Dụng nhân
Trong mắt người già 18/03/2022 12:30
Tại thao trường, trong khi đa số chiến sĩ đã đào được khối lượng đất kha khá thì tôi thấy một chiến sĩ dáng thư sinh, trắng trẻo đang ngồi vừa xoa hai bàn tay phồng đỏ vừa nhăn nhó, dù lượng đất đào được chưa bằng non nửa của đồng đội. Thấy tôi đến định hỏi chuyện thì một chiến sĩ làm bên cạnh nhanh nhảu nói:
- Thằng “Tuấn nghệ sĩ” này thì thủ trưởng bảo nó vẽ công sự trên giấy, em tin rằng thủ trưởng sẽ bái phục cả nón. Còn bắt nó đào đất thì cả ngày chưa chắc bằng chúng em làm một tiếng!
Qua câu chuyện với mấy chiến sĩ tôi mới biết Tuấn là chàng trai Hà Nội, có biệt tài vẽ và chơi đàn ghi ta. May đúng dịp đơn vị đang làm báo tường chào mừng ngày thành lập Đoàn, mấy cán bộ đang “đánh vật” làm báo mà vẫn rất khó khăn, nhất là phần trình bày, minh họa.
Biết chuyện, tôi liền yêu cầu đồng chí trung đội trưởng cho Tuấn về tham gia tổ làm báo. Rồi chúng tôi phát hiện ra Tuấn còn có năng khiếu thơ văn, đã góp ý và trực tiếp tham gia sửa nhiều bài thơ của chiến sĩ giúp nâng chất lượng khá tốt. Năm đó, báo tường của đại đội tôi đoạt giải nhất toàn lữ đoàn do nội dung sâu sắc, trình bày đẹp. Tuấn được đại đội tặng giấy khen về thành tích này.
Các cụ xưa đã dạy “dụng nhân như dụng mộc”. Việc này có lẽ chẳng ai không biết. Vậy mà gần đây lại có chuyện dụng nhân hơi lạ khiến dư luận xôn xao bàn tán, đó là việc một số địa phương như Bắc Ninh, Hòa Bình… đã đưa ra chủ trương ưu đãi “khủng” để đón giáo sư, tiến sĩ (GS, TS) về để dạy học trường chuyên hệ phổ thông. Việc này cũng có thể ví như người ta dùng búa tạ để đóng chiếc đinh ghim.
GS, TS… những nhân tài với học vấn cao siêu, bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình sẽ mang lại cho xã hội những lợi ích lớn lao, góp phần vào sự tiến bộ và phát triển trong phạm vi rộng lớn và sâu sắc. Nơi họ có thể cống hiến tốt nhất là viện nghiên cứu, học viện, trường đại học… Tại đó sẽ có điều kiện cả về vật chất, tinh thần và môi trường để họ phát huy tài năng, cống hiến hiệu quả cho xã hội. Kiến thức và yêu cầu với học sinh phổ thông ở mức độ nhất định, chưa cần đến trình độ của một TS hay GS, thậm chí chưa hẳn họ đã giỏi truyền thụ kiến thức đúng nhu cầu của học sinh bằng những giáo viên giỏi khác. Và khi môi trường mà họ không thể cống hiến tốt thì sẽ dẫn tới nguy cơ thui chột tài năng.
Sẽ ra sao nếu cùng môi trường, một GS với mức lương cao ngất mà chất lượng giảng dạy lại chỉ như giáo viên bình thường? Khi đó nhà trường sẽ không còn GS, TS mà sẽ xuất hiện những giáo viên thường với mức lương bất thường.
Một câu hỏi dư luận cũng đặt ra nghi vấn rằng, “chiêu” mời GS, TS về dạy học sinh phổ thông phải chăng chỉ nhằm “đánh bóng” tên tuổi, quảng bá “thương hiệu? Nếu như vậy thì người ta đang hạ thấp và thiếu tôn trọng nhân tài.