh quên mình như thế, tạo nên sức mạnh vô địch đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Chỉ chừng ấy thôi cũng đã quá đủ cho những người trong cuộc trở thành anh hùng. Đúng như câu thơ giản dị, mộc mạc mà Anh hùng, Đại tá Tư Cang - Nguyễn Văn Tàu đã tặng người vợ thân yêu của mình: Bổn phận làm trai từ đó anh đã “lên đàng”…