Báo chí Hồng Kông mới đây tiết lộ một dự án nghiên cứu hải dương của Trung Quốc, chủ trương vạch ra “đường biên giới mới” trên Biển Đông, nhằm “tạo điều kiện cho nghiên cứu” về tài nguyên và “gia tăng sức nặng” cho các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực biển này.
|
Đường lưỡi bò do Đài Loan (TQ) vẽ ra từ năm 1947 |
Đường biên giới được đề xuất có hình dạng của một đường liền mạch chính xác hợp vào với “đường lưỡi bò”, hay còn gọi là đường chữ U, hay đường chín đoạn, vốn vạch ra một vùng rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố lập lờ về chủ quyền tại khu vực Biển Đông giàu tài nguyên khoáng sản và năng lượng. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời một nhà khoa học kỳ cựu đã tham gia dự án nghiên cứu khoa học tự nhiên tại khu vực tranh chấp do chính phủ tài trợ cho biết điều này sẽ mang lại một sự diễn giải rõ ràng hơn về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, đường biên giới mới này sẽ chia tách Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, chạy xuống phía Nam vào vùng biển do Malaysia tuyên bố chủ quyền, rồi lại quay một vòng chữ U lên phía Bắc dọc theo bờ biển phía Tây của Philippines, và kết thúc ở Đông Nam Đài Loan.
Đường này bao trùm các nhóm cấu trúc trên biển Đông, bao gồm Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Bãi cạn James và Bãi cạn Scarborough. Đường này nếu được chấp nhận, có thể tạo cớ cho Trung Quốc đòi hỏi quyền thực hiện các hành vi như đánh bắt cá, thăm dò và khai thác các nguồn năng lượng và khoáng sản, cũng như xây dựng các căn cứ quân sự trong vùng biển bên trong đường này.
Các nhà nghiên cứu trên của Trung Quốc còn tuyên bố là nghiên cứu của họ dựa trên một bản đồ thể hiện đường lưỡi bò liền nét được xuất bản từ năm 1951.
Tại sao Trung Quốc lại tung ra nghiên cứu đó vào lúc này?Thực ra, đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm khôi phục hình ảnh của mình sau thất bại về mặt pháp lý, vào năm 2016, trong vụ kiện tại Tòa Trọng tài ở La Haye. Bắc Kinh phủ nhận phán quyết này, coi phán quyết chỉ là “một tờ giấy lộn”, và “hoàn toàn vô giá trị”. Về mặt chính thức, chính quyền Bắc Kinh áp dụng chính sách “ba không”: không tham gia (quá trình phân xử), không thừa nhận (tính hợp pháp của tòa), và không tuân thủ (phán quyết). Tuy nhiên, từ sau phán quyết này, Trung Quốc đã âm thầm điều chỉnh các căn cứ cho tuyên bố chủ quyền của mình bằng việc liên tục đưa ra các tài liệu pháp lý đối với tấm bản đồ có “Đường 9 đoạn”. Từ năm 2017, nước này thậm chí còn đưa ra một học thuyết mới, cụ thể là khái niệm “Tứ Sa” về Biển Đông.
Trong học thuyết này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với tên gọi lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Thay vì được xem là một nhóm các thực thể tranh chấp, Trung Quốc coi mỗi nhóm đảo và đá ngầm này là một quần đảo gồm nhiều thực thể khác nhau, với ranh giới biển cụ thể, có chủ quyền và quyền được xác lập xung quanh đó một vùng đặc quyền kinh tế.
Học thuyết về “Tứ Sa” của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị giới khoa học quốc tế phản đối và chỉ trích. Cho nên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang “nỗ lực” tìm kiếm các cách giải thích pháp lý mới cho tham vọng này của Trung Quốc. Chính vì vậy, đã dẫn đến việc “phát hiện” một bản đồ có “đường lưỡi bò liền nét” như đã nêu.
Nhiều chuyên gia pháp lý như Giáo sư Julian Ku, hiện đang làm việc tại Đại học Hofstra và học giả Chris Mirasola, đang công tác tại Đại học Harvard, đã khẳng định rằng “các tuyên bố pháp lý mới của Trung Quốc cũng chẳng có nhiều giá trị hơn các tuyên bố về đường 9 đoạn trước đây”.
Thực chất, “tấm bản đồ mới” mà các học giả Trung Quốc đưa ra chỉ là một nỗ lực “bình mới rượu cũ” cho tham vọng chiếm đoạt toàn bộ khu vực Biển Đông của Chính phủ Trung Quốc mà thôi.
Đường liền nét dưới góc độ luật quốc tế sẽ có ý nghĩa như thế nào?Giả định rằng bản đồ này là có thật (điều này khó tin lắm, vì việc ngụy tạo các bằng chứng kiểu này, Trung Quốc đã đưa ra rất nhiều để tung hỏa mù) thì sao?
Để tìm hiểu về các vấn đề pháp lý cho “đường lưỡi bò liền nét” này, ta cần đi tìm câu trả lời cho ba vấn đề: Thứ nhất, với chỉ riêng bản đồ “đường lưỡi bò liền nét” có tạo ra một yêu sách chính thức về lãnh thổ của Chính phủ Trung Quốc?
Thứ hai, việc các nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố nghiên cứu về đường liền nét dựa trên một bản đồ có từ năm 1951 với hàm ý gì?
Thứ ba, liệu “đường lưỡi bò liền nét” này có thể trở thành “đường biên giới quốc gia trên biển” của Trung Quốc?
Bản đồ “đường liền nét” có phải là một yêu sách lãnh thổ của Chính phủ Trung Quốc?Trước hết, dù là bản đồ đường đứt khúc, hay bản đồ nét liền đi nữa, bản thân bản đồ đó có tạo thành một yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc?
Thay cho trả lời câu hỏi này, ta có thể viện dẫn ý kiến của thẩm phán Oda trong vụ Kasikili/Sedudu: “…một yêu sách lãnh thổ chỉ có thể được đưa ra với ý định rõ ràng của chính phủ, điều có thể được phản ánh qua các bản đồ. Bản thân bản đồ, nếu không có các bằng chứng hỗ trợ khác không thể biện hộ cho một yêu sách chính trị”.
Ta cũng có thể xem trích dẫn từ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ)trong vụ Burkina Faso/Republic of Mali:
“Các bản đồ có thể có giá trị không hơn giá trị các bằng chứng chứng thực cho một phán quyết mà Tòa đã đưa bằng các cách khác không liên quan đến các bản đồ đó, ngoại trừ khi các bản đồ thể hiện ý chí của quốc gia, bản thân các bản đồ không thể được xem là bằng chứng cho một đường biên giới.”
Như vậy, chúng ta thấy rằng, nếu chỉ “lượm” được một bản đồ (mà chưa chắc bản đồ ấy là thật), không có sự tuyên bố rõ ràng rằng bản đồ đó thể hiện yêu sách của chính phủ Trung Quốc thì nó không thể gọi là một yêu sách về lãnh thổ được. Yêu sách lãnh thổ phải được công khai, rõ ràng với tuyên bố chính thức của nhà nước, chứ không phải của mấy nhà “nghiên cứu” của Trung Quốc tự “sáng tác” ra.
“Đường liền nét” dựa trên bản đồ xuất bản năm 1951 có hàm ý gì?Các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong trường hợp này đã cho biết là “mới phát hiện” ra một bản đồ có “đường lưỡi bò liền nét” được xuất bản từ 1951. Điều này có ý nghĩa gì?
Với các mốc năm 1951 này, các nhà nghiên cứu Trung Quốc muốn cho nó “phù hợp” với các tuyên bố trước đây của chính phủ Trung Quốc, về “quyền lịch sử” đối với vùng biển bên trong đường này. Vì thời điểm này xuất hiện trước khi Công ước luật biển 1982 được ký kết. Bởi vì từ khi Công ước luật biển 1982 được ký kết và có hiệu lực, mọi khái niệm về quyền và lợi ích biển của các quốc gia ven biển đều được quy định hết trong Công ước. Công ước Luật biển 1982 được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương” trên phạm vi toàn thế giới. Nếu dựa trên Công ước Luật biển 1982 thì Trung Quốc không thể biện minh cho cái họ gọi lập lờ là “đường lưỡi bò” này.
Chính vì vậy, để bác bỏ việc áp dụng Công ước Luật biển 1982, Trung Quốc đưa ra yêu sách về “quyền lịch sử” của họ trên vùng biển này. “Quyền lịch sử” được hiểu một cách đơn giản là các đặc quyền ưu tiên của Trung Quốc đối với các tài nguyên trong vùng biển này, “lịch sử” là bởi vì Trung Quốc cho rằng họ đã thực hiện từ lâu trong lịch sử, trước khi Công ước luật biển 1982 ra đời, cho nên họ sẽ được ưu tiên không tuân theo quy định của Công ước Luật biển trong trường hợp này.
Tuy nhiên, chúng ta còn nhớ Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết về vấn đề này ngày 12/6/2016: “trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn.”
“Đường lưỡi bò liền nét” có thể là “đường biên giới quốc gia của Trung Quốc” trên biển Đông?Vấn đề tiếp theo là liệu đường lưỡi bò liền nét này có thể trở thành đường biên giới quốc gia của Trung Quốc trên Biển Đông? Trước đây, một trong những luận điểm của các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng “đường lưỡi bò” được vẽ tùy tiện, không có tọa độ để xác định, và là một đường đứt khúc nên không thể hiện được là một đường biên giới nghiêm chỉnh.
Chắc với lý do đó, cho nên gần đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc được sự hỗ trợ từ chính phủ đã cố gắng “phát hiện” bản đồ liền nét để khắc phục điểm yếu này.
Chúng ta cùng trở lại vụ Philippines kiện Trung Quốc trước Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982.
Trong quá trình tranh luận trước Tòa, các luật sư của Philippines chứng minh rằng: Trung Quốc có một số cách diễn giải về “đường lưỡi bò”. Một trong các sự diễn giải đó chính là coi “đường lưỡi bò” là “đường biên giới quốc gia trên biển” của Trung Quốc. Tuy nhiên, dựa trên các tuyên bố chính thức của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt giai đoạn từ năm 2014 trở đi, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức tuyên bố :“thừa nhận và tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do hàng không mà luật quốc tế yêu cầu bên trong đường chín đoạn”.
Bằng việc thừa nhận chính thức quyền tự do hàng hải và tự do hàng không bên trong đường lưỡi bò, Chính phủ Trung Quốc đã gián tiếp bác bỏ việc coi đường này là đường biên giới quốc gia, cho dù nó là đứt khúc, hay liền nét. Bởi vì, theo các quy định của luật pháp quốc tế, không thể có chuyện tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực biển nằm bên trong đường biên giới quốc gia được.
Lập luận này của phía Philippines đã được Tòa chấp thuận. Tới đây chúng ta có thể thấy, trong tuyên bố chính thức của Chính phủ Trung Quốc đã gián tiếp bác bỏ đó là một “đường biên giới quốc gia trên biển”, còn các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì ra sức chứng minh đó là “đường biên giới quốc gia”. Trong luật quốc tế, tuyên bố của Chính phủ với phát biểu của mấy nhà nghiên cứu về lãnh thổ, cái nào có sức mạnh pháp lý hơn?
Như vậy, câu chuyện về tuyên bố gây ồn ào dư luận gần đây của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc về một bản đồ với “đường lưỡi bò liền nét” cho thấy tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chưa bao giờ phai nhạt, cho dù đã bị dội một gáo nước lạnh với phán quyết của Tòa Trọng tài hồi năm 2016.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn ráo riết tìm mọi cách thực hiện trên thực tế để biến “đường lưỡi bò” thành hiện thực. Và một trong những cách đó là họ đã “phát hiện” ra bản đồ có “đường lưỡi bò liền nét” mà họ nói rằng đã xuất bản từ năm 1951.
Tuy nhiên, bản chất của cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc nó không có tính chất pháp lý nào, cho nên dù có biện minh kiểu gì đi nữa cũng không được luật quốc tế chấp nhận, và đương nhiên, nó sẽ không có chỗ đứng trong luật quốc tế.
Mặc dù Trung Quốc với sức mạnh của mình, mưu toan “đổi trắng thay đen”, nhưng điều này không thể làm được trong thế giới hiện đại. Mọi cường quốc rồi cũng suy tàn, nhưng luật quốc tế thì luôn phát triển trên những nền tảng cơ bản. Cho nên, những tuyên bố không có nền tảng luật quốc tế như “đường lưỡi bò”, dù liền nét hay đứt khúc, sẽ không bao giờ được luật quốc tế công nhận.
VietNamNet