Đừng gieo vừng ra ngô!
Trong mắt người già 27/07/2020 10:44
Nhưng điều đáng nói lại ở chỗ, các hình ảnh điêu khắc tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm của quân dân hai làng Tơlok, Tơlek (đồng bào Ba Na), được cho là chưa đúng với đồng bào dân tộc thiểu số. "Người Ba Na chúng tôi cầm giáo, mác khi tham gia cuộc khởi nghĩa nhưng trên tượng đài lại cầm... búa. Người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín như đồng bằng, hoa văn cũng không phải của người Ba Na. Dáng đứng cũng không phải của người Ba Na"- Các già làng nhận xét.
Cũng gần đây, việc trùng tu và khai thác di tích tháp Po Inư Nagar ở Nha Trang làm người Chăm thấy... rầu lòng. Lí do là, những người trùng tu nâng bức tượng ở trung tâm kalan (đền/tháp), lên ngang đầu người.
Khu du lịch Quỷ Núi có rất nhiều ý kiến trái chiều về sự xuất hiện của địa điểm này. Ảnh IT |
Bởi trong văn hóa Chăm, khi lạy tượng thần, người Chăm thường nằm rạp xuống, mở mắt ra là nhìn thấy thần Yang trước mặt mình; còn nâng tượng theo cách mới, họ chỉ thấy đế tượng chứ không thấy thần linh ở đâu. Hay như chuyện gộp tết người Mông vào tết Nguyên đán của người Kinh ở xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) từng khiến cộng đồng cùng không ít nhà nghiên cứu văn hóa tiếc nuối. Gần đây nhất, tại khu du lịch Quỷ Núi (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), lại bày những bức tượng ma quỷ rùng rợn, tục tĩu, gây cảm giác khó chịu cho du khách.
Người Việt có 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa, đặc biệt là văn hóa tâm linh riêng. Vì thế, trong khi bảo tồn, tôn tạo và làm mới các công trình văn hóa cần tôn trọng văn hóa tộc người. Bởi họ là đối tượng thụ hưởng văn hóa, trước hết họ phải thấy đó là của mình, mang danh mình, nếu không phải là mình, xa lạ với mình, chắc chắn họ không chấp nhận.
Đông đảo người dân và các chuyên gia thấy lo ngại vì một bộ phận người làm văn hóa hiện nay đang có tâm lí nóng vội, “ăn xổi ở thì”, thiếu cả kiến thức cơ bản, thậm chí một số người mang cái tâm “tối màu”. Dư luận Nhân dân cho rằng, ngành văn hóa, du lịch cần “xốc lại đội hình”, hướng tới mục tiêu ứng xử văn minh, tôn trọng, trong bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Và để hạn chế thấp nhất các sai sót đáng tiếc, người làm văn hóa cần nghiêm túc, cầu thị tham vấn cộng đồng trước khi thực hiện. Phải lấy tinh thần: “Dân chủ, khoan dung, công bằng xã hội và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc và các nền văn hóa” mà Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa do UNESCO lập ra năm 2005.
Để có những mùa vụ văn hóa tốt đẹp, mang bản sắc Việt, người làm văn hóa cần chính xác, khoa học trong khâu chọn “hạt giống”, tránh “gieo vừng ra ngô”. Xã hội mong ngành văn hóa cần có những chiếc “Rada” nhanh nhạy, có tầm dự báo và quan sát chính xác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai phạm trong bảo tồn, tôn tạo, xây dựng công trình văn hóa. Có như thế, văn hóa mới làm tròn sứ mệnh “mở đường cho quốc dân đi” như Đảng ta từng khẳng định.