Đối tác thương mại giúp Nga chống lại lệnh trừng phạt của phương Tây
Quốc tế 02/02/2023 10:40
Theo báo cáo của Tổ chức phi chính phủ Free Russia Foundation (FRF) có trụ sở tại Washington, Nga đã tăng cường nhập khẩu các công nghệ quan trọng cho xung đột ở Ukraine, bao gồm cả chất bán dẫn và vi mạch từ Trung Quốc. Báo cáo cho biết: “Khi Mỹ, EU, Anh đều thu hẹp giao dịch với Nga, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga”.
Dựa trên 40 triệu mục hồ sơ hải quan mà FRF có được, báo cáo đưa ra cái nhìn chi tiết về thương mại của Nga, vốn không có nhiều thông tin sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Bởi tháng 4/2022, cơ quan hải quan Nga đã đình chỉ công bố dữ liệu hằng tháng về xuất nhập khẩu cùng nhiều số liệu thống kê khác. Vào thời điểm đó, Nga nói rằng, họ muốn tránh tình trạng “ước tính không chính xác, suy đoán và sai lệch về số lượng giao hàng nhập khẩu”. Dữ liệu tháng 1/2022 là dữ liệu gần đây nhất được Nga công khai.
Container của hãng China Shipping tại một cảng của Nga hồi tháng 10/2022. |
Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp một số công nghệ chủ chốt có thể phục vụ mục đích quân sự bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo các dữ liệu, Trung Quốc đã bán các máy bay không người lái (UAV) trị giá 3,3 triệu USD cho Nga trong năm 2022. Các UAV vẫn tiếp tục được chuyển cho Nga trong tháng 11 và 12/2022 từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Hong Kong, Trung Quốc đại lục và Singapore.
Năm 2022, nhập khẩu chất bán dẫn và vi mạch của Nga tăng 34% và Trung Quốc là nguồn cung cấp chính. Điều đó giúp Nga tăng tổng lượng nhập khẩu chip lên 2,45 tỉ USD vào năm 2022 so với 1,82 tỉ USD vào năm 2021, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào lĩnh vực này.
Nga và Trung Quốc đã dành nhiều năm để củng cố các mối quan hệ kinh tế, bao gồm một đường ống dẫn khí đốt trị giá 55 tỉ USD và việc Moscow tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ. Mối quan hệ này trở nên sâu sắc hơn ngay cả khi các quan chức ở Moscow vẫn lo ngại rằng, Nga có thể bị ràng buộc vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc.
FRF đã phối hợp thu thập dữ liệu với Đại học IE có trụ sở tại Madrid từ một bên thứ ba là nhà cung cấp dữ liệu chuyên phân tích chuỗi giá trị cho các công ty. Nhóm làm việc trong báo cáo bao gồm các nhà kinh tế và cựu quan chức Nga như Sergey Aleksashenko - cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga và Vladimir Milov - cựu Thứ trưởng Năng lượng Nga…
Theo báo cáo trên, thương mại giữa Nga và Trung Quốc tăng khoảng 27 tỉ USD từ tháng 3-9/2022 so với cùng kì năm 2021, đạt 99 tỉ USD. Phần lớn sự gia tăng này do doanh số bán dầu thô cao hơn, mà Nga chuyển sang Trung Quốc và các thị trường khác như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ khi các nước phương Tây hạn chế mua các sản phẩm năng lượng của Nga.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cấm hoàn toàn việc bán các sản phẩm công nghệ cao trong đó có chất bán dẫn cho Nga. Do một số nhà cung cấp hàng hóa công nghệ cao truyền thống của Nga như Đức, Hà Lan và Hàn Quốc thu hẹp giao dịch, khối lượng Nga nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng gấp đôi.
Nga cũng nhập khẩu chất bán dẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Kyrgyzstan, mặc dù các nước này không có ngành công nghiệp bán dẫn đáng kể, nhưng Nga có thể dễ dàng mua chip từ các nhà phân phối ở đó.
Phó Giáo sư Chris Miller tại Đại học Tufts, người không tham gia vào báo cáo cho biết: “Trung Quốc có khả năng sản xuất nhiều loại chíp công nghệ thấp hơn, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Nga mua những loại chip đó”. Dù vậy, theo ông “các hệ thống quân sự sử dụng nhiều loại chip và vì thế họ có thể đối mặt với tình trạng thiếu các loại chip cụ thể mặc dù họ vẫn có thể mua số lượng lớn các loại chip khác”.